Tăng mạnh bệnh giun sán lây từ chó mèo
TS.BS Hoàng Đình Cảnh, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, thời gian qua, có tình trạng tăng mạnh các bệnh lý ký sinh trùng lây nhiễm từ chó mèo.
Theo TS Cảnh, chó thả rông và gia tăng nuôi chó mèo làm thú cưng là hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.
Tổn thương điển hình do giun đũa chó mèo (Ảnh: Bác sĩ cung cấp).
"Bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo là bệnh ký sinh trùng mới nổi trong những năm gần đây do thói quen nuôi thú cưng tăng lên ở giới trẻ. Bệnh gây ra các tổn thương ở gan, não, lách, thận... và gây ra hiện tượng miễn dịch dị ứng ngứa nổi mẩn kéo dài", TS Cảnh phân tích.
Giun đũa chó mèo là một loại ký sinh trùng thường gặp ở chó và mèo. Chúng có khả năng lây nhiễm sang người qua đường tiêu hóa. Khi con người tiếp xúc với đất hoặc nước bị nhiễm trứng giun từ phân chó, mèo, chúng có thể xâm nhập vào cơ thể qua miệng và phát triển thành ấu trùng.
Những ấu trùng này di chuyển qua các mô cơ thể, gây ra nhiều triệu chứng, phổ biến nhất là ngứa, nổi sẩn và các ban trên da.
Đáng chú ý, giun đũa chó mèo có thể chui vào ký sinh ở phổi, gan, mắt… Khi chết đi, chúng có thể gây hoại tử, tổn thương các tế bào lân cận.
Chỉ tính riêng trong năm 2024, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương) đã thăm khám và điều trị cho gần 30.000 trường hợp mắc giun đũa chó mèo.
Tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ đã ghi nhận các bệnh nhân tổn thương gan do ấu trùng giun đũa chó mèo ký sinh ở trong gan; thậm chí khi giun đũa chó mèo ký sinh ở mắt còn khiến thị lực mất dần do mắt bị tổn thương.
Thách thức trong loại trừ bệnh sốt rét tại Việt Nam
Ngày 10/2 cũng đã diễn ra Lễ công bố Quyết định bổ nhiệm lại Phó Viện trưởng phụ trách chuyên môn Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương.
TS.BS Nguyễn Quang Thiều tiếp tục được sự tín nhiệm của Ban cán sự đảng Bộ Y tế, sau khi thực hiện quy trình quy định đã được Bộ trưởng Bộ Y tế ký quyết định bổ nhiệm lại giữ chức vụ Phó Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương phụ trách chuyên môn.
TS.BS Nguyễn Quang Thiều được bổ nhiệm lại giữ chức vụ Phó Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương phụ trách chuyên môn (Ảnh: Trần Minh).
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhận định, tình trạng nhiễm ký sinh trùng và gánh nặng bệnh tật do các bệnh giun sán truyền từ động vật sang người ở Việt Nam còn nặng nề.
Bệnh sán dây ấu trùng sán lợn, bệnh ấu trùng giun đũa chó/mèo, bệnh sán lá phổi, bệnh ấu trùng giun đầu gai, bệnh giun lươn, giun xoắn, giun rồng, bệnh do nấm, đơn bào… ngày càng gặp nhiều, phân bố rộng rãi ở cộng đồng.
Cùng với đó, số ca mắc, ca tử vong do sốt rét ngày càng giảm sâu, năm 2024 còn 353 ca. Đến năm 2024, đã có 48 tỉnh, thành phố được công nhận loại trừ sốt rét. Các chỉ tiêu về phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét đạt so với lộ trình đề ra.
Theo Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, để Việt Nam loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2030, thì đến năm 2027 toàn quốc phải không còn trường hợp mắc ký sinh trùng sốt rét nội địa.
Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều tỉnh có tình hình sốt rét dai dẳng, phức tạp thậm chí thành điểm nóng khó can thiệp như: Lai Châu, Khánh Hòa, Quảng Trị…
Đáng chú ý, hàng năm vẫn ghi nhận nhiều ca sốt rét từ nước ngoài về, chủ yếu là từ các nước châu Phi, gây nhiều thách thức.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/bac-si-canh-bao-tang-manh-benh-ky-sinh-trung-lay-tu-thu-cung-a215546.html