Nhiều ca mắc cúm nặng
Ngày 7/2, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong những ngày thời tiết liên tục trở lạnh, mưa, gió mùa, bệnh cúm có chiều hướng gia tăng.
Hiện Trung tâm điều trị cho nhiều bệnh nhân cúm có dấu hiệu trở nặng, trong đó đa phần là người cao tuổi, người có hệ miễn dịch yếu và một số trường hợp là phụ nữ mang thai.
PGS Cường cho biết, cúm mùa thường xảy ra vào thời tiết lạnh, đặc biệt giai đoạn chuyển mùa đông xuân. Từ đầu năm 2024 đến nay, Trung tâm điều trị cho hàng ngàn ca bệnh cúm mùa, trong đó có nhiều trường hợp nặng và phải thở máy.
Như trường hợp bệnh nhân nam T.V.L. (78 tuổi, ở Từ Liêm, Hà Nội) được chuyển từ bệnh viện gần nhà đến Trung tâm Bệnh Nhiệt đới.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao, khó thở mỗi lúc một tăng. Bệnh nhân có tiền sử huyết áp cao, bệnh Alzheimer, test dương tính cúm A. Trước tình trạng bệnh nhân bị suy hô hấp, các y bác sĩ đã phải mở nội khí quản, cho bệnh nhân thở máy và điều trị tích cực.
Bệnh nhân cúm thở máy đang điều trị tại Trung tâm Nhiệt đới (Ảnh: Thùy Dương).
Theo PGS Cường, bệnh cúm mùa thường gây ra bởi virus cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B, lây trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp.
Thế giới đã ghi nhận nhiều đại dịch cúm với hàng trăm triệu người mắc và có thể tử vong cướp đi sinh mạng của hàng triệu người. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cúm mùa gây ra 290.000-650.000 ca tử vong hàng năm.
Ngoài ra, cúm gia cầm A/H5N1 được ghi nhận với tỷ lệ tử vong rất cao, tuy nhiên cúm gia cầm ít lây truyền từ người sang người.
Theo PGS Cường, các ca nhập viện vì cúm với biến chứng nặng thường là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền như tim mạch, hô hấp, nội tiết, người đang dùng các thuốc ức chế miễn dịch...
Bệnh nhân cúm nặng biến chứng viêm phổi phải nhập viện điều trị (Ảnh: Thùy Dương).
"Ở những người này, virus cúm tấn công mạnh vào hệ hô hấp và gây ra những biến chứng như viêm phổi, bội nhiễm các vi khuẩn, viêm cơ tim, suy hô hấp nặng, suy đa tạng có thể phải thở máy, lọc máu, nguy cơ tử vong cao", PGS Cường cho biết.
Dấu hiệu cảnh báo mắc cúm
Bác sĩ chuyên khoa 2 Dương Quốc Bảo, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cho biết, thời tiết lạnh ẩm làm suy giảm miễn dịch cơ thể, đồng thời giúp virus tồn tại lâu hơn trong môi trường, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cao. Thời tiết Hà Nội hiện tại là điều kiện thuận lợi cho virus cúm mùa bùng phát.
Một số dấu hiệu cảnh báo cúm mùa (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).
Bác sĩ Bảo cho biết, khác với cảm lạnh thông thường, cúm mùa khởi phát đột ngột với các dấu hiệu:
- Sốt cao (38-40⁰C), ớn lạnh.
- Đau đầu, đau cơ toàn thân.
- Ho khan, đau họng, sổ mũi.
- Mệt mỏi kéo dài, có thể kèm buồn nôn (ở trẻ em), có thể kèm theo đau bụng, nôn, tiêu chảy.
Về vấn đề này, PGS Cường cho biết, cần phân biệt rõ triệu chứng cảm lạnh và bệnh cúm.
Theo đó, cảm lạnh là cơ thể bị nhiễm gió lạnh, mưa lạnh thường gây mệt mỏi qua loa vài ngày tự khỏi. Còn cúm thì là bệnh do tác nhân là virus cúm gây ra các triệu chứng đường hô hấp như ho, sốt, ngạt mũi, hắt hơi, khó thở... và có thể gây biến chứng nguy hiểm cần phải điều trị.
Phòng cúm như thế nào?
Bệnh cúm đa phần diễn biến nhẹ, nhưng có thể tiến triển thành viêm phổi, suy hô hấp, và có thể tử vong ở người có bệnh nền, miễn dịch suy yếu, kể cả ở người trẻ, khỏe mạnh.
Để phòng cúm, bác sĩ khuyến cáo người dân tiêm vaccine cúm hàng năm, đặc biệt ở nhóm nguy cơ cao. Bên cạnh đó, cần rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang nơi đông người. Tăng cường miễn dịch bằng ăn uống đủ chất, giữ ấm cơ thể, ngủ đủ giấc.
Theo PGS Cường, vaccine cúm mùa sẽ giúp hệ miễn dịch của chúng ta chống đỡ được virus khi có dịch cúm và nếu mắc bệnh thì sẽ giảm nguy cơ tiến triển nặng. Cần lưu ý, việc tiêm phòng vaccine cúm cần nhắc lại hàng năm chứ không phải tiêm 1 lần mà miễn dịch lâu dài.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/dau-hieu-canh-bao-mac-cum-a214866.html