Ác mộng mua hàng 'made in China' của người Mỹ: Chiếc áo 1,6 triệu đồng phải trả thêm 1,1 triệu đồng thuế phí mới được nhận

Chi phí sẽ do người tiêu dùng gánh chịu và đó là phần đáng buồn của câu chuyện.

Ác mộng mua hàng 'made in China' của người Mỹ: Chiếc áo 1,6 triệu đồng phải trả thêm 1,1 triệu đồng thuế phí mới được nhận- Ảnh 1.

Matthew Cannon hôm 5/2 nhận tin từ nhà vận chuyển DHL rằng chiếc áo 65 USD (1,6 triệu đồng) đặt mua online phải trả thêm 45,19 USD (1,1 triệu đồng) thuế phí để được nhận. Số tiền cần thanh toán thêm bao gồm 26,88 USD thuế và 17 USD phí xử lý. Người mua phải trả trong 5 ngày nếu không bưu kiện được hoàn lại cho nhà bán.

Như vậy, để nhận chiếc áo dự định mặc trong lễ hội Mardi Gras ở New Orleans, cô con gái đang học đại học của Cannon phải mất tổng cộng 130,19 USD.

"Ban đầu, chiếc áo có giá 65 USD đã nằm ngoài khả năng chi trả của con gái tôi rồi. Giờ nó còn phải tốn gần 50 USD nữa để được nhận", Matthew Cannon nói. Ông hiện là giám đốc doanh thu tại Reach, công ty chuyên hỗ trợ các nhà bán lẻ ở châu Âu, Australia và Trung Quốc bán hàng vào Mỹ.

Tương tự, hôm 4/2, Clint Reid nhận được email từ nhà vận chuyển nói rằng đơn hàng trị giá 197 USD cho 16 mặt hàng bao gồm váy, áo len và quần áo trẻ em từ Shein sẽ được hoàn lại nếu cô không trả thêm 39,07 USD. Khoản phí này bao gồm 20,76 USD thuế nhập khẩu, 1,31 USD phí quản lý và 17 USD tiền dịch vụ xử lý thuế.

Các đơn hàng "săn sale" của người Mỹ tuần qua đột ngột trở nên đắt đỏ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bãi bõ quy tắc de minimis đối với hàng hóa Trung Quốc. Những chiếc áo sơ mi giá 5 USD, đèn 10 USD hay đôi giày 20 USD trên các trang web mua sắm như Shein và Temu bắt đầu trở nên kém "hời".

"Đó sẽ là một cơn ác mộng", Matthew Cannon bình luận. "Không ai ở Mỹ biết gì về điều này, họ chưa bao giờ phải trải qua trừ khi họ mua thứ gì đó thực sự đắt tiền. Và thường thì nếu họ mua hàng đắt, nhà bán lẻ sẽ chi trả thuế thay cho họ".

Trong khi các nhà bán lẻ vội vàng thích ứng, một số công ty đang tạm thời gánh chịu thuế thay cho khách hàng, theo ông Bernie Hart, phó Chủ tịch bộ phận hải quan tại Flexport – một công ty cung cấp dịch vụ hải quan, logistics và vận tải hàng hóa.

Trên trang web của mình, thương hiệu thời trang hướng đến giới trẻ I.Am.Gia của Úc thông báo rằng, khách hàng Mỹ sẽ phải thanh toán thuế nhập khẩu thông qua công ty vận chuyển. Đối với các đơn hàng đặt từ ngày 7/2, thuế sẽ được tính vào giá bán và bù đắp một phần bằng việc điều chỉnh nhẹ giá cả và ngưỡng miễn phí vận chuyển.

Có lẽ cảm nhận được sự bất ổn, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm nay đã ký một sắc lệnh hành pháp tạm dừng việc đình chỉ quy tắc miễn trừ de minimis. Sắc lệnh nêu rõ rằng de minimis sẽ được khôi phục đối với các gói hàng nhỏ được vận chuyển từ Trung Quốc cho đến khi Bộ trưởng Thương mại thông báo rằng các hệ thống phù hợp đã được triển khai để xử lý và thu thuế đầy đủ và nhanh chóng đối với các mặt hàng này. Khi ấy, người chịu thiệt hại nhất là khách hàng, theo Jayant Menon, thành viên cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore).

Đồng quan điểm, Liang Yan, nhà kinh tế tại Đại học Willamette ở Oregon cho rằng các hộ gia đình thu nhập thấp ảnh hưởng nhiều nhất vì phụ thuộc vào hàng giá rẻ từ Trung Quốc.

"Thương mại điện tử này đã tạo ra rất nhiều việc làm trong lĩnh vực dịch vụ, chẳng hạn như kho bãi và giao hàng. Các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực", bà nói.

Trong khi đó, các công ty thương mại điện tử Trung Quốc đang chuẩn bị sẵn sàng để vượt qua những thay đổi về chính sách. Theo Victor Gao, Phó chủ tịch của tổ chức tư vấn Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa tại Bắc Kinh, hạn chế của Mỹ chỉ khiến thương mại điện tử xuyên biên giới trở nên bớt dễ dàng chứ khó có thể hạ gục được toàn bộ ngành.

"Chi phí sẽ do người tiêu dùng gánh chịu và đó là phần đáng buồn của câu chuyện", ông đánh giá.

Theo nền tảng dữ liệu Statista, người dân Mỹ Latinh đã chi khoảng 122 tỷ USD cho các giao dịch mua hàng trực tuyến vào năm 2022, con số này dự kiến sẽ tăng lên 200 tỷ USD vào năm 2026. Xu hướng tiêu dùng phát triển nhanh này được cho là sẽ bị chính sách thuế quan mới làm cho chao đảo.

Clark Packard, một nghiên cứu viên tại Cato Trade cho biết: "Nếu phải kiểm tra mọi gói hàng, chi phí cho người tiêu dùng sẽ tăng đáng kể. Chưa kể, điều đó sẽ làm chậm quá trình tiếp nhận hàng hóa đã mua".

Được biết, quy định de minimis đã có từ những năm 1930 nhưng ngưỡng đã tăng lên theo thời gian nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và giúp đỡ người tiêu dùng. Việc miễn trừ có nghĩa là người mua không phải điền vào các thủ tục hải quan rườm rà hoặc trả thuế cho các gói hàng nhỏ.

Theo: Reuters, WSJ

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/ac-mong-mua-hang-made-in-china-cua-nguoi-my-chiec-ao-16-trieu-dong-phai-tra-them-11-trieu-dong-thue-phi-moi-duoc-nhan-a214960.html