Ngày 4-2, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ kế hoạch gây sốc: Mỹ sẽ tiếp quản Dải Gaza, tái định cư người Palestine ở các nước khác bất kể họ có muốn rời đi hay không và biến dải đất này thành "Riviera của Trung Đông".
Ông Trump đã đưa ra đề xuất này trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ở thủ đô Washington D.C. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ không nêu chi tiết về cách thức ông sẽ di dời hơn 2 triệu người Palestine và kiểm soát Dải Gaza.
"Mỹ sẽ tiếp quản Dải Gaza và sẽ làm tốt việc này" - Ông Trump tuyên bố sốc: Mỹ sẽ tiếp quản GazaÔng Trump đề xuất táo bạo, muốn 'dọn sạch' Gaza
Báo New York Times bình luận đây là một trong những ý tưởng táo bạo nhất mà bất kỳ nhà lãnh đạo Mỹ nào từng đưa ra trong nhiều năm qua. Ông Trump đã mở lại "chiếc hộp Pandora" địa chính trị, với những tác động sâu rộng đối với Trung Đông.
Kiểm soát Gaza - dải đất dọc bờ biển dài 45km và rộng 10km - là một trong những điểm nóng chính trong căng thẳng giữa Ả Rập - Israel trong nhiều thập niên.
Ý tưởng di dời người Palestine khỏi Gaza làm nhớ lại thời kỳ các cường quốc phương Tây vẽ lại bản đồ khu vực và di dời các cộng đồng dân cư mà không quan tâm đến quyền tự chủ của họ.
Kế hoạch tiếp quản Dải Gaza cho thấy sự thay đổi đáng kể lập trường của ông Trump. Ông lần đầu tiên ra tranh cử tổng thống vào năm 2016 với cam kết sẽ đưa nước Mỹ ra khỏi khu vực Trung Đông.
Khi công bố kế hoạch mới nhất, ông Trump đã không dẫn lại bất kỳ thẩm quyền pháp lý nào giúp ông có thể tiếp quản vùng đất này. Ngoài ra, việc ép buộc di dời người Palestine như vậy là vi phạm luật quốc tế và đi ngược lại sự đồng thuận nhiều thập kỷ về chính sách đối ngoại của Mỹ trong cả Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ.
Dọn đường cho đàm phán?
Phong trào Hồi giáo Hamas - vốn kiểm soát Gaza trong gần hai thập kỷ qua và đang tái thiết lập quyền kiểm soát tại đây - đã ngay lập tức bác bỏ kế hoạch di dời hàng loạt. Ai Cập và Jordan đã bác ý tưởng tiếp nhận số lượng lớn người Palestine. Tại Mỹ, một số nghị sĩ Đảng Dân chủ nhanh chóng lên án đề xuất của ông Trump.
Tuy nhiên, ông Trump gạt bỏ sự phản đối từ các nước Ả Rập như Ai Cập và Jordan, cho rằng ông có thể thuyết phục được họ. "Họ nói rằng họ sẽ không chấp nhận. Nhưng tôi nói rằng họ sẽ chấp nhận" - ông Trump nói, đồng thời tin tưởng người Palestine cũng sẽ nhanh chóng chấp nhận ý tưởng của ông.
Giới quan sát cho rằng ông Trump có thể đang sử dụng chiến thuật đưa ra lập trường mạnh mẽ, thậm chí cực đoan, để dọn đường cho các cuộc đàm phán trong tương lai. Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump đôi khi đưa ra các tuyên bố chính sách đối ngoại cứng rắn, nhưng phần lớn không được thực hiện.
Đề xuất của ông Trump xuất hiện vào thời điểm nhạy cảm liên quan thỏa thuận ngừng bắn công bố hôm 15-1 giữa Hamas - Israel. Israel vẫn đang cố gắng bắt Hamas trả lại các con tin người Israel và thi thể của những con tin đã chết.
Tổng thống Trump cho biết ông vẫn quyết tâm giải cứu những con tin còn lại ở Gaza.
Vẫn chưa rõ tác động của đề xuất táo bạo của ông Trump đến các cuộc đàm phán giai đoạn thứ hai của thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Hamas kiên quyết họ muốn ở lại Gaza, trong khi Thủ tướng Israel Netanyahu tuyên bố sẽ tiêu diệt nhóm này và không bao giờ cho phép họ kiểm soát Gaza lần nữa.
Giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận đã dẫn đến việc Hamas thả 18 con tin và Israel thả hàng trăm tù nhân Palestine. "Chúng tôi đang ở giai đoạn 2" - Steve Witkoff, đặc phái viên Trung Đông của ông Trump, nói.
Ông Witkoff cho biết ông đã gặp Thủ tướng Netanyahu đầu tuần này để thảo luận về các "thông số" cho các cuộc đàm phán chính sách và sẽ gặp thủ tướng Qatar (một bên trung gian khác trong các cuộc đàm phán này) tại Mỹ vào ngày 6-2.
Phong trào Hồi giáo Hamas mới đây tuyên bố sẵn sàng đàm phán với chính quyền ông Trump. "Chúng tôi sẵn sàng liên lạc và đàm phán với chính quyền ông Trump" - Hãng tin RIA (Nga) dẫn lời thành viên cấp cao Hamas Mousa Abu Marzouk cho biết trong phát biểu đăng đầu ngày 5-2. Không rõ thời điểm RIA phỏng vấn ông Marzouk, người đang thăm Matxcơva.
Trong khi đó, hai quan chức Ả Rập bày tỏ sự bối rối, quan ngại và bi quan ngay sau những phát biểu gây sốc của ông Trump. Một quan chức nói những phát biểu đó "còn thô và khó nắm bắt", đồng thời nói thêm họ "cần sự rõ ràng và thêm diễn biến để có thể hiểu được", theo Đài CNN.
Các tin tức đáng chú ý khác về Trung Đông ngày 5-2:
- Ngày 5-2, Saudi Arabia tuyên bố nước này sẽ không thiết lập quan hệ với Israel nếu không thành lập nhà nước Palestine. Saudi Arabia cũng phản đối mọi nỗ lực nhằm đẩy người Palestine ra khỏi vùng đất của người Palestine.
- Cùng ngày, Thủ tướng Úc Anthony Albanese tuyên bố Chính phủ Úc ủng hộ giải pháp hai nhà nước giữa Israel và Palestine, tức thành lập nhà nước Palestine cùng với Israel, nơi cả hai chung sống trong hòa bình và an ninh.
- Ngày 4-2, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói kế hoạch của Tổng thống Trump về việc Mỹ kiểm soát Dải Gaza có thể "thay đổi lịch sử".
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/vi-sao-ong-trump-de-xuat-tao-bao-my-se-tiep-quan-dai-gaza-a214310.html