![Tổng thống Mỹ Trump đảo lộn chiêu thức trong thương chiến lần 2- Ảnh 1. Tổng thống Mỹ Trump đảo lộn chiêu thức trong thương chiến lần 2- Ảnh 1.](https://cafefcdn.com/203337114487263232/2025/2/7/ap25037554627702-3510-4487-1738929283303-17389292840551157790067.jpg)
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong sự kiện ở Washington, ngày 6/2.
Trong nhiều khía cạnh, từ tốc độ áp thuế và đến loại mặt hàng lọt vào tầm ngắm, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thực hiện cách tiếp cận mới và không thể đoán trước.
Sau khi công bố mức thuế lịch sử đối với 3 đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ, ông Trump gây sốc cho thị trường một lần nữa với màn “quay xe” đột ngột với 2 trong số đó. Còn Trung Quốc đã đáp trả sau khi bị áp thuế 10%, bằng cách mở cuộc điều tra với Google và Nvidia.
Mức thuế 25% đối với Canada và Mexico đã được tạm dừng trong 1 tháng, khi các cuộc đàm phán đang diễn ra.
Tại sự kiện do tạp chí Politico tổ chức gần đây, ông Peter Navarro - cố vấn cấp cao của Tổng thống Trump về thương mại và sản xuất, cho biết nhà lãnh đạo Mỹ sẽ sớm có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và thuế quan sẽ được thảo luận. Ông Trump sau đó lại nói rằng không vội nói chuyện với nhà lãnh đạo Trung Quốc. Những thay đổi khó lường này khiến Phố Wall và các doanh nghiệp khác của Mỹ rối bời.
"Về cơ bản là khác biệt", cựu cố vấn chung của đại diện thương mại Mỹ Greta Peisch nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn.
Bà Peisch cho rằng ông Trump đang "phá vỡ những nguyên tắc về thẩm quyền thương mại, khiến các giao dịch trở nên tốn kém".
Ông Trump viện dẫn luật có từ năm 1977 cho phép tổng thống tuyên bố tình trạng khẩn cấp và hành động ngay lập tức sau khi nhậm chức. Cách "áp thuế toàn diện phủ đầu” không được ông sử dụng trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên (từ năm 2017-2020).
Lần trước, ông áp dụng cách làm từ từ. Ông trao đổi với Trung Quốc và ký các sắc lệnh liên quan đến thuế trong những tháng đầu năm 2017, nhưng sau đó hoãn lại cả năm. Phải đến ngày 22/1/2018 ông mới áp thuế đối với tấm pin mặt trời và máy giặt. Đến tháng 3/2018, ông chuyển sang áp thuế với thép và nhôm.
Bây giờ, khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai, thứ tự đã bị đảo ngược. Ông Trump gần như ngay lập tức áp mức thuế mới với Trung Quốc dù vẫn hứa sẽ đàm phán với Trung Quốc ngay trong tuần. Trong bài phát biểu trước các phóng viên ngày 3/2, Tổng thống Mỹ Trump gọi mức thuế 10% với Trung Quốc là "phát súng đầu tiên" trong đàm phán.
Vẫn phải chờ xem những mức thuế đầu tiên được duy trì trong bao lâu, nhưng hàng loạt mặt hàng bị ảnh hưởng đã nhanh chóng làm “đau” túi tiền của người tiêu dùng, từ giá thực phẩm đến quần áo.
"Không ai muốn hoặc nghĩ rằng ông ấy sẽ áp thuế trên diện rộng ngay từ ngày đầu tiên. Nếu định làm lớn, bạn không có nhiều cơ hội để có thể né tránh hàng tiêu dùng", Marc Busch, cố vấn Chính phủ Mỹ về các vấn đề thương mại thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, cho biết.
Nhiều người hiện nay cảm thấy đe dọa thuế quan có thể sẽ là một trong những đặc điểm nổi bật nhất của chính quyền Trump 2.0. Ông Trump “chĩa súng” vào đồng minh thân cận Canada ngay từ đầu, và dù đã hoãn trong 30 ngày vẫn gây tác động trên toàn thế giới.
"Có một tín hiệu khá khiêu khích đang được gửi đi. Không ai an toàn và (ông Trump) muốn mọi người đều giao dịch", ông Busch nhận xét về thông điệp của ông Trump qua hành động “đánh” Canada.
![Tổng thống Mỹ Trump đảo lộn chiêu thức trong thương chiến lần 2- Ảnh 2. Tổng thống Mỹ Trump đảo lộn chiêu thức trong thương chiến lần 2- Ảnh 2.](https://cafefcdn.com/203337114487263232/2025/2/7/ap25028581959886-3487-1453-1738929283303-17389292840421533232430.jpg)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón ông Trump thăm Bắc Kinh năm 2017. (Ảnh: AP)
Thế giới đã khác
Một điểm khác biệt cơ bản giữa chiến tranh thương mại 2.1 và 1.0 của ông Trump là thế giới đã có thời gian chuẩn bị.
"Mọi quốc gia đều đã chuẩn bị việc Mỹ đánh thuế và cách trả đũa, để gây thiệt hại tối đa cho Mỹ và ít nhất cho nền kinh tế của họ", chủ tịch diễn đàn American Action Forum Douglas Holtz-Eakin cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Thật vậy, Trung Quốc đã công bố một loạt biện pháp đáp trả Mỹ; Canada và Mexico cũng tuyên bố sẵn sàng “ăn miếng trả miếng”, nhất là nhắm vào các bang mà đảng Cộng hòa lãnh đạo để đồng minh của ông Trump cảm thấy đau đớn nhất. Chính phủ Mexico được cho là đang tính toán một loạt phản ứng thuế quan và phi thuế quan nếu tiến trình đàm phán từ nay đến ngày 1/3 đổ vỡ.
Một cách làm đặc biệt gây bất ổn là "trả đũa quay vòng”, nghĩa là luân phiên các sản phẩm của Mỹ phải chịu thuế và khiến các doanh nghiệp Mỹ không thể đoán trước.
Lợi bất cập hại
Tax Foundation ước tính rằng, chỉ riêng các mức thuế áp với Trung Quốc sẽ khiến nền kinh tế Mỹ giảm 0,1% vào năm 2025 nếu tiếp tục duy trì.
Trong chính quyền Trump đầu tiên, Trung Quốc áp thuế trả đũa đối với hàng nông sản xuất khẩu của Mỹ. Hậu quả là nông dân Mỹ mất hàng tỷ đô la, khiến Chính phủ Mỹ phải chi hàng tỷ đô la để bù đắp những khoản lỗ đó.
Chiến tranh thương mại hiện đại ảnh hưởng trực tiếp đến người Mỹ so với những gì hầu hết người Mỹ nhận ra. Mối đe dọa áp thuế gần đây đối với Colombia cho thấy lý do tại sao.
Năm 2023, nông dân Colombia cung cấp 1,14 tỷ USD hoa tươi cho các cửa hàng hoa của Mỹ. Ông Trump đe dọa sẽ áp thuế cao đối với quốc gia Nam Mỹ này, ngay khi các cửa hàng hoa trên khắp nước Mỹ tích trữ cho một trong những mùa bận rộn nhất của họ: Ngày lễ tình nhân Valentine’s Day.
Lịch sử cũng cho thấy chiến tranh thương mại thường thất bại. Đạo luật Thuế quan Smoot-Hawley của Mỹ năm 1930, áp dụng thuế quan đối với hơn 20.000 mặt hàng nhập khẩu, khiến các đối tác thương mại nhanh chóng trả đũa và góp phần làm trầm trọng thêm cuộc Đại suy thoái.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, thuế chủ yếu đánh vào nguyên liệu sản xuất, nên người tiêu dùng khó nhìn thấy tác động gián tiếp. Cách tiếp cận lần này tác động trực tiếp lên nhiều hàng hóa tiêu dùng.
Các chính trị gia thường nói thuế quan là hình thức trừng phạt quốc gia khác, thực tế chúng lại ảnh hưởng nặng nề nhất đến người tiêu dùng và doanh nghiệp trong nước. Họ sẽ phải trả hóa đơn mua hàng tạp hóa cao hơn, trong khi sản xuất có thể bị gián đoạn. Những doanh nghiệp nhỏ có biên lợi nhuận mỏng đặc biệt dễ bị tổn thương vì họ không có đủ nguồn lực để nhanh chóng chuyển đổi nhà cung cấp.
Cuối tháng 1 vừa qua, ông Trump cảnh báo sẽ áp thuế 100% với các nước BRICS nếu họ tìm cách giảm vai trò của đồng đô la Mỹ trong kho dự trữ quốc gia. Các đối tác thương mại quan trọng khác, bao gồm Liên minh châu Âu (EU), cũng đã lọt vào tầm ngắm của ông Trump.
Lời đe dọa này có thể đẩy các đối tác chiến lược ra xa Mỹ, đồng thời càng thúc đẩy các quốc gia phát triển hệ thống tài chính thay thế để làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ trong thương mại toàn cầu.
Theo các chuyên gia, cách đe dọa thuế quan có thể gây tổn hại cho uy tín của Mỹ như một đối tác thương mại đáng tin cậy. Mỹ đã đóng vai trò lớn để kiến tạo hệ thống thương mại quốc tế dựa trên luật lệ, nhưng việc đe dọa thuế quan thường xuyên sẽ làm xói mòn lòng tin toàn cầu và thúc đẩy các đối tác thương mại tìm kiếm giải pháp thay thế cho thị trường Mỹ.
Các chuyên gia nhấn mạnh rằng, những nước phụ thuộc nhiều nhất vào nguồn thu từ thuế hầu như đều nằm trong số các nền kinh tế nghèo nhất và kém phát triển nhất thế giới.