Tổng thống Donald Trump chỉ nói một câu thách thức FED, chứng khoán Mỹ tăng phá kỷ lục

"Tôi sẽ yêu cầu lãi suất giảm ngay lập tức", Tổng thống Donald Trump tuyên bố, chính thức gia tăng căng thẳng với FED.

Tổng thống Donald Trump chỉ nói một câu thách thức FED, chứng khoán Mỹ tăng phá kỷ lục- Ảnh 1.

Hãng tin CNBC cho hay Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có "cú đánh" đầu tiên với Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) khi tuyên bố sẽ yêu cầu hạ lãi suất, qua đó khiến thị trường chứng khoán tăng điểm phá kỷ lục.

Cụ thể, khi phát biểu qua video trước một hội nghị các nhà lãnh đạo toàn cầu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos-Thụy Sĩ, Tổng thống Donald Trump khi nói về chính sách kinh tế đã tuyên bố rõ rằng sẽ tìm cách hạ lãi suất.

"Tôi sẽ yêu cầu lãi suất giảm ngay lập tức, và tương tự như vậy, lãi suất nên giảm trên toàn thế giới. Mức lãi suất của các nước sẽ điều chỉnh theo Mỹ", Tổng thống Donald Trump cho hay.

Theo CNBC, đây là đòn đánh đầu tiên của Tổng thống Donald Trump với FED khi cả 2 có mối quan hệ căng thẳng từ nhiệm kỳ đầu năm 2016.

Tổng thống Donald Trump chỉ nói một câu thách thức FED, chứng khoán Mỹ tăng phá kỷ lục- Ảnh 2.

Bản thân Tổng thống Donald Trump đã thường xuyên chỉ trích Chủ tịch FED Jerome Powell, vốn được chính Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm.

Ông chủ Nhà Trắng đã từng gọi các nhà hoạch định chính sách của FED là "những kẻ ngốc nghếch" và so sánh Chủ tịch Powell như một người chơi golf nhưng không biết đánh bóng.

Vậy là chỉ với một câu nói, thị trường chứng khoán Mỹ đã nhanh chóng tăng điểm phá kỷ lục.

Chỉ số S&P 500 phá kỷ lục ngay trong phiên 24/1/2025 và hầu hết mọi chỉ số thị trường Mỹ đều tăng điểm. Thậm chí chỉ số Stoxx 600 Index của Châu Âu cũng tăng 0,44%.

Xung đột

Hãng tin CNBC cho biết cuộc xung đột về quan điểm chính sách tiền tệ của Tổng thống Mỹ Donald Trump và FED đã diễn ra từ trước lễ nhậm chức.

Trong chiến dịch tranh cử năm 2024 của mình, Tổng thống Donald Trump đã liên tục khẳng định rằng bản thân nên có quyền lên tiếng trong các quyết định về lãi suất.

Phát biểu sau đó với các phóng viên tại WEF, Tổng thống Donald Trump cho biết ông hy vọng FED sẽ lắng nghe ông và có kế hoạch nói chuyện với Chủ tịch Powell "vào đúng thời điểm".

Về phần mình, Chủ tịch Powell và các đồng nghiệp của ông đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự độc lập trong hoạt động của FED.

Chính ông Powell thường xuyên nhấn mạnh rằng FED không đưa ra quyết định dựa trên các cân nhắc chính trị, đồng thời Tổng thống Mỹ không có thẩm quyền theo luật định đối với tổ chức này.

Sự độc lập của FED được coi là yếu tố thiết yếu để ổn định thị trường, mặc dù ngân hàng trung ương đã bị chỉ trích trong những năm gần đây vì coi đợt tăng lạm phát năm 2021 là "tạm thời", sau đó dẫn đến một đợt tăng lãi suất mạnh để kiềm chế giá cả.

Bình luận của Tổng thống Donald Trump được đưa ra chưa đầy một tuần trước khi FED tổ chức cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày về lãi suất.

Ban đầu, thị trường hầu như không cho rằng FED sẽ hạ thêm lãi suất vì quan điểm thận trọng của Chủ tịch Powell.

FED đã cắt giảm nhẹ lãi suất sau đợt tăng 5,25% trong nỗ lực chống lạm phát. Mặc dù lạm phát vẫn cao hơn mức yêu cầu 2% nhưng các quan chức cho biết họ sẽ khá thận trọng vì tốc độ tăng giá đang chậm lại.

Tổng thống Donald Trump chỉ nói một câu thách thức FED, chứng khoán Mỹ tăng phá kỷ lục- Ảnh 3.

Theo dữ liệu của CME Group, đợt giảm lãi suất đầu tiên được dự đoán có thể diễn ra vào tháng 6/2025 nhưng tuyên bố của Tổng thống Donald Trump đã làm đảo lộn mọi thứ.

Trước đó, Tổng thống Donald Trump từng chỉ trích sự gia tăng lạm phát dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden là do "chi tiêu thâm hụt lãng phí", ám chỉ việc chi tiêu ngân sách cho những thứ không cần thiết gây ảnh hưởng đến giá cả.

"Kết quả là cuộc khủng hoảng lạm phát tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại và lãi suất cao ngất ngưởng đối với người dân của chúng ta, thậm chí là trên toàn thế giới. Giá thực phẩm và giá của hầu hết mọi thứ khác mà nhân loại biết đến đều tăng vọt", Tổng thống Donald Trump chỉ trích.

Ai làm chủ?

Năm 2017, Tổng thống Donald Trump trong nhiệm kỳ đầu đã bổ nhiệm ông Powell vào vị trí lãnh đạo FED. Tuy nhiên trong nhiệm kỳ đầu tiên, cũng chính Tổng thống Donald Trump là người không ngừng chỉ trích ông Powell vì cho rằng FED không nới lỏng chính sách tiền tệ đủ nhanh.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn vào tháng 10/2024, Tổng thống Donald Trump cho rằng Tổng thống nên được quyền tham gia vào các quyết định lãi suất: "Tôi không cho là tôi nên được ra lệnh về lãi suất, nhưng tôi nghĩ tôi có quyền đưa ra các bình luận về việc lãi suất nên tăng hay giảm".

Đáp trả, Chủ tịch Powell đã trả lời một phóng viên ngày 2/11 về việc liệu ông có từ chức nếu bị Tổng thống Donald Trump yêu cầu hay không rằng: "Không. Việc này không được pháp luật cho phép".

Trong cuộc vận động tranh cử, Tổng thống Donald Trump đã từng cam kết sẽ hạ lãi suất xuống mức thấp nhưng bản thân ông lại không thể tác động vào quyết định của FED. Chính điều này đã khiến căng thẳng 2 bên leo thang.

Theo FED, nếu Tổng thống ép họ giảm lãi suất thì có thể khiến lạm phát tăng mạnh trở lại, đi ngược lại mục tiêu bình ổn giá mà họ đang theo đuổi. Các lãnh đạo của FED tin rằng họ cần thiết đưa ra những quyết định không được lòng cử tri để đảm bảo lợi ích kinh tế lâu dài.

Chính điều này càng làm gia tăng căng thẳng giữa Tổng thống Donald Trump, tỷ phú Elon Musk và FED. Trong khi ông Donald Trump cho rằng FED đang chưa hạ lãi suất đủ nhanh và gây cản trở cho các chính sách của mình thì phía Chủ tịch Powell lại muốn "cân nhắc kỹ lưỡng" trước khi đưa ra quyết định.

Tổng thống Donald Trump chỉ nói một câu thách thức FED, chứng khoán Mỹ tăng phá kỷ lục- Ảnh 4.

Bên cạnh đó, việc FED cung tiền cho nền kinh tế bằng việc mua trái phiếu chính phủ cũng được cho là quyền lực quá lớn gây ảnh hưởng đến Tổng thống Mỹ, khiến những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump như tỷ phú Elon Musk cảm thấy bất bình.

Xin được nhắc lại rằng FED ngoài nhiệm vụ cung tiền thì còn có nhiệm vụ điều chỉnh lãi suất để duy trì ổn định giá cả, tối đa hóa việc làm cũng như tác động sâu rộng đến nền kinh tế Mỹ. Nhiệm vụ của FED giúp nền kinh tế Mỹ phát triển ổn định và tránh các biến động, nhưng chúng đôi khi khiến chính phủ Mỹ "bực mình" do đi ngược lại hoặc cản trở các chính sách từ Nhà Trắng.

Về lý thuyết, nhiều chuyên gia cho rằng nếu FED trở thành một cơ quan chính phủ thì lãi suất có thể bị chi phối bởi các mục tiêu ngắn hạn của Nhà Trắng và gây bất ổn cho nền kinh tế về dài hạn.

Bởi vậy FED đã trở thành một tổ chức độc lập với chính phủ Mỹ suốt 70 năm và việc tỷ phú Elon Musk hay Tổng thống Donald Trump muốn thay đổi luật pháp là điều không hề dễ dàng.

Tình hình càng nóng hơn khi Elon Musk công khai ủng hộ quan điểm của nghị sĩ Mike Lee khi cho rằng việc FED không phải là cơ quan chính phủ và không thuộc về quyền kiểm soát của Tổng thống Mỹ nhưng lại nắm giữ quyền lực quá lớn trong nền kinh tế là đi ngược lại Hiến pháp. Đây cũng là lý do nhiều chính trị gia Đảng Cộng hòa muốn giải thể FED để đưa nguồn cung tiền USD về tay Tổng thống Mỹ.

Phía FED hiện chưa có bình luận về tuyên bố mới nhất của Tổng thống Donald Trump.

*Nguồn: CNBC

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/tong-thong-donald-trump-chi-noi-mot-cau-thach-thuc-fed-chung-khoan-my-tang-pha-ky-luc-a212145.html