Cơ trưởng gây chấn động hàng không Mỹ nói về vụ trực thăng va chạm máy bay

Phi công anh hùng Chesley “Sully” Sullenberger nhận định “khó khăn” trong vụ va chạm máy bay ở Mỹ gần đây.

Cơ trưởng Sullenberger, nổi tiếng khi hạ cánh máy bay xuống sông Hudson của New York mà không mất một hành khách nào vào năm 2009, thừa nhận "mọi thứ đều khó khăn hơn vào ban đêm" trong cuộc phỏng vấn mới nhất.

Ông Sullenberger nói với truyền thông Mỹ rằng mặc dù ngành hàng không ngày nay "đặc biệt an toàn" nhưng cần duy trì sự cảnh giác sau thảm kịch va chạm máy bay tối 29-1 (giờ địa phương).

"Chúng ta phải học những bài học quan trọng bằng máu - theo đúng nghĩa đen - quá thường xuyên. Chúng ta đã vượt qua được và học hỏi từ các sự cố" – phi công 74 tuổi nói.

Cơ trưởng Chesley "Sully" Sullenberger (trái). Máy bay chở khách của hãng American Airlines va chạm với trực thăng, rơi xuống sông Potomac gần thủ đô Washington. Ảnh: EPA

Cơ trưởng Chesley "Sully" Sullenberger (trái) và hiện trường máy bay chở khách của hãng American Airlines va chạm với trực thăng, rơi xuống sông Potomac gần thủ đô Washington tối 29-1. Ảnh: EPA

Ông Sullenberger cho rằng việc bay đêm phía trên mặt nước có thể là nguyên nhân khiến chiếc máy bay chở khách của hãng American Airlines va chạm với trực thăng và rơi xuống sông Potomac gần thủ đô Washington, khiến 67 người thiệt mạng tối 29-1.

Ông Sullenberger giải thích: "Ban đêm luôn khiến mọi thứ trở nên khác biệt, bao gồm việc quan sát các máy bay khác. Về cơ bản, tất cả những gì chúng ta có thể làm là nhìn thấy đèn của chúng. Chúng ta phải cố gắng tìm hiểu xem chiếc máy bay đó đang ở phía trên hay dưới, cách xa bao nhiêu hay đang bay theo hướng nào. Mọi thứ đều khó khăn hơn vào buổi tối".

Ông Sullenberger nghĩ rằng đèn mặt đất phản chiếu trên mặt nước vào ban đêm có thể "gây thêm khó khăn trong việc quan sát". Đó là suy đoán của cá nhân ông.

Khi được hỏi về Sân bay quốc gia Reagan, ông Sullenberger cho biết thiết kế của sân bay này đòi hỏi phải đào tạo thêm cho các phi công.

Sân bay Reagan được xây dựng vào cuối những năm 1930, có đường băng ngắn hơn các sân bay khác và thường xuyên có lưu lượng máy bay lớn. "Sân bay không thay đổi nhiều kể từ những năm 1930. Tất nhiên, chúng tôi đã bổ sung công nghệ nhưng phần lớn đã lạc hậu" - ông Sullenberger lưu ý.

Cơ trưởng Sullenberger hy vọng hộp đen và dữ liệu kiểm soát không lưu sẽ giúp làm rõ những sai sót đã xảy ra. Ông Sullenberger nói: "Tôi thực sự đau lòng trước tai nạn này. Chúng ta có nghĩa vụ phải học hỏi từ mọi thất bại và cải thiện".

Sau đó, ông nói chung về sự an toàn của du lịch hàng không và so sánh vụ va chạm máy bay tối 29-1 như một hàng domino bị "xếp sai hướng".

Ông thừa nhận: "Thật khó để tuân thủ các thông lệ tốt nhất từng phút, từng giờ, từng ngày, từng tuần, từng tháng, từng năm trong suốt sự nghiệp hàng không kéo dài hàng thập kỷ. Bất kỳ sự cố nào cũng có khả năng gây tử vong, mặc dù chúng ta có rất nhiều biện pháp an toàn".

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/co-truong-gay-chan-dong-hang-khong-my-noi-ve-vu-truc-thang-va-cham-may-bay-a213710.html