UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến người dân về tờ trình dự thảo nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Thành phố dự kiến nâng mức phạt gấp 1,5 - 2 lần so với Nghị định 168 với 107 hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Thời hạn áp dụng từ tháng 7/2025.
Trong 107 lỗi vi phạm được đề xuất tăng mức phạt, UBND Hà Nội cho rằng có 3 nhóm hành vi chính: Có tính chất phổ biến, diễn ra hằng ngày ảnh hưởng tiêu cực đến thói quen của người dân và mỹ quan đô thị; là nguyên nhân dẫn đến tai nạn và ùn tắc; gây ảnh hưởng xấu đến trật tự công cộng, kết cấu hạ tầng giao thông.
Lý giải về việc đề xuất tăng mức phạt, UBND thành phố cho biết Hà Nội là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa xã hội của cả nước với dân số khoảng 8,5 triệu người. Đây là nơi đặt trụ sở của các cơ quan trung ương, ngoại giao, văn phòng đại diện các tổ chức quốc tế và là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước.
Trên địa bàn thành phố phát triển đa dạng các loại hình giao thông vận tải, nhiều chủng loại xe cộ với mật độ cao, từ đó kéo theo sự phức tạp về trật tự an toàn giao thông, khác biệt hẳn so với các tỉnh thành khác trên cả nước.
Tuy nhiên, công tác thi hành pháp luật trong xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ hiện vẫn được áp dụng tương tự các địa phương khác.
"Cần thiết phải có một quy định, chế tài mang tính chất đặc thù riêng biệt của Thủ đô", theo UBND Hà Nội.
Chính quyền thành phố cũng đánh giá ý thức người tham gia giao thông còn nhiều hạn chế, tình trạng vi phạm vẫn tiếp diễn và thường lặp lại với một số hành vi nhất định như: Không chấp hành vạch kẻ đường, biển báo hiệu; không đội mũ bảo hiểm; đi ngược chiều; đi vào đường cấm; không chấp hành đèn tín hiệu.
Nguyên nhân một phần do sự đa dạng về người tham gia giao thông và nơi lưu trú không cố định, cần thiết phải nâng cao giải pháp về xử lý vi phạm, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
Về cơ sở pháp lý, Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 cho phép HĐND thành phố Hà Nội quy định mức tiền phạt cao hơn không quá 2 lần mức phạt do Chính phủ quy định với một số vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ.
Theo UBND Hà Nội, Nghị định 168 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) đã tăng nặng mức phạt đối với một số hành vi. "Tuy nhiên với thực tiễn địa bàn thành phố và tình hình vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, cần thiết tiếp tục quy định tăng nặng đối với một số hành vi để nâng cao ý thức tự giác chấp hành của người dân", theo lý giải của UBND Hà Nội.
Dẫn chứng thêm, cơ quan soạn thảo cho rằng tai nạn giao thông ở Hà Nội luôn ở con số cao, năm 2024 xảy ra 1.501 vụ, làm 700 người chết và 1.221 nạn nhân bị thương.
So với cùng kỳ, số vụ tai nạn tăng 20,27%, số người chết giảm 1,41% và người bị thương tăng tới 48,36%.
Trong đó, tỷ lệ tai nạn liên quan đến xe máy chiếm 61,96% với các lỗi chiếm tỷ lệ cao là: Không chú ý quan sát (21,01%); không đi đúng phần đường (7,47%); chuyển hướng không đảm bảo an toàn (2,67%)…
Tỷ lệ gia tăng xe cộ tại thành phố năm sau luôn cao hơn năm trước khoảng 2-4%. Trong năm 2023 thành phố có khoảng 8,02 triệu xe thì năm 2024 đã là 8,16 triệu xe các loại. Tình trạng ùn tắc xảy ra vào khung giờ cao điểm, đặc biệt trên các tuyến đường xuyên tâm, vành đai. Trong khi đó, việc mở rộng hạ tầng chưa đáp ứng.
Một số tình trạng gây rối, mất trật tự còn diễn biến phức tạp như lạng lách, đua xe, mang theo đao kiếm, dù cơ quan chức năng đã xử lý hàng chục vụ việc với hàng trăm trường hợp liên quan…
"Mục tiêu, quan điểm xây dựng đề xuất trên nhằm kéo giảm giao thông, ùn tắc, từng bước hình thành văn hóa giao thông trên địa bàn thành phố", UBND Hà Nội nhấn mạnh.