Một bệnh viện tiết kiệm 100 tỷ mỗi năm nhờ không in phim và bệnh án giấy

() - Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, liên thông dữ liệu giữa các tuyến sẽ tiết kiệm được hàng nghìn tỉ. Bệnh viện tiết kiệm 100 tỷ mỗi năm, nhờ không chi cho in phim và bệnh án giấy.

Chiều 11/2, chia sẻ với báo chí, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, chuyển đổi số, bệnh án điện tử và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong chẩn đoán, điều trị bệnh là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong quá trình xây dựng, phát triển Bệnh viện Bạch Mai thành Bệnh viện Đa khoa chuyên sâu mang tầm khu vực và quốc tế.

Tiết kiệm 100 tỷ đồng, kho dữ liệu bệnh học khổng lồ ứng dụng AI

Theo Giám đốc Cơ, Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện lớn nhất cả nước triển khai bệnh án điện tử đầu tiên (trong 106 bệnh viện đã triển khai bệnh án điện tử), ứng dụng chuyển đổi số.

Một bệnh viện tiết kiệm 100 tỷ mỗi năm nhờ không in phim và bệnh án giấy - 1

Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, việc liên thông dữ liệu y tế sẽ tiết kiệm hàng chục nghìn tỷ cho ngành y tế (Ảnh: Hồng Hải).

"Hiện nay, 100% bệnh nhân đến chúng tôi không sử dụng bệnh án giấy, và khi khám bệnh không phải in phim. Chỉ với 2 bước này, bệnh viện sẽ tiết kiệm được khoảng 100 tỷ chi cho in phim và giấy in bệnh án", PGS Cơ thông tin.

Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Chợ Rẫy được giao nhiệm vụ làm điểm liên thông dữ liệu y tế. Bệnh viện Bạch Mai hiện thực hiện liên thông dữ liệu y tế với Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh. Sau khi thành công, mô hình này sẽ được triển khai tới các bệnh viện trong cả nước.

Một bệnh viện tiết kiệm 100 tỷ mỗi năm nhờ không in phim và bệnh án giấy - 2

Bệnh viện Bạch Mai áp dụng bệnh án điện tử, chuyển đổi số 100%, tiết kiệm khoảng 100 tỷ mỗi năm vì không phải chi in phim và bệnh án giấy (Ảnh: Thành Dương).

Theo PGS Cơ, điều này rất có ý nghĩa, khi có kho dữ liệu rất lớn của y tế quốc gia, sẽ giúp ích rất nhiều cho các vấn đề hoạch định chính sách ngành y, nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực, chuẩn bị thuốc men... 

"Bệnh án điện tử và liên thông dữ liệu y tế giữa các bệnh viện sẽ tiết kiệm ngân sách rất lớn. Các xét nghiệm, phim chiếu chụp được liên thông, sẽ tiết kiệm chi phí rất lớn cho người bệnh, con số không dừng lại ở 100 tỷ cho in phim, giấy in bệnh án tại Bệnh viện Bạch Mai, mà lên tới hàng chục nghìn tỷ trên toàn quốc.

Việc liên thông dữ liệu y tế sẽ thúc đẩy sự hỗ trợ chuyên môn giữa các tuyến thuận lợi. Bác sĩ ngồi tại Bệnh viện Bạch Mai vẫn đọc được kết quả chẩn đoán hình ảnh từ Bệnh viện Lào Cai, đưa ra ý kiến hội chẩn, đóng góp về phương án điều trị...", PGS Cơ đánh giá.

Không những thế, việc ứng dụng chuyển đổi số còn giúp bệnh viện quản lý tài chính, tài sản, dự trù trang thiết bị, thuốc, vật tư tiêu hao tốt, hạn chế xảy ra tình trạng hết thuốc, hết vật tư nhưng chưa làm thầu.

Theo PGS.TS Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, việc thực hiện chuyển đổi số, bệnh án điện tử là bước đầu tiên trên con đường ứng dụng AI trong chẩn đoán, điều trị bệnh.

Một bệnh viện tiết kiệm 100 tỷ mỗi năm nhờ không in phim và bệnh án giấy - 3

Các bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai không còn làm hồ sơ giấy và in phim (Ảnh: Thành Dương).

"Mỗi năm Bệnh viện có khoảng 2 triệu người bệnh khám ngoại trú, 200.000-250.000 bệnh nhân nội trú, đây là kho dữ liệu cực kỳ lớn về các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, phương án điều trị... để phát triển AI trong chẩn đoán, dự báo xu hướng bệnh, lựa chọn phác đồ điều trị cá thể hóa", PGS Giáp thông tin.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thực tế tại Bệnh viện Bạch Mai đã ứng dụng AI trong chẩn đoán sớm K phổi, cho phép phát hiện tổn thương từ 3-5mm; phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa, khi khối u ở lớp niêm mạc dạ dày... giúp việc điều trị hiệu quả, dễ dàng, đỡ tốn kém cho người bệnh.

"Giữ chân" không để người bệnh ra nước ngoài điều trị

Theo PGS Cơ, Bệnh viện Bạch Mai đặt ra 6 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025, gồm:

Triển khai đề án ghép đa tạng; Ứng dụng bệnh án điện tử, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán, điều trị, quản lý người bệnh; Ứng dụng gen trị liệu; Ứng dụng công nghệ tế bào gốc; Ứng dụng phẫu thuật robot; Ứng dụng công nghệ in 3D trong sản xuất các sản phẩm, thiết bị y tế cho người bệnh. 

Theo Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Bạch Mai là 1 trong 6 bệnh viện Chính Phủ giao nhiệm vụ phát triển thành bệnh viện đa khoa chuyên sâu mang tầm khu vực và quốc tế, thực hiện khám chữa bệnh cho người dân, hạn chế tối đa người dân ra nước ngoài khám chữa bệnh.

"Sắp tới Bệnh viện Bạch Mai sẽ thành lập Trung tâm y tế quốc tế để điều trị các bệnh nhân có nhu cầu. 

Trong trường hợp người bệnh mong muốn hội chẩn với chuyên gia quốc tế, hay mời chuyên gia quốc tế đến điều trị, bệnh viện sẽ là cầu nối kết nối mời chuyên gia đến thăm khám, hội chẩn, điều trị cho người bệnh ngay tại Bệnh viện Bạch Mai", PGS Giáp thông tin.

Theo PGS Cơ, Bệnh viện Bạch Mai với mục tiêu giữ chân người dân không phải ra nước ngoài điều trị, người bệnh vừa đỡ vất vả, vừa không để lượng lớn ngoại tệ chảy ra nước ngoài. Bệnh viện có cơ hội tái đầu tư y tế trong nước, nâng cao năng lực cán bộ y tế từ nguồn tiền này.

Đặc biệt, PGS Cơ cho biết, với nguồn nhân lực hơn 4.000 con người, trong đó gần 1.000 cán bộ y tế có trình độ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ... Bệnh viện Bạch Mai sẽ là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho ngành y tế.

"Chúng tôi đào tạo y tế từ cơ sở đến chuyên sâu, đến tận bản làng xa xôi để đào tạo y tế cơ sở, đến đào tạo kỹ thuật cao. Mục tiêu để chất lượng y tế ngày càng đi lên, đáp ứng nhu cầu điều trị của người dân", PGS Cơ thông tin.

Thông tin về Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Bệnh viện đang chuẩn bị kỹ nguồn nhân lực y tế, để khi được giao sẽ sẵn sàng tiếp nhận, đưa bệnh viện 1.000 giường vào sử dụng.

"Đây cũng là một trung tâm y tế chuyên sâu, là cánh tay nối dài của bệnh viện trong chăm sóc, điều trị người bệnh", PGS Cơ thông tin.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/mot-benh-vien-tiet-kiem-100-ty-moi-nam-nho-khong-in-phim-va-benh-an-giay-a215752.html