Cuộc đối đầu thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc, Mexico, Canada đe dọa dẫn đến cuộc chiến thương mại mới, làm chậm tăng trưởng toàn cầu và khiến lạm phát tăng trở lại
Trung Quốc, Mexico và Canada đều phản ứng mạnh sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế lên các đối tác thương mại hàng đầu này.
Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 2-2 cho biết Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ quyết định của Mỹ về việc áp thuế bổ sung 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước này. Theo Tân Hoa Xã, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và thực hiện các biện pháp đối phó tương ứng để bảo vệ lợi ích của mình. Người phát ngôn này cho rằng việc Mỹ đơn phương áp thuế bổ sung đã vi phạm nghiêm trọng các quy tắc của WTO, cũng như làm gián đoạn sự hợp tác kinh tế và thương mại bình thường giữa hai nước.
Cùng ngày, Thủ tướng Justin Trudeau thông báo Canada sẽ áp thuế 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 106,5 tỉ USD của Mỹ, trong đó thuế đối với một số hàng hóa trị giá khoảng gần 21 tỉ USD sẽ có hiệu lực từ ngày 4-2. Trong khi đó, Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum cho biết đã ra lệnh cho Bộ trưởng Kinh tế thực hiện các biện pháp thuế quan và phi thuế quan bảo vệ lợi ích đất nước.
Trước đó một ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh áp thuế 25% đối với tất cả hàng hóa từ Canada, Mexico và mức thuế bổ sung 10% đối với hàng hóa từ Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 4-2. Theo trang The Guardian, nhà lãnh đạo này cho rằng các khoản thuế nhập khẩu nêu trên sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, lãnh đạo các nhóm công nghiệp và doanh nghiệp đã cảnh báo về tác động của thuế quan từ Mỹ đối với giá cả. Ông Jake Colvin, Chủ tịch Hội đồng Ngoại thương quốc gia Mỹ (NFTC), nhận định động thái của ông Trump đe dọa làm tăng chi phí mọi thứ, đồng thời kêu gọi Mỹ, Canada và Mexico nhanh chóng tìm giải pháp để ngăn căng thẳng leo thang.
Với nước Mỹ, hầu hết nhà kinh tế đều cho rằng đòn thuế quan của ông Trump sẽ làm gia tăng lạm phát, kìm hãm tăng trưởng kinh tế, gây tổn hại cho người lao động và khiến người tiêu dùng phải gánh chịu chi phí từ các mức thuế này. Không dừng lại ở đó, giới phân tích còn lo ngại về nguy cơ xảy ra cuộc chiến thương mại mới, đe dọa làm chậm tăng trưởng toàn cầu và khiến lạm phát tăng trở lại.
"Hầu hết nhà kinh tế đều cho rằng tác động của các mức thuế sẽ rất xấu đối với Mỹ và cả thế giới. Chúng gần như chắc chắn sẽ gây ra lạm phát" - ông Joseph Stiglitz, giáo sư kinh tế tại ĐH Columbia (Mỹ) và là người từng đoạt Giải Nobel Kinh tế, nhận định.
Nỗi lo về các mức thuế, hành động trả đũa "ăn miếng trả miếng" và cuộc chiến thương mại có thể khiến nhiều doanh nghiệp giảm bớt các khoản đầu tư dự kiến. Theo các nhà kinh tế, điều này sẽ gây tổn hại cho các nền kinh tế trên thế giới.
Ông Marcus Noland, chuyên gia tại Viện Peterson về Kinh tế Quốc tế (Mỹ), nhấn mạnh việc áp đặt các mức thuế sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế Mỹ, góp phần làm tăng lạm phát và những tác động này sẽ càng tồi tệ nếu các quốc gia khác trả đũa tương tự. Theo trang The Guardian, ông Noland lưu ý khi ông Trump áp thuế đối với Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên, Bắc Kinh đã trả đũa đối với các mặt hàng xuất khẩu nông sản của Mỹ, gây tổn hại đến nông dân nước này. Giờ đây, kịch bản ấy có thể lại xảy ra sau động thái thuế quan mới nhất của ông Trump.
Trong khi đó, ông Joseph Stiglitz nhận thấy một mặt trái đáng lo ngại khác khi Mỹ và các đối tác thương mại trả đũa qua lại về thuế quan. Cụ thể, khi các ngân hàng trung ương thấy lạm phát tăng do thuế quan, họ sẽ tăng lãi suất. Điều này có thể dẫn đến kịch bản tồi tệ là lãi suất tăng trong bối cảnh lạm phát cao, tỉ lệ thất nghiệp cao và tăng trưởng kinh tế chậm.
Ông Dylan Loh, chuyên gia tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), cho rằng mức thuế 10% áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc thấp hơn đáng kể so với đe dọa trước đó của ông Trump. Khi còn tranh cử, theo tờ South China Morning Post, ông Trump có lúc dọa áp thuế đến 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Vì thế, theo ông Loh, Bắc Kinh "chắc chắn" đã có phương án phản ứng động thái của ông Trump, trong đó có việc áp thuế trả đũa đối với sản phẩm Mỹ. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng Trung Quốc sẽ có tính toán kỹ để tránh dẫn đến các biện pháp trừng phạt thêm từ Mỹ.
Bên cạnh đó, ông Wang Yiwei, Giám đốc Viện Quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, nhận xét quan hệ Trung Quốc - Mỹ đang có dấu hiệu cải thiện và có những lĩnh vực hai bên có thể hợp tác. Dù có những thách thức về cấu trúc dài hạn trong quan hệ song phương, theo ông Yiwei, việc ông Trump trở lại Nhà Trắng đã mở ra cơ hội để Washington đàm phán với Bắc Kinh.