Trong phiên giao dịch ngày 5/2, cổ phiếu của các doanh nghiệp trực thuộc Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (VIMC) đã đồng loạt nổi sóng. Nổi bật nhất cổ phiếu SGP ghi nhận mức tăng hơn 11%, theo sau đó là MVN (tăng 9%), PHP (tăng 7,3%), CDN (tăng 4,2%)...
Tuy nhiên đây không phải là phiên đầu tiên từ đầu năm thị giá cổ phiếu các doanh nghiệp thuộc nhà VIMC đồng loạt tăng từ đầu năm. Cổ phiếu MVN, PHP, SGP đã tăng hàng chục phần trăm kể từ đầu năm 2025 cho tới nay, đạt mức đỉnh lịch sử mới.
Cổ phiếu 'họ' VIMC nổi sóng trong phiên 5/2 ngay sau thông tin Liên minh vận tải Gemini của 2 hãng tàu container Maersk (Đan Mạch - được xem là tập đoàn logistics hàng hải lớn nhất thế giới) và Hapag-Lloyd - hãng tàu container lớn nhất ở Đức đã chọn cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) trong cụm Cái Mép - Thị Vải làm cảng chính duy nhất ở phía Nam.
Cảng Quốc tế Cái Mép được quản lý bởi Công ty TNHH Cảng Quốc tế Cái Mép, một liên doanh giữa Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), CTCP Cảng Sài Gòn (công ty con của VIMC) và APM Terminals – nhà khai thác cảng container hàng đầu thế giới của Đan Mạch.
Thông qua liên minh mới, mục đích của Maersk và Hapag-Lloyd là cung cấp một mạng lưới vận tải biển linh hoạt và kết nối với độ tin cậy hàng đầu trong lĩnh vực logistics và vận tải biển quốc tế. Việc liên minh này chọn CMIT trong hệ thống Cái Mép - Thị Vải sẽ tiếp tục giúp cụm cảng nước sâu này khẳng định vai trò quan trọng là cửa ngõ thông thương quốc tế cho cả vùng Đông Nam Bộ, bao gồm TP. HCM.
Ngoài ra, nhóm cảng biển còn được hưởng lợi khi dự án siêu cảng Cần Giờ có tổng mức đầu tư 4,8 tỷ USD được chấp thuận chủ trương đầu tư. Cụ thể, ngày 16/1, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ký quyết định số 148/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, đánh dấu cột mốc quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam.
Quyết định chấp thuận đầu tư căn cứ trên văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư và hồ sơ kèm theo nộp ngày 06/04/2023 và các văn bản giải trình do CTCP Cảng Sài Gòn (mã SGP) và Terminal Investment Limited Holding S.A (TIL) nộp tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
TIL được biết đến là đơn vị thành viên của hãng tàu biển hàng đầu thế giới Mediterranean Shipping Company (MSC). MSC có trụ sở chính tại Geneva, Thụy Sĩ, năng lực chuyên chở của đội tàu đạt trên 23 triệu Teu/năm, chiếm 18% tổng năng lực vận tải đội tàu thế giới. Các tuyến dịch vụ kết nối tới hơn 500 cảng biển toàn cầu.
Dự án được thực hiện tại Cù lao Gò Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM, thời gian triển khai qua 7 giai đoạn trong vòng 20 năm (đến năm 2045). Quy mô bến cảng được thiết kế để tiếp nhận tàu mẹ có trọng tải lên đến 250.000 DWT (tương đương 24.000 TEU) và tàu feeder từ 10.000 đến 65.000 DWT, với tổng chiều dài bến cầu chính 7,2 km.
Tổng diện tích sử dụng đất là 571 ha. Công suất dự kiến trong năm đầu tiên đạt 2,1 triệu tấn, tăng dần lên 16,9 triệu TEU khi hoạt động hết công suất. Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được định vị là cảng trung chuyển quốc tế đặc biệt, có quy mô lớn có tầm cỡ khu vực Châu Á và quốc tế.