Theo Báo Gia Lai, Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung vừa ký Quyết định số 66/QĐ-UBND ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với 4 nội dung.
Trong đó, tập trung triển khai gồm: dự án đầu tư công; dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công; danh mục các dự án ưu tiên đầu tư đến năm 2030 và phân kỳ thực hiện; nguồn lực và việc sử dụng nguồn lực để thực hiện quy hoạch.
Đối với dự án đầu tư công, tỉnh tập trung đầu tư các công trình, dự án trọng điểm có tính lan toả cao, dẫn dắt và khuyến khích các nguồn lực xã hội khác; ưu tiên các dự án có tính kết nối và lan tỏa đối với phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Gia Lai theo các hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 19, quốc lộ 25; ưu tiên các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các huyện vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Về các dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công, đối với nguồn ODA, các nguồn vốn tài trợ nước ngoài, tỉnh ưu tiên thực hiện các dự án xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế-xã hội lớn, quan trọng, thiết yếu; phát triển nông nghiệp và nông thôn; phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…
Đối với nguồn đầu tư từ FDI, khu vực tư nhân trong và ngoài nước, tỉnh khuyến khích, thu hút các đối tác có thương hiệu toàn cầu, có năng lực tài chính lớn, có khả năng đầu tư ổn định, lâu dài, có tính liên kết và thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm phụ trợ.
Về danh mục các dự án ưu tiên đầu tư đến năm 2030 và phân kỳ thực hiện, tỉnh định hướng danh mục các dự án ưu tiên theo phương án phát triển các ngành, lĩnh vực; quy mô, vị trí, phạm vi ranh giới, diện tích đất sử dụng, cơ cấu tổng mức đầu tư, nguồn vốn thực hiện và các thông tin chi tiết của các công trình, dự án đầu tư công và ngoài ngân sách sẽ được tính toán, xác định cụ thể trong quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch khu chức năng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện...
Về nguồn lực và việc sử dụng nguồn lực để thực hiện quy hoạch thời kỳ 2021-2030, Gia Lai dự kiến cần huy động tổng số vốn đầu tư phát triển khoảng 550 ngàn tỷ đồng, tương đương 22 tỷ USD.
Theo đó, tổng vốn huy động trong giai đoạn 2026-2030 dự kiến đạt khoảng 384.000 tỷ đồng, nguồn vốn Ngân sách nhà nước 94 ngàn tỷ đồng. nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước gần 280.000 tỷ đồng và vốn thu hút FDI là 10.000 tỷ đồng.
Gia Lai định hướng kinh tế phát triển bền vững
Gia Lai là một tỉnh miền núi ở Bắc Tây Nguyên, rộng hơn 15.510 km2 với độ cao 700-800m so với mực nước biển. Đây là tỉnh rộng nhất Tây Nguyên, rộng thứ 2 Việt Nam.
Phía Bắc Gia Lai giáp tỉnh Kon Tum; phía Nam giáp tỉnh Đắk Lắk; phía Tây giáp Campuchia với 90 km đường biên giới; phía Đông giáp các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên.
Tỉnh có 17 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm TP Pleiku, thị xã An Khê, Ayun Pa và 14 huyện.
Theo Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Gia Lai sẽ phát triển theo hướng trở thành hình mẫu của một nền kinh tế phát triển bền vững, lấy sinh thái làm nền tảng cho tăng trưởng, lấy ứng dụng số, chuyển đổi số để rút ngắn khoảng cách và gia tăng chất lượng tăng trưởng.
Cụ thể, đến năm 2030, tỉnh Gia Lai phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững; nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh; là trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.
Đến năm 2050, tỉnh Gia Lai là "Cao nguyên Sinh thái, Thể thao và Sức khỏe", điểm đến sinh thái, khác biệt và độc đáo, là vùng đất xanh, giàu bản sắc văn hóa. Phát triển kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ số phát triển kinh tế sinh thái, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh là chủ đạo dựa trên ba trụ cột phát triển là nông nghiệp tiên tiến, sạch và ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ và du lịch sinh thái; công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường gắn với nông nghiệp.