Những kịch bản tăng tốc của doanh nghiệp

Các doanh nghiệp đều đã chuẩn bị kịch bản ứng phó trước những chuyển biến liên tục của thị trường xuất khẩu để tăng tốc phát triển.

Tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 4-2 về đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương, tổ chức, cá nhân liên quan phải thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các đề án, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra nhằm hướng đến mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025.

Cơ hội lớn

Và trong không khí phấn khởi đầu xuân, Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA) cho biết ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tất cả DN hội viên đã "ra quân" thực hiện hoạt động tổ chức sản xuất đầu năm với khí thế sôi nổi, quyết tâm hoàn thành tốt các mục tiêu, kế hoạch kinh doanh đã đề ra và kỳ vọng tăng trưởng hơn nữa trong năm mới.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội DN điện tử Việt Nam (VEIA), đánh giá chưa bao giờ ngành điện tử có cơ hội lớn như bây giờ, khi dòng vốn dịch chuyển đầu tư công nghệ cao vào Việt Nam. Cùng với đó, thị trường năm nay khởi sắc, có DN đủ đơn hàng trong năm 2025.

Các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu ngay từ đầu năm Ảnh: LÊ THÚY

Các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu ngay từ đầu năm Ảnh: LÊ THÚY

Theo bà Hương, với chính sách thương mại mới của Tổng thống Donald Trump, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ sắp xếp lại. Dự báo, Mỹ sẽ đánh thuế vào nhiều mặt hàng nhập khẩu, nhất là những mặt hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc như điện tử, đồ chơi điện tử, nội thất… Việt Nam là quốc gia trong khu vực Đông Nam Á có vị trí địa lý chính trị thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào để đón làn sóng dịch chuyển của dòng vốn đầu tư. Do vậy, các DN điện tử, công nghiệp hỗ trợ… cần nỗ lực, chủ động để nắm bắt cơ hội.

Với ngành dệt may, ngay sau kỳ nghỉ Tết, các DN tại TP HCM đã tổ chức sản xuất đủ 8 giờ/ngày, thậm chí là tăng ca để kịp giao hàng theo tiến độ đã cam kết với đối tác. Trước đó, ngành dệt may đã có 1 kỳ nghỉ Tết hết sức phấn khởi bởi đơn hàng đã trở lại khá dồi dào từ nửa cuối năm 2024. Nhiều DN đã đàm phán xong hợp đồng đến hết quý II/2025. 

Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn 3, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM - cho biết bản thân May Sài Gòn 3 đã có đơn hàng đến hết tháng 6-2025. DN cũng chuẩn bị cho năm 2025 với tinh thần khẩn trương khi các thị trường chủ lực như Mỹ, châu Âu, Nhật, Hàn Quốc… đang dần hồi phục, vận chuyển quốc tế hết căng thẳng, xu hướng dịch chuyển đơn hàng may mặc sang Việt Nam.

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean), cho hay năm nay toàn ngành dệt may đặt mục tiêu tăng trưởng 13% về đơn hàng xuất khẩu, trong đó DN đặt mục tiêu tăng trưởng 16% thông qua đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ 4.0 trong sản xuất.

Theo ông Việt, việc Mỹ áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc có thể tác động tới chuỗi cung ứng dệt may ở cả chiều tích cực và tiêu cực. Trong đó, tích cực là hàng Trung Quốc sẽ giảm cạnh tranh ở thị trường Mỹ và dệt may Việt Nam có thể giành thị phần nhiều hơn. Song mặt tiêu cực là nguồn nguyên liệu của dệt may Việt Nam nhập từ Trung Quốc có thể chịu tác động không tốt, nhất là vấn đề truy xuất nguồn gốc. 

Tuy nhiên, ngay trước kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ, DN đã cập nhật thông tin, đánh giá tình hình. Do vậy, DN hoàn toàn chủ động để ứng phó, tận dụng cơ hội, đa dạng nguồn nguyên liệu thông qua việc nâng tỉ lệ nội địa trong nước, nhập khẩu nguyên liệu từ các thị trường khác như Pakistan, xây dựng lại chuỗi cung ứng.

Năm 2025, ngành dệt may đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2024, đạt kim ngạch 47-48 tỉ USD. Tuy nhiên, các DN tự tin đặt mục tiêu tăng trưởng tối đa có thể lên đến 15%.

Rau quả, nông sản tự tin bứt phá

Ở lĩnh vực nông nghiệp, bà Lê Thị Hoài Thương, Giám đốc Công ty CP Hồ tiêu Việt (TP HCM), cho biết ngay ngày làm việc đầu tiên sau Tết, công ty đã xuất khẩu một container 40 feet gia vị tổng hợp sang Mỹ, bám sát mục tiêu "vươn mình bứt phá" cho năm 2025.

Là một DN thuộc nhóm vừa và nhỏ nhưng ngay từ đầu năm đã thông báo tuyển dụng 3 nhân viên kinh doanh quốc tế để mở rộng mảng xuất khẩu. DN này đề ra mục tiêu tăng trưởng từ 25%-30% sau khi đã đạt mức tăng 20% của năm 2024; đồng thời mở rộng các thị trường mới như: Đông Nam Á, Úc bên cạnh thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản.

Bà Thương cho rằng với những rủi ro mới như nguy cơ thương chiến, cước vận tải tăng, DN buộc phải thích ứng vì đây là khó khăn chung. Dù vậy, DN nông sản, thực phẩm Việt Nam vẫn có lợi thế về vùng nguyên liệu, chi phí nhân công nên nếu duy trì tốt mối quan hệ với khách hàng vẫn có thể tăng trưởng.

Trong khi đó, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex, cho biết năm 2025, toàn tập đoàn đặt mục tiêu xuất khẩu 1,9 tỉ USD từ mức 1,4 tỉ USD năm 2024, chủ yếu do các mặt hàng cà phê, hạt tiêu tăng giá. "Do sản lượng xuất khẩu lớn nên DN không nghỉ Tết ngày nào mà phải chuẩn bị hàng hóa sẵn ở cảng để kịp xuống tàu. Nếu nghỉ Tết, chúng tôi không thể bù kịp" - ông Nam nói.

Đối với ngành rau quả, ông Nguyễn Văn Mười, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), thông tin các DN hội viên cho biết sau Tết đơn hàng đã nhiều trở lại với các mặt hàng như: dừa tươi, chanh leo và tin vui là sầu riêng cũng đã xuất khẩu sang Trung Quốc trở lại, dù số lượng chưa nhiều.

Đối với vấn đề chiến tranh thương mại, ông Mười cho rằng hiện tại ngành rau quả chưa bị ảnh hưởng vì đây là ngành Việt Nam nhập siêu từ Mỹ. Tuy nhiên, xuất khẩu rau quả năm nay bên cạnh thuận lợi cũng xuất hiện những khó khăn mới đó là xu hướng các nước nhập khẩu nâng cao tiêu chuẩn, tăng tần suất kiểm tra.

Đã sẵn sàng các kịch bản

Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết năm 2025, ngành Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu hàng hóa phấn đấu tăng khoảng 12% so với năm 2024. Tuy nhiên, năm 2025, bối cảnh thế giới dự báo tiếp tục chuyển biến nhanh, khó lường. 

Xu hướng phi toàn cầu hóa đang trỗi dậy mạnh mẽ; chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng; các thị trường xuất khẩu tăng cường áp dụng nhiều tiêu chuẩn, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu. Xu hướng dịch chuyển nguồn cung về gần thị trường tiêu thụ để giảm thiểu các rủi ro gián đoạn nguồn hàng ngày càng rõ nét…

Việc Mỹ đe dọa áp thuế mới lên hàng nhập khẩu từ Canada, Mexico và Trung Quốc gây lo ngại về căng thẳng thương mại toàn cầu. Ba nước trên đang xuất khẩu sang Mỹ rất nhiều mặt hàng từ thiết bị điện, đồ dùng đến hàng dệt may, da giày, nông sản… Do vậy, chuỗi cung ứng liên quan sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng và Việt Nam cũng sẽ bị tác động.

Tuy vậy, Bộ Công Thương đã chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản chủ động để thúc đẩy, giữ vững thị trường xuất khẩu. Trong đó, xây dựng các kịch bản ứng phó với tác động từ chính sách thuế mới của Tổng thống Mỹ. 

"Tác động thuế quan gắt gao, chặt hơn có thể tác động đến kinh tế toàn cầu, từ đó khiến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có thể ảnh hưởng ít nhiều. Chưa kể, hàng hóa Trung Quốc nếu gặp khó khăn do bị Mỹ áp thuế cũng tạo sức ép với thị trường Việt Nam" - ông Hải nói.

Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương tiếp tục tập trung khai thác hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và ký kết, triển khai các hiệp định mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng; tăng cường khai thác các thị trường lân cận, còn tiềm năng, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại.

Bộ Công Thương khuyến nghị các DN xuất khẩu thường xuyên cập nhật thông tin về thị trường, chủ động ứng phó và minh bạch nguồn gốc xuất xứ; tận dụng tốt các hiệp định FTA, khai thác thị trường tiềm năng, thị trường ngách để nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức trong bối cảnh thương mại toàn cầu dự báo còn nhiều diễn biến khó lường. 

(Còn tiếp)

Nhiều ngành hàng dự báo lạc quan

Ngành da giày dự báo nhu cầu thị trường xuất khẩu sẽ phục hồi trong năm nay với mức tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2024, kim ngạch đạt khoảng 29 tỉ USD. Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam cho hay năm nay, ngành da giày vẫn tập trung xuất khẩu sang những thị trường sẵn có và dễ tính như châu Phi, châu Á để có được tệp khách hàng phù hợp và tăng doanh thu..; mở rộng thị phần thông qua xuất khẩu online trên các kênh thương mại điện tử quốc tế; từng bước ứng dụng tiêu chuẩn cao hơn như sản xuất xanh, sản phẩm xanh để chinh phục những thị trường khó tính.

Với ngành cao su - nhựa, ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su Nhựa TP HCM, dự đoán năm 2025, thị trường tiếp tục tăng trưởng tốt hơn, dựa trên nền tảng tăng trưởng tốt trong 6 tháng cuối năm 2024 khi đơn hàng ngành lốp xe tăng hơn 10%, đơn hàng cao su kỹ thuật tăng 20%-30%, cùng sự dịch chuyển đơn hàng từ các quốc gia khác sang Việt Nam để tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại mang lại.


Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/nhung-kich-ban-tang-toc-cua-doanh-nghiep-a214465.html