Hôn lễ nghèo của thầy giáo Nguyễn Xuân Thiệu và cô dâu Nguyễn Thị Đang vẹn tròn hạnh phúc bền lâu - Ảnh: NVCC
"Tôi nhớ hồi đó mình vừa 18 tuổi, đang trọ học lớp 12 trường huyện thì bất ngờ mẹ gọi về... coi mắt vợ. Trời đất ơi, tôi chỉ biết loáng thoáng cô gái đó nhà ở xóm đồng trên, còn chưa nói chuyện với nhau được mấy câu chứ nói gì yêu đương hay nắm tay nhau", thầy giáo Nguyễn Xuân Thiệu (56 tuổi, huyện Đức Huệ, Long An) vui vẻ kể chuyện xưa.
Duyên nợ thế nào không biết nhưng vợ chồng thầy giáo này đã được "người lớn hai bên cầm tay kéo đến" mà nên đôi. Ấy vậy nhưng tổ ấm họ yên vui, hạnh phúc đến giờ.
Cậu học trò được gọi về... cưới vợ
Kể chuyện
Đoàn đón dâu qua đồng lúa quê - Ảnh: NVCC
Cả xóm chặt tre, đan phòng đôi uyên ương
Nhà thầy giáo Thiệu chuẩn bị rước dâu nhưng chỉ có ba gian trống huơ trống hoác đang là nơi sống của gia đình năm người, chưa tính thêm cô dâu sắp về. Thế là cô bác hàng xóm xúm lại, mỗi người một tay phụ làm tổ ấm uyên ương.
Họ chặt tre trúc tươi rồi chẻ thanh đan những tấm phên làm vách che phòng cưới. Căn phòng nhỏ xíu, chỉ đủ đặt cái giường tre bề ngang chưa nổi một mét rưỡi và cái tủ gỗ cất vài bộ đồ. Cửa sổ phòng vợ chồng trông ra thửa ruộng cũng chẳng rèm che gì kín đáo, chỉ mỗi tấm phên tre dựng lên hoặc sập xuống.
"Vậy mà chúng tôi đã thấy đầy đủ, ấm áp rồi. Hồi đó đâu đâu cũng khó khăn, xóm quê đâu ai khá hơn để mình so sánh mà suy nghĩ chuyện giàu nghèo, tủi thân này nọ như giờ" - bà Đang kể hồi đó bà chỉ nghĩ mình về ăn ở sao cho phải đạo với bên nhà chồng và đôi lứa yêu thương nhau, chứ không hề nghĩ gì đến chuyện làm giàu, mai mốt có cái này đặng được cái kia như bây giờ.
Việc đãi đằng tiệc cưới hồi năm 1986 ở quê rất mộc mạc mà là cả vấn đề cần công sức chuẩn bị suốt nhiều tháng. Hai bên nhà trai gái đều phải nuôi trước con heo và đàn gà vịt.
Nhà chú rể nuôi bầy vịt khá nhiều nhưng bị dịch chết dần chết mòn đến ngày cưới chỉ còn hơn chục con. Cả con heo cũng bệnh lên bệnh xuống nhưng may là vẫn sống được đến ngày lên bàn tiệc dù nó ốm nhom nhách.
Mà ngày đó tiệc cưới xin cũng đâu ê hề thức ăn như buổi nay. Bàn tiệc hầu hết chỉ có vài món đơn giản, mỗi người gắp được vài đũa thịt là "đã miệng" lắm rồi.
Nhắc kỷ niệm ngày cưới đã về miền ký ức rất xa, vợ chồng bà Đang đều cười nói "nghèo mà vui, vui mà nghèo". Ba hôm trước ngày cưới, cả xóm tưng bừng. Bà con họ tộc đến chung tay quét dọn nhà cửa. Thật ra hồi đó nhà tranh vách đất trống huơ hoác, đâu có gì để sơn phết, dựng sửa như nhà cửa sau này.
Cầu kỳ nhất chỉ mấy anh thanh niên khéo tay dựng cổng cưới bằng tre nứa, dương xỉ và lá dừa nước. Họ phải kéo nhau xuống bưng để cắt dương xỉ và lá dừa về ghép vào các cây tre dựng thành cổng cưới.
Thầy giáo Thiệu nhớ lại: "Hồi tôi cưới, mấy anh xóm chỉ cột hoa lá dại vào cây tre là tụi tôi đã thấy đẹp lắm rồi. Bây giờ thỉnh thoảng đi đám cưới miền Tây, người ta còn bện dựng cả trái tim rồi hình con này cảnh kia cầu kỳ hơn nhiều".
Đám cưới nghèo mà vui quá xá vui
Thời buổi ban đêm ở quê chỉ leo lét ánh sáng đèn dầu nhỏ xíu. Hai nhà trai gái đi mượn được mấy cái bình điện ắc quy để dẫn điện bóng đèn nhỏ như ngón tay là đã giúp cả xóm vui quá xá vui. Con nít nô nức kéo tới chơi, người lớn cũng sang rề rà trà nước và xem cho có chuyện gì để phụ một tay.
Sát ngày cưới, trong khi nhóm khéo tay lo trang trí cổng rạp thì đám trai tráng khỏe mạnh lo đi mượn bàn ghế hàng xóm, bởi ngày ấy chẳng ai cho thuê, mà có người cho thuê cũng không có tiền để thuê.
Thời buổi nghèo khó, mỗi nhà quê "gia cảnh đỡ lắm" cũng chỉ một cái bàn gỗ tròn để trà nước và ăn cơm, nên cả hai nhà cô dâu chú rể phải lặn lội đi mượn hết xóm trên xuống xóm dưới suốt mấy ngày.
Chuyện chén đũa cũng thiếu hụt y vậy, họ lại chạy vạy mượn từng nhà. Thậm chí có nhà cho mượn thì thiếu hụt chén ăn cơm của chính mình nên cứ dặn dò "mần tiệc xong nhớ trả sớm chén ăn cơm của tui nghe cha nội".
Bia bọt, nước ngọt đãi đằng ngày tháng đó cũng là "chuyện không tưởng" ở quê. Hai nhà trai, gái phải lo đặt người ta nấu vài can rượu đế. Hôm đãi tiệc còn thêm các chai rượu nút lá chuối được khách cặp nách đến làm quà mừng cô dâu chú rể.
Gần 40 năm trước, quà khách đi mừng đám cưới ở quê chủ yếu là những chai rượu đế 3 xị hoặc gói bánh quy, bánh in nếu khách là đàn bà. Chỉ có ít bà con tộc họ gần gũi mới đi tiền, còn chuyện chú bác cho vài phân vàng là cực kỳ hiếm hoi và sang trọng.
Nhà quê thời nghèo khó, những lời nhà trai xin đón dâu và lời cha mẹ nhà gái dặn dò con về làm dâu thảo vợ hiền mộc mạc, chân chất mà đầy ý nghĩa. Mẹ cô dâu hôm đó khóc tiễn con, cô dâu cũng sụt sịt đỏ mắt. Họ bị vài người rầy rà trách sao lại rớt nước mắt trong ngày vui trăm năm. Nhưng tình yêu của đôi vợ chồng sau đó đã vẹn tròn bền lâu.
Sau này nhắc nhớ với con cái, vợ chồng họ vẫn kể cha mẹ đã đến với nhau đúng cảnh chỉ có túp lều tranh với hai trái tim vàng nhưng đã hạnh phúc và cha mẹ vẫn mãi niềm tin đó...
Có nhiều chuyện để nhớ nhưng vợ chồng thầy giáo Thiệu đến giờ cứ nhớ mãi chuyện rước dâu. Nhà trai có bà con là chú bác ở Sài Gòn phải về từ hôm trước để sáng hôm sau cùng bậc ông bà, cha mẹ chú rể dẫn đầu đoàn đi rước dâu.
Hai nhà trai, gái nếu đi đường tắt thì chưa đầy hai cây số, họ vẫn chọn đi đường vòng thêm một chút "cho đẹp và cho vui" và tất nhiên là chỉ có... đi bộ cả đoàn.
Họ phải xắn quần lội qua kênh mương và mắt phải trông chừng những chú bò dễ nổi cơn điên với các tà áo đỏ đỏ xanh xanh. Nhưng điều quan trọng nhất là dù đi gần đi xa đi thế nào thì đàng trai cũng phải tính để đến nhà đàng gái chính xác "giờ lành".
Theo phong tục và niềm tin của bà con thì chú rể có tới sớm hơn cũng phải đợi bên ngoài, mà tới trễ thì chắc chắn sẽ khó vui vẻ rồi.
**************
"Cổng cưới làm bằng lá dừa, khung tre, còn chữ rồng phượng dán trên lễ đường do một người bạn thân của tôi từ Quy Nhơn về làm tiếp tôi chứ tôi là chú rể không trang trí hết được...".
>> Kỳ tới: Đám cưới linh đình ở Bình Định thời bao cấp
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/ra-gieng-anh-cuoi-em-ky-5-hon-le-chi-tup-leu-tranh-hai-trai-tim-vang-a215914.html