Tham vọng lớn hơn của ông Trump khi muốn 'tái sinh' ngành ôtô

Trong nhiệm kỳ mới, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố sẽ triển khai hàng loạt chính sách nhằm khôi phục ngành ôtô truyền thống và thúc đẩy vai trò của năng lượng hóa thạch.

Ngay sau khi tuyên thệ, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh hành pháp hủy bỏ lệnh bắt buộc sử dụng xe điện. Ảnh: Reuters.

Tổng thống thứ 47 của Mỹ Donald Trump đã gây chú ý khi quyết định chấm dứt các sáng kiến năng lượng sạch, bao gồm Thỏa thuận Xanh mới (Green New Deal) và bãi bỏ quy định bắt buộc sử dụng xe điện.

“Hôm nay, tôi sẽ ký sắc lệnh chấm dứt Thỏa thuận Xanh mới và hủy bỏ lệnh bắt buộc sử dụng xe điện. Chúng ta sẽ cứu ngành công nghiệp ôtô của Mỹ và đưa nó trở lại vị trí dẫn đầu thế giới”, ông khẳng định trong bài phát biểu sau lễ nhậm chức.

Những tuyên bố và hành động này không chỉ định hình lại ngành công nghiệp ôtô tại Mỹ mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến thị trường xe điện (EV) toàn cầu, gây ra sự dịch chuyển trong cán cân công nghệ và kinh tế quốc tế.

Tương lai của xe điện toàn cầu

Những năm qua, xe điện đã trở thành biểu tượng cho sự đổi mới công nghệ và cam kết bảo vệ môi trường. Chính quyền tiền nhiệm của ông Joe Biden đã đặt mục tiêu 50% xe bán ra tại Mỹ vào năm 2030 là xe điện.

Tuy nhiên, ngay ngày đầu tiên nhậm chức tổng thống, ông Trump đã hủy bỏ mục tiêu này, đồng thời tạm dừng các khoản đầu tư vào hạ tầng xe điện như trạm sạc từ ngân sách 5 tỷ USD.

Ông Trump cũng có kế hoạch chỉ đạo các cơ quan xem xét lại các quy định về khí thải nghiêm ngặt hơn, đòi hỏi các nhà sản xuất ôtô phải bán từ 30% đến 56% xe điện vào năm 2032 để tuân thủ, Reuters cho biết.

Ông Trump cũng bác bỏ lợi ích môi trường của ôtô điện, cho rằng chúng mở đường cho sự thống trị sản xuất của Trung Quốc, đẩy các hãng xe Mỹ đến bờ vực phá sản và tạo ra tình trạng thất nghiệp hàng loạt cho lao động phổ thông. Ngay sau khi tái đắc cử, ông cho biết sẽ hủy bỏ các quy định về phương tiện của Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) và Bộ Giao thông Vận tải.

Kế hoạch của ông Trump nhằm đảo ngược các chính sách về xe điện có thể ảnh hưởng đáng kể đến các nhà sản xuất ôtô lớn của Mỹ như General Motors và Ford, những công ty đã đầu tư hàng tỷ USD vào phát triển xe điện.

Quyết định này làm chậm tốc độ phát triển của ngành xe điện tại Mỹ, khiến nước này mất lợi thế cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia khác như Trung Quốc và châu Âu đang tăng tốc triển khai xe điện.

Dự báo, Trung Quốc - quốc gia dẫn đầu về sản xuất và triển khai xe điện - có thể tận dụng khoảng trống Mỹ để lại. Hiện chính phủ nước này đang mạnh mẽ đầu tư vào sản xuất xe điện và xây dựng mạng lưới trạm sạc lớn nhất thế giới.

Theo Bloomberg, Trung Quốc kiểm soát hơn 80% chuỗi cung ứng pin lithium-ion - một thành phần quan trọng của xe điện - và đang đặt mục tiêu xuất khẩu xe điện sang các thị trường trọng điểm như châu Âu và Mỹ. Việc Mỹ giảm đầu tư vào xe điện đồng nghĩa với việc tạo điều kiện để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng trên toàn cầu.

cong nghiep oto anh 1

Trung Quốc thống trị chuỗi cung ứng pin xe điện (số liệu công bố tháng 7/2022 bởi Cơ quan năng lượng quốc tế). Biểu đồ: Bloomberg.

Bên cạnh đó, các quốc gia châu Âu, với các chính sách mạnh mẽ về trung hòa carbon, cũng có thể tận dụng sự chậm trễ của Mỹ để thúc đẩy công nghiệp xe điện và công nghệ năng lượng sạch. Financial Times cho biết các quốc gia EU đang lên kế hoạch tiếp tục mở rộng chính sách phát triển xe điện, với các nhà sản xuất như Volkswagen và Tesla Europe.

The Verge nhận định việc Mỹ rút lui khỏi cuộc đua bằng cách loại bỏ mục tiêu bán 50% xe điện vào năm 2030 có thể khiến các hãng xe nước này mất thị phần trong tương lai, nhường cơ hội dẫn đầu cho Trung Quốc và châu Âu.

"Tái sinh" ngành ôtô truyền thống: Cần thiết nhưng rủi ro

Ngành công nghiệp ôtô truyền thống tại Mỹ từng là niềm tự hào kinh tế quốc gia, biểu tượng cho sự đổi mới và khả năng sản xuất vượt trội. Trong suốt thế kỷ 20, các hãng xe như Ford, General Motors (GM), và Chrysler đã tạo dựng vị thế thống trị trên thị trường toàn cầu với động cơ đốt trong (ICE).

Những mẫu xe kinh điển như Ford Mustang, Chevrolet Corvette hay Dodge Charger đã trở thành biểu tượng của văn hóa Mỹ, không chỉ là phương tiện di chuyển mà còn đại diện cho sự tự do và thành công của người Mỹ.

Ngành công nghiệp này không chỉ mang lại hàng triệu việc làm mà còn tạo ra sức ảnh hưởng lớn về kinh tế, giúp Mỹ trở thành quốc gia xuất khẩu ôtô hàng đầu. Động cơ đốt trong, với nhu cầu nhiên liệu từ dầu thô, trở thành trụ cột của nền kinh tế năng lượng Mỹ, củng cố vị thế của nước này trong thị trường năng lượng toàn cầu.

Tuy nhiên, từ những năm 2000, các tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt và sự chuyển dịch toàn cầu sang năng lượng sạch đã khiến ngành này đối mặt với thách thức lớn.

Ông Donald Trump, trong nỗ lực “tái sinh” ngành ôtô truyền thống, đã thực hiện các bước đi cụ thể.

Theo Reuters, ông Trump đã đảo ngược các tiêu chuẩn khí thải khắt khe, vốn buộc các hãng xe phải tăng cường đầu tư vào công nghệ sạch do chính quyền ông Obama và Biden đề ra, giúp giảm chi phí sản xuất xe động cơ đốt trong. Điều này giúp giảm chi phí sản xuất cho các hãng xe truyền thống nhưng lại làm tăng lượng phát thải, gây áp lực lên môi trường.

Ngoài ra, thông qua các biện pháp khuyến khích sản xuất trong nước, ông Trump muốn giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt từ các quốc gia như Trung Quốc, Bloomberg cho biết.

Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) mà ông Trump đặt ra trong nhiệm kỳ thứ nhất đã áp đặt các quy định nghiêm ngặt hơn về nguồn gốc các bộ phận ôtô, yêu cầu 75% linh kiện phải được sản xuất tại Bắc Mỹ.

Đây là động thái nhằm hỗ trợ công ăn việc làm cho người dân Mỹ, nhưng đã bị chỉ trích vì làm tăng chi phí cho các nhà sản xuất ôtô bởi lương trả cho lao động Mỹ cao hơn rất nhiều so với các quốc gia khác.

Dù chính sách này có thể hỗ trợ các hãng xe truyền thống trong ngắn hạn, về lâu dài, nó có thể khiến Mỹ lạc hậu trong bối cảnh ngành công nghiệp ôtô toàn cầu đang dịch chuyển mạnh mẽ sang xe điện và các công nghệ bền vững.

Thống trị năng lượng: Tham vọng lớn hơn của ông Trump?

Các chính sách của chính quyền ông Trump không chỉ là nỗ lực phục hồi ngành ôtô truyền thống mà còn nằm trong chiến lược rộng hơn nhằm củng cố vị thế của Mỹ trong lĩnh vực năng lượng.

Dầu thô - vốn là một trong những công cụ địa chính trị quan trọng của Mỹ - sẽ tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong việc định hình sức ảnh hưởng của nước này đối với các nền kinh tế đối thủ như Trung Quốc và châu Âu, những khu vực đang tập trung phát triển xe điện và năng lượng tái tạo.

The New York Times tiết lộ chính quyền ông Trump đã nới lỏng các quy định môi trường để đẩy mạnh khai thác dầu khí đá phiến, đưa Mỹ trở thành nhà xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới.

Sản lượng dầu khí đá phiến đang tăng trưởng nhanh của Mỹ có thể giúp ổn định thị trường năng lượng trong thời kỳ khủng hoảng, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ các quốc gia khác, theo The Wall Street Journal.

cong nghiep oto anh 2

Nhà máy lọc dầu Los Angeles - nơi xử lý dầu thô trong nước và nhập khẩu thành xăng, nhiên liệu hàng không và dầu diesel - tại California (Mỹ). Ảnh: Reuters.

Bên cạnh đó, năng lượng hóa thạch chi phí thấp có thể giúp giảm giá thành sản xuất và vận hành, tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp nội địa.

“Chủ đề chung thực sự là giải phóng năng lượng Mỹ, vừa hợp lý lại vừa đáng tin cậy”, Reuters dẫn lời một quan chức giấu tên trong nội các ông Trump. “Vì năng lượng ảnh hưởng đến mọi mặt của nền kinh tế, nó cũng rất quan trọng trong việc phục hồi an ninh quốc gia và nâng cao sự thống trị của năng lượng Mỹ trên toàn cầu”.

Ông Trump đã nói rằng Mỹ đang tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang trí tuệ nhân tạo với Trung Quốc và các quốc gia khác, khiến nhu cầu năng lượng khổng lồ của ngành công nghiệp này trở thành ưu tiên quốc gia, theo Al Jazeera.

Dự báo của Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy nhu cầu năng lượng của các trung tâm dữ liệu tại Mỹ có thể tăng gấp 3 lần trong 3 năm tới và tiêu thụ lên đến 12% điện năng của cả nước, chủ yếu phục vụ cho trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khác.

Chính quyền ông Trump trước đó đã cân nhắc sử dụng quyền khẩn cấp theo Đạo luật Năng lượng Liên bang để thực hiện cam kết cứu ngành than, nhưng không thành công.

Dù vậy, trong khi thế giới đang chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, việc Mỹ tập trung vào dầu mỏ có thể khiến quốc gia này mất cơ hội dẫn đầu trong ngành năng lượng của tương lai.

Bên cạnh đó, tờ Le Monde của Pháp cũng cho biết các chuyên gia môi trường lo ngại rằng việc ưu tiên năng lượng hóa thạch và giảm bớt các tiêu chuẩn khí thải có thể làm gia tăng biến đổi khí hậu.

Việc Mỹ rút lui khỏi các cam kết về giảm phát thải có thể ảnh hưởng đến nỗ lực toàn cầu trong việc kiểm soát nhiệt độ trái đất, đặc biệt khi Mỹ là một trong những quốc gia phát thải lớn nhất thế giới.

Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới trở thành nhu cầu cấp thiết. Để độc giả có thể tiếp cận những tri thức kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh trên thế giới.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/tham-vong-lon-hon-cua-ong-trump-khi-muon-tai-sinh-nganh-oto-a212137.html