Mùa lễ Tết ăn uống liên miên, làm gì để không bị mẻ răng, viêm nướu?

() - Bác sĩ khuyến cáo, vào ngày lễ Tết sẽ rất khó tiếp cận dịch vụ nha khoa, nên mọi người cần cảnh giác để không bị những sự cố dẫn đến mẻ răng, viêm nướu, chấn thương hàm mặt...

Trao đổi với phóng viên , thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thảo Vân, Phó Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt TPHCM, cho biết từ đầu tháng 1 đến nay, đơn vị có hơn 9.100 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị các vấn đề liên quan đến hàm mặt.

Loại hình điều trị phổ biến là trám răng, nhổ răng khôn lệch/ngầm, phục hình mão răng sứ, phẫu thuật nha chu... Ngoài ra, cũng có một số trường hợp liên quan đến chấn thương vùng hàm mặt do tai nạn.

Các chấn thương vùng hàm mặt thường khiến nạn nhân bị gãy ngang răng, rơi toàn bộ răng, rách da mặt, chấn thương phần mềm… Đặc biệt, các chấn thương này dễ xảy ra với đối tượng trẻ em, khi trẻ đùa giỡn, vui chơi, sinh hoạt.

Mùa lễ Tết ăn uống liên miên, làm gì để không bị mẻ răng, viêm nướu? - 1

Bệnh viện Răng Hàm Mặt TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Một tai nạn khác cũng khá thường gặp trong các dịp nghỉ lễ, Tết là việc trẻ bị chó cắn, gây khuyết hổng, biến dạng vùng hàm mặt, phải nhập viện phẫu thuật, điều trị lâu dài để xử lý vấn đề thẩm mỹ.

Bác sĩ Thảo Vân cho biết thêm, vào những ngày nghỉ lễ, Tết, người dân thường có xu hướng tiệc tùng, ăn uống liên tục, dẫn đến những nguy cơ tổn thương răng miệng, mẻ răng... Tuy nhiên, thời điểm này sẽ rất khó tiếp cận dịch vụ nha khoa để trám thẩm mỹ.

Do đó, bác sĩ Vân đưa ra một số lời khuyên để người dân có thể bảo vệ sức khỏe răng miệng, có kỳ nghỉ lễ vui tươi, an toàn.

Thứ nhất, mọi người không nên nhai đá, cắn hạt cứng hay dùng răng làm công cụ mở nắp chai trong các bữa tiệc, vì những thói quen này có thể gây tổn thương răng.

Đối với những người có điều trị răng sứ hoặc mặt dán sứ, nên tránh cắn hạt dưa hoặc thức ăn cứng, có thể gây mẻ sứ hoặc bật miếng dán sứ, ảnh hưởng đến thẩm mỹ.

Mùa lễ Tết ăn uống liên miên, làm gì để không bị mẻ răng, viêm nướu? - 2

Một trường hợp đến chăm sóc răng miệng tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt TPHCM dịp cận Tết (Ảnh: CTV).

Thứ hai, khi lưu thông trên đường cần tuân thủ quy định, kiểm soát tốc độ, tránh sử dụng rượu bia để hạn chế nguy cơ gặp tai nạn đáng tiếc gây chấn thương vùng hàm mặt. Nếu chẳng may gặp chấn thương vùng hàm mặt, nạn nhân cần được chuyển đến cơ sở có chuyên khoa răng hàm mặt để điều trị.

Thứ ba, tránh ăn quá nhiều đồ ăn chua hoặc ngọt như dưa chua muối, mứt, bánh kẹo vì có thể gây ê buốt với người có răng nhạy cảm.

Người dân có thể sử dụng kem đánh răng chống ê buốt để phòng ngừa ê buốt răng. Song song đó, cần vệ sinh răng sau khi ăn, để phòng ngừa sâu răng và viêm nướu.

Thứ tư, các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa luôn có đội ngũ trực cấp cứu 24/7 suốt mùa lễ Tết, sẵn sàng tiếp nhận sơ cấp cứu các chấn thương nói chung và trong lĩnh vực răng hàm mặt nói riêng.

"Chúng tôi mong người dân có một cái Tết ấm áp, hạnh phúc và bình an bên gia đình. Hãy nhớ, phòng bệnh hơn là chữa bệnh", bác sĩ Vân nói.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/mua-le-tet-an-uong-lien-mien-lam-gi-de-khong-bi-me-rang-viem-nuou-a213414.html