Xu hướng mua sắm trên các sàn TMĐT Việt Nam năm 2025 sẽ ra sao sau cú "rút chân" của VNG khỏi công ty liên kết Tiki Global?

Sự chuyển đổi trong hành vi tiêu dùng và tốc độ phát triển của công nghệ vừa là những dấu hiệu tích cực, vừa là thách thức cho ngành thương mại điện tử (TMĐT) năm 2025.

Tại Diễn đàn kết nối và phát triển thương mại điện tử 2024 do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức, các chuyên gia cho biết tăng trưởng TMĐT của Việt Nam hiện đang đứng Top đầu thế giới.

Năm 2023 quy mô toàn thị trường là 20,5 tỷ USD, dự báo năm 2025 cán mốc 45 tỷ USD và vào Top 3 Đông Nam Á.

Tốc độ tăng trưởng ấn tượng đồng thời cũng kéo theo áp lực cạnh tranh ngày càng lớn cho các sàn TMĐT.

Sự rút lui của VNG khỏi Tiki

Mới đây thông tin về việc VNG quyết định không còn là công ty liên kết của Tiki Global sau khi chịu khoản thua lỗ 510 tỷ đồng đã phần nào cho thấy áp lực từ “cuộc đua” trên thị trường TMĐT Việt Nam thời gian qua.

Cụ thể, theo BCTC quý 4/2024 của VNG (mã CK: VNZ), vào ngày 28/10/2024, tập đoàn này đang nắm giữ 14,61% quyền sở hữu Tiki Global. VNG đã miễn nhiệm hai người của tập đoàn trong Ban Giám đốc của Tiki Global và không còn ảnh hưởng đáng kể trong Tiki Global. Theo đó, Tiki Global không còn là công ty liên kết của VNG.

Khoản đầu tư vào Tiki Global được ghi nhận vào khoản mục đầu tư tài chính dài hạn.

Như vậy, VNG vẫn sẽ là cổ đông lớn tại Tiki Global nhưng sẽ không tham gia vào công việc điều hành cũng như phát triển công ty này.

Tính đến thời điểm 31/12/2024, VNG đã đầu tư 510 tỷ đồng vào Tiki Global nhưng từ quý 1/2019, giá trị của khoản đầu tư này đã về 0, tức VNG đã ghi nhận lỗ toàn bộ số tiền đầu tư vào Tiki. Do VNG không tiếp tục đầu tư thêm vào Tiki nên dù Tiki có lỗ thêm thì cũng không ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của VNG.

Tiki Global được thành lập vào năm 2010 tại TP.HCM, ban đầu chỉ tập trung vào mảng bán sách trực tuyến, sau đó mở rộng ra nhiều mặt hàng đa dạng khác. Tiki bắt đầu gọi vốn từ năm 2012, với vòng đầu tiên từ quỹ đầu tư mạo hiểm Cyberagent. Sau đó, Tiki tiếp tục nhận đầu tư từ Sumimoto và VNG.

Tháng 5/2016, VNG đầu tư 384 tỷ đồng (17 triệu USD) vào Tiki, đổi lấy 38% cổ phần và trở thành cổ đông lớn nhất. Đầu năm 2018, VNG tiếp tục rót thêm 120 tỷ đồng vào Tiki.

Sự xuất hiện của Shopee vào năm 2016 đã làm thay đổi cục diện thị trường. Bằng chiến lược "đốt tiền" mạnh tay cho khuyến mại và miễn phí vận chuyển, Shopee đã nhanh chóng vượt qua Lazada và Tiki để dẫn đầu thị trường. Theo báo cáo năm 2018 của Công ty Q&Me, Shopee chiếm 35% thị phần, Lazada 20% và Tiki 17%. Khoảng cách giữa Tiki và Shopee ngày càng nới rộng trong những năm sau đó.

Việc chấp nhận thua lỗ để rời bỏ thị trường TMĐT không chỉ đang diễn ra với các Công ty, Tập đoàn đầu tư mà còn là hồi chuông báo động đối với nhiều nhà bán hàng nhỏ lẻ.

Thống kê mới được Metric công bố cho thấy, thị trường năm 2024 ghi nhận sự sụt giảm của các shop có phát sinh lượt bán và tỷ lệ nhà bán rời bỏ thị trường, mức tăng trưởng âm cao.

Theo đó, 5 sàn TMĐT gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok Shop đã sụt giảm từ 403.000 gian hàng (tháng 1/2023) xuống còn hơn 378.000 gian hàng có phát sinh đơn hàng theo tháng (tính đến tháng 9/2024).

Mặc dù TikTok Shop và Shopee được ghi nhận mức tăng trưởng dương về doanh số và sản lượng nhưng nhìn chung trong 9 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023 tất cả các shop trên 5 sàn TMĐT có 43,15% số shop tăng trưởng âm hoặc dừng bán.

Xu hướng mua sắm trên các sàn TMĐT Việt Nam năm 2025 sẽ ra sao sau cú "rút chân" của VNG khỏi công ty liên kết Tiki Global?- Ảnh 1.

Bức tranh toàn cảnh cho thấy cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường TMĐT (Nguồn: Metric)

Việc VNG "rút chân" khỏi vai trò điều hành tại Tiki Global cho thấy những khó khăn mà Tiki đang phải đối mặt trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Dù vẫn là cổ đông lớn, VNG dường như đã không còn mặn mà với việc "bơm tiền" để Tiki tiếp tục cuộc đua "đốt tiền" với các đối thủ.

TMĐT năm 2025 sẽ ra sao?

Các số liệu chung của ngành TMĐT dù chưa khả quan, song theo dự báo của Metric lại đưa ra nhiều tín hiệu khá lạc quan cho thị trường trong năm 2025.

Mức tăng trưởng doanh số của các sàn TMĐT hiện gấp 4,3 lần so với mức tăng trưởng doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng. Người tiêu dùng ngày càng có xu hướng lựa chọn hàng hóa giá rẻ đã gián tiếp khiến số lượng mặt hàng có mức giá trên 1 triệu sụt giảm.

Các chỉ số kinh tế vĩ mô đang trên đà phục hồi nhưng do mức giá leo thang nên người dùng tiếp tục ưu tiên mua sắm các sản phẩm thiết yếu, trong đó ngành hàng bách hóa – thực phẩm và ngành hàng mẹ - bé có mức tăng doanh số trên 50%, lần lượt cán mốc 64,2% và 51,7%.

Việc lựa chọn thực phẩm lành mạnh ngày càng phát triển, các tiêu chí như ít đường/ít béo/ít calo ngày càng được quan tâm nhiều hơn trước.

Ghi nhận trên sàn Shopee và TikTok Shop 11 tháng năm 2024 ghi nhận tăng ấn tượng so với cùng kỳ 11 tháng đầu năm 2023.

Theo đó dòng sữa ít đường/không đường và ít béo/không béo tăng 203%; đồ uống không cồn, ít đường/không đường và ít calo/không calo tăng 104%.

Xu hướng mua sắm trên các sàn TMĐT Việt Nam năm 2025 sẽ ra sao sau cú "rút chân" của VNG khỏi công ty liên kết Tiki Global?- Ảnh 2.

Số liệu được Metric thống kê trên sàn Shopee và Tiktok Shop

Metric đặc biệt ghi nhận nhu cầu sử dụng các sản phẩm xanh, bền vững, thuần chay gia tăng mạnh mẽ.

Người tiêu dùng trong nước đã ưu tiên lựa chọn các sản phẩm ít tác động đến môi trường thay thế cho sản phẩm truyền thống có tác động không tốt cho sức khỏe, từ đó phản ánh sự thay đổi thói quen tiêu dùng theo hướng tích cực.

Xu hướng này đã thúc đẩy các sản phẩm sữa thực vật, mỹ phẩm thuần chay tăng lần lượt 162% và 178% so với cùng kỳ 11 tháng đầu năm 2023.

Mặc dù các sàn TMĐT có hàng hóa đa dạng chủng loại, nhiều chương trình khuyến mại và nguồn gốc rõ ràng đã được phần lớn người tiêu dùng lựa chọn, thúc đẩy doanh số shop Mall tăng mạnh trong năm 2024.

Tuy nhiên, đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt, bài toán nâng cao năng lực nghiên cứu, đổi mới, hoạch định chiến lược kinh doanh dài hơi đang được đặt ra cho các sàn TMĐT tại Việt Nam để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/xu-huong-mua-sam-tren-cac-san-tmdt-viet-nam-nam-2025-se-ra-sao-sau-cu-rut-chan-cua-vng-khoi-cong-ty-lien-ket-tiki-global-a215851.html