Vì sao tỷ phú Trần Đình Long muốn khai thác “mỏ kho báu” 500 triệu tấn ở Việt Nam lớn nhất Đông Nam Á ?

Theo tỷ phú Trần Đình Long, nếu khai thác được mỏ kho báu này, Việt Nam có thể giải quyết cơ bản về nguồn nguyên liệu hàng năm và tiết kiệm ngoại tệ.

Vì sao tỷ phú Trần Đình Long muốn khai thác “mỏ kho báu” 500 triệu tấn ở Việt Nam lớn nhất Đông Nam Á ?- Ảnh 1.

Tỷ phú Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, phát biểu kiến nghị trước Hội nghị Thường trực Chính phủ. Ảnh: VGP

Đây là mỏ sắt Thạch Khê, mỏ sắt có quy mô lớn nhất Đông Nam Á.

Sáng qua (10/2), Thường trực Chính phủ có cuộc gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.

Tại Hội nghị này, theo ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát, toàn bộ ngành thép Việt Nam nhập khẩu khoảng 30 triệu tấn quặng làm nguyên liệu sản xuất thép, chiếm tới 95%. Trước thực tế này, ông Trần Đình Long kiến nghị: " Chúng ta có 2 mỏ lớn là Quý Xa và Thạch Khê. Mỏ sắt Thạch Khê là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, quy mô khoảng 500 triệu tấn, nằm tại Hà Tĩnh ".

Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát cho rằng cần triển khai việc khai thác mỏ Thạch Khê nhằm giải quyết cơ bản nguồn nguyên liệu hàng năm và tiết kiệm ngoại tệ.

Tỷ phú Trần Đình Long nhấn mạnh, Hòa Phát không nhất thiết phải được giao trực tiếp quyền khai thác. Nhưng nếu được cấp phép, Hòa Phát tự tin có thể triển khai nhanh chóng và hiệu quả. Nếu không sớm khai thác, tài nguyên sẽ bị lãng phí, trong khi ngành thép của Việt Nam vẫn phải chi ngoại tệ để nhập khẩu quặng.

Vì sao tỷ phú Trần Đình Long muốn khai thác “mỏ kho báu” 500 triệu tấn ở Việt Nam lớn nhất Đông Nam Á ?- Ảnh 2.

Theo ông Trần Đình Long, cần triển khai việc khai thác mỏ Thạch Khê nhằm giải quyết cơ bản nguồn nguyên liệu hàng năm và tiết kiệm ngoại tệ. Ảnh: PH

"Kho báu" giúp Việt Nam vừa có nhiều tỷ USD, vừa bớt phụ thuộc nhập khẩu

Theo khảo sát, mỏ sắt Thạch Khê là mỏ sắt có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với trữ lượng ước tính khoảng 500 triệu tấn, có tổng giá trị ước tính lên tới 4 – 50 tỷ USD. Nếu khai thác hiệu quả, Chính phủ có thể thu về từ 15 – 20 tỷ USD tiền thuế và tạo nguồn lực lớn cho ngân sách Nhà nước. Thế nhưng, trong suốt từ 10 – 20 năm qua, mỏ sắt Thạch Khê vẫn chưa được đưa vào khai thác do nhiều ý kiến trái chiều từ địa phương, các bộ ngành và Bộ Quốc phòng, khi cho rằng khai thác sẽ gặp nhiều khó khăn.

Trên thực tế, với công nghệ như hiện nay, việc khai thác mỏ sắt này đã trở nên đơn giản hơn rất nhiều.

Mỏ sắt Thạch Khê được phát hiện từ năm 1960, nằm cách ven biển Hà Tĩnh khoảng 7 km. Với trữ lượng khoảng 500 triệu tấn, Thạch Khê không chỉ là mỏ quặng sắt lớn nhất Việt Nam mà còn là mỏ sắt xây dựng lớn nhất Đông Nam Á. Hàm lượng sắt trung bình của toàn mỏ này đạt 58%.

Vì sao tỷ phú Trần Đình Long muốn khai thác “mỏ kho báu” 500 triệu tấn ở Việt Nam lớn nhất Đông Nam Á ?- Ảnh 3.

Mỏ Thạch Khê bị tạm dừng khai thác từ năm 2011. Ảnh: BD

Kể từ năm 2011, dự án khai thác mỏ Thạch Khê bị tạm dừng, vì một số vấn đề tiềm ẩn rủi ro như công nghệ, kỹ thuật khai thác chưa phù hợp với đặc thù địa chất mỏ; phương thức vận chuyển quặng khó khả thi, hiệu quả thấp; tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động lớn đến môi trường…

Về mỏ Quý Xa hiện có trữ lượng khai thác khoảng 121 triệu tấn, trải rộng trên 100 ha tại địa bàn xã Sơn Thủy, bở phải sông Hồng thuộc tỉnh Lào Cai. Mỏ này có hàm lượng sắt trung bình là 52%. Theo các chuyên gia, mỏ Quỹ xa có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với sự phát triển của ngành sắt thép xây dựng Việt Nam. Mỏ này cung cấp việc làm cho hơn 2.000 lao động và góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn.

Trên thực tế, phần lớn quặng sắt dùng là nguyên liệu sản xuất gang thép ở Việt Nam là nhập khẩu. Nguyên nhân là vì nhu cầu sản xuất thép lớn mà khai thác lại chưa đủ nên nguồn cung trong nước chỉ đáng ứng được khoảng 30% nhu cầu sản xuất thép.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2024, Việt Nam đã chi khoảng 2,85 tỷ USD để nhập khẩu gần 30 triệu tấn quặng và các loại khoáng sản, tương ứng với tăng 20,5% về kim ngạch và tăng 24,6% về lượng so với năm 2023. Đây cũng chính là năm có sản lượng nhập khẩu cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Theo các chuyên gia, do phần lớn phụ thuộc vào nhập khẩu nên giá sắt thép của Việt Nam cũng phải chịu nhiều ảnh hưởng từ những biến động trực tiếp do giá quặng sắt từ Trung Quốc và thế giới.

Do đó, nếu triển khai được việc khai thác mỏ Thạch Khê như Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát kiến nghị thì nước ta có thể chủ động được nguồn nguyên liệu cho ngành thép, tiết kiệm ngoại tế, đồng thời tránh lãng phí tài nguyên và đảm bảo nguồn thu ngân sách ổn định.

Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát bày tỏ: “Tôi nghĩ rằng mỗi doanh nghiệp là một tế bào của nền kinh tế, Hòa Phát cũng như vậy. Chúng tôi cam kết giai đoạn 2025 - 2030 phát triển tối thiểu 15%".

Bên cạnh kiến nghị khai thác mỏ sắt Thạch Khê, tỷ phú Trần Đình Long cho biết, trong kế hoạch từ năm 2025 - 2030 vốn đầu tư công rất lớn, trong đó có dự án đường sắt đô thị Hà Nội, TPHCM, dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng. Đây là thời cơ rất lớn cho doanh nghiệp.

Ông Trần Đình Long chia sẻ, trong thời gian tới, Tập đoàn Hòa Phát có thể đầu tư nhà máy sản xuất ray, đầu tư 10.000 tỷ đồng. Đây là một sản phẩm rất đặc thù, vì nếu không sử dụng cho dự án thì không biết bán cho ai. Cho nên, Hòa Phát rất mong có 1 văn bản như một Nghị quyết để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư và sản xuất sản phẩm phục vụ dự án.

Lãnh đạo Hòa Phát xin hứa rằng tập đoàn sẽ đảm bảo cung cấp thép chế tạo cho Tổng Công ty đường sắt để làm dự án. Theo dự kiến, cần khoảng 10 triệu tấn thép. Hòa Phát cam kết đảm bảo số lượng 10 triệu tấn, chất lượng, tiến độ giao hàng và giá thấp hơn giá nhập khẩu.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/vi-sao-ty-phu-tran-dinh-long-muon-khai-thac-mo-kho-bau-500-trieu-tan-o-viet-nam-lon-nhat-dong-nam-a-a215667.html