Buồn của nền kinh tế dẫn đầu châu Âu: Mô hình 'làm giàu' cho cả nước nay đã già nua và tụt hậu, 'vỡ mộng' khi phụ thuộc quá nhiều vào 1 quốc gia châu Á

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và sự cạnh tranh ngày càng mạnh từ các công ty ở nền kinh tế số 2 thế giới đã làm suy yếu toàn bộ ngành công nghiệp của Đức. Ngoài ra, chi phí năng lượng tăng vọt và rủi ro từ việc Mỹ áp thuế quan đã khiến dự báo đối với Đức càng trở nên ảm đạm hơn.

Các nhà sản xuất ô tô Đức cùng các nhà cung cấp đã công bố cắt giảm hàng chục nghìn việc làm. Ngành sản xuất của nước này, có quy mô lớn thứ 3 thế giới, đã liên tục đi xuống trong 7 năm. Nền kinh tế Đức cũng suy thoái 2 năm liên tiếp. GDP nước này gần như đi ngang kể từ năm 2019 và hầu hết các nhà kinh tế cho rằng tình hình sẽ lại trì trệ trong năm nay.

Jacob Kirkegaard, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho biết, nếu không có thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh này, mô hình của Đức “đã chết”.

Quốc gia 83 triệu dân này đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới bằng cách sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm kỹ thuật - ô tô, rô bốt, tàu hoả, máy móc dùng trong nhà máy. Còn hiện tại, thế giới “quay lưng” với hàng hoá của Đức và Đức lại không có “phương án B”.

“Thiếu ý tưởng mới”

Trước đây, hậu quả từ cuộc khủng hoảng diễn ra chậm chạp này mới chỉ được nêu ra trong các bài xã luận và thể hiện ở số liệu kinh tế, chưa có tác động hữu hình đến cuộc sống của cử tri Đức.

Năm nay, cuộc khủng hoảng đã chuyển sang cả lĩnh vực chính trị. Hầu hết các cuộc thăm dò cho thấy nền kinh tế đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của các cử tri, vượt lên vấn đề nhập cư, an ninh hay biến đổi khí hậu.

Hầu hết các chính trị gia đang tập trung vào cách điều chỉnh và cải thiện mô hình kinh tế hiện tại phụ thuộc vào xuất khẩu và công nghiệp nặng. Những ý tưởng mới nhằm khuyến khích đầu tư và tiêu dùng, thúc đẩy thương mại trong nội bộ châu Âu hoặc mở cửa cho các lĩnh vực công nghệ hoặc dịch vụ phát triển nhanh chóng hầu như không có.

Friedrich Merz, hiện là ứng cử viên hàng đầu thay thế cho Thủ tướng Olaf Scholz, muốn giảm thuế và giảm quy định đối với các nhà sản xuất.

Sản lượng công nghiệp của Đức đã giảm 15% kể từ năm 2018 và tổng số người làm việc trong lĩnh vực sản xuất giảm 3%. Các nhà sản xuất trong ngành kim loại và điện của Đức có thể sa thải tới 300.000 nhân sự trong năm năm tới, theo Stefan Wolf, chủ tịch của một nhóm vận động hành lang cho ngành này.

“Phi công nghiệp hóa đang diễn ra mạnh mẽ”, Wolf cho biết, đồng thời nói thêm rằng hơn 300 tỷ euro vốn đầu tư đã chảy ra khỏi Đức kể từ năm 2021.

Sự phụ thuộc lớn vào thương mại hàng hoá là kết quả sau nhiều thập kỷ chính sách của chính phủ hỗ trợ sản xuất xuất khẩu, trong khi tạo ra rào cản đối với đầu tư vào các lĩnh vực mới như IT hoặc cơ sở hạ tầng của Đức.

Buồn của nền kinh tế dẫn đầu châu Âu: Mô hình 'làm giàu' cho cả nước nay đã già nua và tụt hậu, 'vỡ mộng' khi phụ thuộc quá nhiều vào 1 quốc gia châu Á- Ảnh 1.

Xuất khẩu đóng góp khoảng 1/4 tổng số việc làm của Đức. Hơn 2/3 số ô tô được sản xuất tại Đức được xuất khẩu. Kể từ giữa những năm 1990, tỷ trọng xuất khẩu trong GDP của Đức đã tăng gấp đôi, đạt 43% GDP, gấp 4 lần tỷ trọng ở Mỹ và cao gấp đôi so với Trung Quốc.

“Thành phố Audi” không còn như xưa

Giờ đây, khi “trái tim” của nền kinh tế Đức là ngành ô tô đang gặp khó khăn, sự “đau đớn” đang lan rộng.

Tại Schweinfurt, một thị trấn ở phía bắc Ingolstadt, công nhân tại nhà cung cấp ô tô Schaeffler đã đình công vào cuối năm ngoái để phản đối kế hoạch cắt giảm tới 700 việc làm. Tháng 11, ZF Friedrichshafen, một nhà cung cấp khác, đã đồng ý sẽ giảm giờ làm việc của nhân viên địa phương xuống 7% để giữ việc làm, trong bối cảnh họ bắt đầu cắt giảm 14.000 việc làm trên toàn quốc. Công đoàn IG Metall cảnh báo về hàng nghìn việc làm có thể bị cắt giảm tại khu vực công nghiệp miền trung nước Đức.

Ở Ingolstadt, nơi đặt trụ sở chính của Audi, Block Hotel cho biết doanh thu của họ đã giảm khoảng 10% từ năm 2019 do nhiều hội nghị bị huỷ bỏ, khách hàng là các doanh nhân cũng không đến nữa. Giá phòng giảm khoảng 15% và thời gian lưu trú cũng bị rút ngắn.

Jürgen Seissler, chủ xưởng mộc có 16 nhân viên, cho biết lượng đặt hàng đang giảm sút và những thợ mộc thiếu kinh nghiệm đang gặp khó khăn hơn khi tìm việc. Nhiều khách hàng của ông là kỹ sư tại Audi hoặc các nhà cung cấp của hãng. Ông cho biết, các doanh nghiệp đang thận trọng hơn trong việc tuyển dụng nhân viên mới và đầu tư.

Buồn của nền kinh tế dẫn đầu châu Âu: Mô hình 'làm giàu' cho cả nước nay đã già nua và tụt hậu, 'vỡ mộng' khi phụ thuộc quá nhiều vào 1 quốc gia châu Á- Ảnh 2.

Xe Audi được trưng bày tại trụ sở công ty ở Ingolstadt vào năm 2021.

Trong những thập kỷ qua, không thành phố nào ở bang Bavaria phát triển nhanh như Ingolstadt, nhờ ngành sản xuất ô tô. Dân số của nơi này tăng khoảng 50% kể từ giữa những năm 1980. Hiện tại, gần 1 nửa số việc làm ở Ingolstadt là trong ngành công nghiệp ô tô. Chưa đến 2% người lao động của Ingolstadt làm trong ngành IT.

Vào đầu những năm 2000, trong bối cảnh kinh tế biến động sau khi Đông Đức và Tây Đức thống nhất và Chiến tranh Lạnh kết thúc, các chính trị gia Đức đã tái khởi động mô hình xuất khẩu bằng cách cắt giảm thuế và nới lỏng chính sách tiền lương giúp các công ty Đức cạnh tranh hơn về chi phí sản xuất. Nước này đã trở thành nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới từ năm 2003 đến năm 2008, vượt qua Mỹ và Trung Quốc.

Kể từ đó, các cuộc khủng hoảng liên tiếp đã làm chậm lại hoạt động xuất khẩu của Đức: Tổng thống Trump thực hiện mục tiêu “nước Mỹ trên hết”; đại dịch làm gián đoạn chuỗi cung ứng; mâu thuẫn Nga - Ukraine…

Tại Trung Quốc, một thị trường xuất khẩu quan trọng của Đức, tăng trưởng đã chậm lại. Các công ty Trung Quốc được nhà nước trợ cấp đã sản xuất nhiều hơn mức thị trường nội địa có thể tiêu thụ, thúc đẩy xuất khẩu, từ đó gây áp lực lên các công ty Đức, bao gồm cả các nhà sản xuất ô tô.

Chi phí năng lượng là một vấn đề khác. Việc Nga ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên, đóng cửa các nhà máy hạt nhân cuối cùng của Đức và quá trình chuyển đổi tốn kém sang năng lượng tái tạo đã khiến chi phí ở Đức tăng vọt lên gấp 10 lần so với Texas, theo Peter Huntsman, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Huntsman Corp., một nhà sản xuất hóa chất có trụ sở tại Texas.

Tụt hậu vì mô hình tăng trưởng “cũ kỹ”

Các giám đốc điều hành cho biết Đức đang thiếu các khoản đầu tư có thể  động lực cho các ngành công nghiệp mới. Theo Allianz, hơn 1/3 các công ty công nghiệp ở Đức đang cắt giảm đầu tư vào các quy trình cốt lõi do chi phí năng lượng cao. 2/3 báo cáo rằng khả năng cạnh tranh của họ đang gặp rủi ro.

Quốc gia này tụt hậu trong các lĩnh vực như phần mềm và AI. Theo Allianz, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển đạt 3,1% GDP vào năm 2022, trong khi Mỹ và Hàn Quốc là 3,6% và 5,2%.

Vào tháng 5, theo ước tính, Đức sẽ cần 600 tỷ euro chi tiêu trong 10 năm tới để bù đắp sự chênh lệch đầu tư, hiện đại hóa hệ thống giáo dục của đất nước, sửa chữa mạng lưới giao thông, nâng cấp lưới điện và số hóa nền hành chính công.

Đức cũng cần hàng chục tỷ euro mỗi năm chỉ để duy trì chi tiêu quốc phòng ở mức 2% GDP trở lên - một trong những nhiệm vụ với tư cách là thành viên NATO.

Trong khi đó, người tiêu dùng Đức thuộc nhóm phải đóng thuế nhiều nhất thế giới. Năm ngoái, một người lao động ở Đức không có con đã phải trả trung bình 47,9% tổng tiền lương cho thuế và đóng góp an sinh xã hội. Người Đức cũng đang tiết kiệm 20% thu nhập tính đến quý II/2024, nhiều hơn mức trung bình của khu vực đồng euro và tăng gần 2% kể từ trước đại dịch.

“Đây là một vấn đề ‘gây đau đầu’ vì mỗi điểm tăng trong tỷ lệ tiết kiệm sẽ lấy đi 25 tỷ euro nhu cầu khỏi nền kinh tế”, Rolf Bürkl, người đứng đầu bộ phận khí hậu tiêu dùng tại Viện Nuremberg về Quyết định thị trường, đơn vị biên soạn chỉ số niềm tin tiêu dùng chính của Đức, cho biết.

Một rào cản khác là các hạn chế theo hiến pháp đối với chi tiêu của chính phủ và nợ công sẽ phải được khắc phục tại quốc hội. Song, chiến dịch tranh cử hiện tại hầu như đã bỏ qua những ý tưởng này. Các biện pháp không được ưa chuộng, chẳng hạn như cắt giảm phúc lợi xã hội, cũng hầu như không được thảo luận.

Thay vào đó, hầu hết các chính trị gia không hề muốn thay đổi.

Yannick Bury, một nhà kinh tế và là nhà lập pháp của đảng CDU, cho hay: “Tôi nghĩ ưu tiên hàng đầu của Đức và châu Âu là cố gắng duy trì các điều kiện thương mại mở rộng càng nhiều càng tốt. Dù mất thị phần ở Trung Quốc nhưng thị trường vẫn đang tăng trưởng.”

"Nếu bạn hỏi về kế hoạch B, theo tôi, chúng ta nên quay lại kế hoạch A", Leif-Erik Holm, một nhà lập pháp và chuyên gia kinh tế của đảng AfD.

"Mô hình này đã rất hiệu quả khi chi phí năng lượng thấp hơn", Holm cho biết. Ông nhận định chính phủ mới nên tập trung vào việc giảm bớt những chi phí này và cắt giảm các quy định về môi trường cho doanh nghiệp.

Tham khảo WSJ

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/buon-cua-nen-kinh-te-dan-dau-chau-au-mo-hinh-lam-giau-cho-ca-nuoc-nay-da-gia-nua-va-tut-hau-vo-mong-khi-phu-thuoc-qua-nhieu-vao-1-quoc-gia-chau-a-a214309.html