72 giờ sóng gió: Mexico-Canada xuống nước, Trung Quốc cứng rắn - Ông Trump nói điều bất ngờ về đòn thuế

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng gọi tên đối tác tiếp theo sẽ bị áp mức thuế mới, sau Trung Quốc, Mexico và Canada.

Chiều thứ Hai 3/2, Tổng thống Donald Trump ngồi họp tại Phòng Bầu dục, tận hưởng khoảnh khắc bình yên sau nhiều ngày hỗn loạn khiến Canada và Mexico đứng bên bờ vực chiến tranh thương mại, theo Financial Times (FT).

Trong 72 giờ chóng mặt trước đó, ông Trump đã công bố mức thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ các đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, gây ra sự hỗn loạn trên thị trường, sự phản đối từ các nhóm doanh nghiệp xen lẫn những nghi ngờ từ các đồng minh về độ tin cậy của Mỹ.

Cùng với đó là mức thuế 10% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Vài giờ trước khi sắc lệnh có hiệu lực, Ottawa và Mexico City được hoãn thực thi trong một tháng; còn Bắc Kinh thì không. 

Trung Quốc ngày 4/2 thông báo đáp trả bằng cách áp đặt thuế quan bổ sung từ 10 đến 15% đối với các mặt hàng Mỹ, đồng thời tiến hành điều tra chống độc quyền đối với Google.

"Thuế quan có sức ảnh hưởng rất lớn, không chỉ về mặt kinh tế mà còn giúp bạn có được mọi thứ mình muốn", ông Trump phát biểu. "Khi bạn là một hũ vàng, thuế quan là thứ rất tuyệt".

Mỹ tái hiện thương chiến

Sự hỗn loạn do những sắc lệnh của Tổng thống Trump gợi lại những ký ức về cuộc chiến thương mại trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông.

Do muốn đạt được thỏa thuận hơn là đẩy thị trường và nền kinh tế toàn cầu vào tình trạng hỗn loạn, Tổng thống Trump sẵn sàng sử dụng biện pháp cưỡng chế kinh tế để đạt được mục tiêu của mình hơn so với nhiệm kỳ đầu tiên.

Điều này có khả năng đẩy các cuộc đàm phán có rủi ro cao, không chỉ với Canada và Mexico mà còn với Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và các nước khác, đi chệch hướng.

"Tổng thống Trump muốn cân bằng lại thương mại, tăng cường sản xuất trong nước và tăng doanh thu. Ông ấy nghĩ rằng cách duy nhất để làm điều đó là áp dụng thuế quan", Michael Smart, cựu quan chức thương mại Mỹ cho biết.

Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro nổi lên như một nhân vật theo chủ nghĩa diều hâu trong thương mại của Nhà Trắng và là người ủng hộ mạnh mẽ nhất việc áp dụng mức thuế quan lớn đối với các đối tác thương mại của Mỹ.

"Navarro đã có được những gì ông ấy muốn và ông ấy đang có lập trường cứng rắn hơn so với thời Trump 1.0", FT dẫn nguồn tin thân cận cho biết. "Ông ấy hiện là một nhân vật quan trọng và [Tổng thống] Trump gọi ông ấy là 'Peter của tôi'". 

72 giờ sóng gió: Mexico-Canada xuống nước, Trung Quốc cứng rắn - Ông Trump nói điều bất ngờ về đòn thuế- Ảnh 1.

Mỹ hoàn áp thuế đối với Mexico và Canada. Ảnh: FT

Một nguồn tin khác cho biết, Tổng thống Trump thường đưa Navarro ra trước công chúng để "biểu dương sức mạnh" nhờ quan điểm cứng rắn của ông về thuế quan và thương mại.

Đằng sau hậu trường, Navarro đã làm việc chặt chẽ với Bộ trưởng thương mại Howard Lutnick và Đại diện thương mại Jamieson Greer, để xây dựng chính sách thương mại của tổng thống.

Lutnick là người đóng vai trò chính trong các cuộc đàm phán bí mật với các nhà ngoại giao và quan chức Canada và Mexico trong những tuần gần đây: Ông gặp Ngoại trưởng Canada Mélanie Joly tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago vào tháng 12/2024 và gặp Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại Ba Lan trong những tuần gần đây.

Phát biểu tại một sự kiện hôm 4/2, Peter Navarro khen ngợi Lutnick và Bessent, gọi họ là "luồng gió mới" trong nhóm kinh tế của Tổng thống Trump.

Ông cũng nhấn mạnh rằng hành động gần đây của tổng thống không "hỗn loạn" như vẻ bề ngoài. 

Navarro cho biết: "Chúng ta đã thấy rất nhiều sự hoài nghi khi thông báo được đưa ra, nhưng chúng ta cũng thấy những kết quả trực tiếp ở Mexico và Canada".

Ông Trump nói đòn thuế quan "không phải thương chiến"

Cuối tuần trước, khi Washington có ý định áp dụng thuế toàn diện mà không có miễn trừ (ngoài mức thuế 10% đối với dầu mỏ của Canada), phản ứng dữ dội đã bắt đầu.

Một số tập đoàn kinh doanh lớn của nước Mỹ đã lên tiếng cảnh báo rằng cuộc chiến thương mại Bắc Mỹ sẽ đẩy giá hàng tiêu dùng từ hàng tạp hóa đến xăng dầu và ô tô lên cao.

Gần như ngay lập tức, Canada đe dọa sẽ áp thuế trả đũa đối với loạt hàng hóa trị giá 107 tỷ USD của Mỹ, bao gồm rượu, quần áo và gỗ xẻ.

Động thái này khiến Tổng thống Trump phải tăng gấp đôi kế hoạch dự kiến.

Khi đang chơi chơi golf ở Florida, ông đã đăng các tin nhắn trên mạng xã hội lập luận rằng Mỹ đang trả "hàng trăm tỷ USD để trợ cấp cho Canada". Đồng thời, ông nói thêm: "Chúng tôi không cần bất cứ thứ gì họ có".

Hôm 2-3/2, các nhà ngoại giao và Bộ trưởng tài chính Canada và Mexico đã phải vội vã gọi điện cho chính quyền Mỹ.

Trong khi đó, thị trường bắt đầu có dấu hiệu căng thẳng. Hợp đồng tương lai cổ phiếu Mỹ giảm mạnh trước phiên mở cửa đầu tuần tại New York. 

Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Kevin Hassett đã xuất hiện trên CNBC vào sáng cùng ngày, giải thích rằng mức thuế quan của Tổng thống Trump là một nỗ lực nhằm kiểm soát tình trạng nhập cư và buôn bán ma túy, chứ không phải một cuộc chiến thương mại toàn diện.

72 giờ sóng gió: Mexico-Canada xuống nước, Trung Quốc cứng rắn - Ông Trump nói điều bất ngờ về đòn thuế- Ảnh 2.

Trung Quốc nhanh chóng đáp trả lại sắc lệnh thuế quan của Mỹ. Ảnh: Reuters

"Tổng thống Trump khẳng định 100% rằng đây không phải là một cuộc chiến thương mại", Hassett cho biết. "Đây là cuộc chiến chống ma túy." 

Giai đoạn đàm phán trong cuộc đối đầu thương mại lớn đầu tiên của ông Trump đang diễn ra.

Sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mexico Tổng thống Claudia Sheinbaum và Tổng thống Trump vào sáng 3/2, một thỏa thuận đã được đưa ra, khá giống với thỏa thuận đạt được dưới thời chính quyền Trump đầu tiên vào năm 2019: Mexico sẽ kiểm soát biên giới để ngăn chặn tình trạng di cư và buôn bán ma túy, còn Mỹ hoãn thực thi lệnh áp thuế thêm một tháng.

Mỹ cũng hoãn thi hành thuế với Canada khi Thủ tướng Trudeau cam kết kiểm soát dọc biên giới với Mỹ, nhằm chặn việc buôn lậu fentanyl.

Tương lai ra sao?

Theo giới phân tích, các thỏa thuận tạm thời với Canada và Mexico có thời hạn rất ngắn và Tổng thống Trump có thể yêu cầu những nhượng bộ mới.

Trong khi đó, căng thẳng với Bắc Kinh đã gia tăng kể từ khi mức thuế 10% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có hiệu lực vào 1/2, gây ra các biện pháp trả đũa ngay lập tức đối với hàng xuất khẩu của Mỹ sang quốc gia châu Á này.

Ông Trump cũng đe dọa sẽ áp thuế đối với EU, làm dấy lên lo ngại về một vòng đàm phán căng thẳng, khốc liệt khác trong hơn hai tuần nữa, điều sẽ định hình mối quan hệ kinh tế xuyên Đại Tây Dương trong nhiệm kỳ thứ hai của ông.

"Người châu Âu [đã] lợi dụng Mỹ trong nhiều năm và họ không thể làm điều đó", ông Trump hôm 3/2. 

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/72-gio-song-gio-mexico-canada-xuong-nuoc-trung-quoc-cung-ran-ong-trump-noi-dieu-bat-ngo-ve-don-thue-a214581.html