Tại buổi công bố hôm 5/2, EC nhấn mạnh đây là một phần trong nỗ lực siết chặt kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là từ các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc như Shein và Temu. Song, mức thu cụ thể của loại phí này chưa được tiết lộ.
Theo thống kê, năm ngoái, EU tiếp nhận khoảng 4,6 tỷ gói hàng giá trị thấp dưới 22 euro (23 USD), tương đương 12 triệu bưu kiện mỗi ngày, tăng gấp đôi so với năm 2023.
"Nhiều sản phẩm trong số này bị phát hiện không an toàn, giả mạo hoặc nguy hiểm. Động thái này nhằm hạn chế mức độ thiệt hại môi trường và khí hậu do các gói hàng gây ra, đồng thời bảo vệ sự cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại châu Âu", bà Henna Virkkunen, Giám đốc công nghệ EU cho biết.
EC tiết lộ 90% số hàng hóa nhập khẩu đến từ Trung Quốc, trong đó phần lớn được bán qua Shein và Temu. Hai nền tảng này bị Brussels nghi ngờ thiếu quyết liệt trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm vào châu Âu. Thêm vào đó, chỉ có 6 quốc gia thành viên giám sát đến 89% lượng hàng hóa thương mại điện tử, tạo áp lực lớn lên hệ thống hải quan của khối.
Bên cạnh việc áp phí, EC còn giới thiệu "bộ công cụ" (toolbox) nhằm tăng cường các biện pháp tuân thủ về chất lượng, môi trường và thương mại công bằng trên các nền tảng thương mại điện tử nước ngoài. Bộ công cụ này sẽ theo dõi toàn bộ quá trình mua sắm trực tuyến, từ lúc người tiêu dùng truy cập nền tảng cho đến khi hoàn tất giao dịch, theo Euronews.
Một trong những điểm nổi bật của bộ công cụ là đề xuất thông qua Gói cải cách Liên minh Hải quan, trình từ tháng 5/2023. Theo đó, EU sẽ bỏ quy định miễn thuế đối với các kiện hàng có giá trị dưới 150 euro (155 USD) và thành lập Cơ quan Hải quan EU - tổ chức liên kết các cơ quan hải quan của các quốc gia thành viên để phối hợp chặt chẽ hơn với Ủy ban châu Âu.
Bên cạnh đó, một số giải pháp khác cũng được đưa ra, bao gồm ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để kiểm tra mức độ an toàn của sản phẩm, kết hợp với hoạt động mua hàng ẩn danh và kiểm định thực tế nhằm phát hiện và thu hồi các mặt hàng không đạt chuẩn. Các biện pháp này được thực hiện theo Quy định An toàn Sản phẩm Chung đã được ban hành vào tháng 12 năm ngoái.
Đồng thời, EC xác nhận sẽ phối hợp với Mạng lưới Hợp tác Bảo vệ Người tiêu dùng (CPC) - gồm 27 cơ quan bảo vệ người tiêu dùng của các nước thành viên - để mở cuộc điều tra Shein với cáo buộc vi phạm các quy tắc bảo vệ người tiêu dùng của EU. Nếu bị kết luận có sai phạm, Shein có nguy cơ đối mặt với các khoản phạt nặng.
Ông Michael McGrath, người đứng đầu cơ quan bảo vệ người tiêu dùng EU, khẳng định: "Bất kỳ doanh nghiệp nào muốn hưởng lợi từ thị trường gần 450 triệu người tiêu dùng của chúng tôi đều phải tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt".
Phản hồi trước động thái này, Shein cho biết sẵn sàng hợp tác ở cả cấp độ EU và quốc gia. "Chúng tôi hoan nghênh các nỗ lực tăng cường lòng tin và an toàn cho người tiêu dùng châu Âu khi mua sắm trực tuyến", đại diện Shein phát biểu.
Trước đó, vào tháng 10/2024, EC và CPC đã khởi xướng cuộc điều tra đối với Temu và cuộc điều tra này vẫn đang tiếp diễn.
Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục như hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới là rất quan trọng. Để độc giả có thể tiếp cận những thông tin kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh đáng chú ý. Từ việc nghiên cứu các công ty hàng đầu đến việc khám phá những xu hướng kinh tế mới, Tủ sách sẽ là nơi cập nhật các thông tin mới nhất về hoạt động kinh tế toàn cầu.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/chau-au-thu-them-phi-voi-cac-goi-hang-cua-shein-temu-a214899.html