Việt Nam khan hiếm nhân lực AI ở mọi cấp độ

Để Việt Nam trở thành quốc gia trung tâm của công nghệ cao, doanh nghiệp kêu gọi đơn giản hóa thủ tục, ưu đãi chính sách, nhân rộng mô hình thu hút FDI như cách đưa Nvidia về.

Giám đốc Nvidia Việt Nam nhận định Việt Nam đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nhân lực AI ở mọi cấp độ. Ảnh: Nhật Bắc/VGP.

Chiều 11/2, tại Trụ sở Chính phủ, Hội nghị Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã diễn ra với sự tham gia của nhiều tập đoàn công nghệ lớn trong và ngoài nước.

Đặt mục tiêu 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đặc biệt là từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Nvidia.

Nvidia và bài toán nhân lực AI tại Việt Nam

Bộ trưởng KH&ĐT đề xuất một số giải pháp nhằm tối ưu hóa chính sách đầu tư, trong đó có việc nhân rộng mô hình thu hút FDI theo cách mà Nvidia đã được chào đón vào Việt Nam. Việc thu hút các tập đoàn công nghệ cao sẽ là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhan rong mo hinh Nvidia anh 1

Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: Nhật Bắc/VGP.

Về phía Nvdia, trọng tâm được công ty thảo luận tại hội nghị là nguồn nhân lực trong lĩnh vực AI. Ông Vũ Mạnh Cường - Giám đốc Nvidia Việt Nam - nhấn mạnh Việt Nam đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nhân lực AI ở mọi cấp độ.

Khi AI ngày càng thâm nhập vào các ngành công nghiệp khác nhau như y học, ngân hàng, viễn thông, nhu cầu về nhân lực AI càng trở nên cấp thiết. Dự báo trong vòng 3 năm tới, Việt Nam sẽ cần đến hàng trăm nghìn kỹ sư AI để đáp ứng nhu cầu phát triển.

Nhan rong mo hinh Nvidia anh 2

Sự kiện quy tụ nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước như Viettel, VNPT, Vingroup, FPT, CMC, cùng các đại diện từ các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Samsung, Nvidia, Intel, Google, Synopsys. Ảnh: Dương Giang/TTXVN.

Nhằm góp phần giải quyết bài toán này, Nvidia đang tích cực hợp tác với nhiều trường đại học trong nước để triển khai chương trình Học viện Deep Learning (DLI). Chương trình này cung cấp giáo trình, công cụ và tài nguyên xử lý đồ họa trên đám mây miễn phí cho các trường đại học, giúp sinh viên tiếp cận với các công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực AI.

Hiện tại, DLI đã được triển khai tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Đà Nẵng, Đại học Duy Tân, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và FPT.

Tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Trí tuệ Nhân tạo đã hoàn thành khóa đào tạo và cấp chứng chỉ Deep Learning miễn phí cho 60 sinh viên. Trong khi đó, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã đưa chương trình này vào chương trình đào tạo AI của trường. Riêng FPT Software đã cấp hơn 6.000 chứng chỉ Deep Learning của Nvidia trong vòng 4 tháng.

Nvidia khẳng định rằng chương trình của họ có thể phục vụ cả 2 mục tiêu: đào tạo số lượng lớn và nâng cao chuyên môn sâu. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng và quy mô đào tạo, Việt Nam cần áp dụng mô hình "train the trainer" - đào tạo giảng viên trước khi triển khai đại trà.

Tập đoàn cũng đề xuất một chiến lược đào tạo rộng hơn, bao gồm 3 trụ cột chính: nâng cấp và đào tạo lại (upskilling, reskilling) cho nhân lực IT hiện tại, đào tạo mới cho sinh viên đại trà và đào tạo chuyên sâu cho những tài năng mũi nhọn.

Loạt đề xuất chính sách cho phát triển nhân lực công nghệ cao

Theo Nvidia, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là kinh phí đào tạo, đặc biệt đối với những người không phải sinh viên và cần trả phí. Do đó, doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ kết hợp với doanh nghiệp lớn như Viettel, FPT để thúc đẩy đào tạo AI ở quy mô lớn, về cả kinh phí hỗ trợ đào tạo, lẫn trả lương cho giảng viên.

Nvidia cũng mong muốn mở rộng hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) nhằm đào tạo nhân lực AI và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực này.

Đồng quan điểm với Nvidia, ông Suk Ji-won, Tổng Giám đốc Trung tâm R&D Samsung Việt Nam, cũng cho rằng Việt Nam cần có những chính sách khuyến khích mạnh mẽ hơn để thu hút chuyên gia công nghệ cao từ nước ngoài, bao gồm các ưu đãi về thị thực, thuế, nhà ở và y tế.

Theo ông, Việt Nam nên cải thiện môi trường đầu tư để thúc đẩy các doanh nghiệp FDI đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao như AI và bán dẫn. Nếu Chính phủ tiếp tục đơn giản hóa thủ tục cấp phép và cung cấp chính sách ưu đãi hợp lý, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành quốc gia trung tâm của ngành công nghệ cao trong tương lai.

Tại hội nghị, Tổng Giám đốc Trung tâm R&D Samsung Việt Nam cho hay tập đoàn đã trao 875 suất học bổng cho sinh viên ngành CNTT, tổ chức khóa học lập trình cho hơn 25.000 sinh viên và cung cấp chương trình thực tập doanh nghiệp cho khoảng 2.400 sinh viên mỗi năm.

Ngoài ra, tập đoàn này còn tài trợ phòng lab với hơn 700 máy tính cho các trường đại học, triển khai các dự án nghiên cứu chung, tổ chức các cuộc thi lập trình nhằm khuyến khích tư duy sáng tạo trong giới trẻ.

Một trong những sáng kiến tiêu biểu của Samsung là cuộc thi "Solve For Tomorrow", khuyến khích học sinh ứng dụng kiến thức STEM để giải quyết các vấn đề thực tiễn. Từ khi được triển khai tại Việt Nam năm 2019, cuộc thi này đã thu hút hơn 470.000 học sinh tham gia.

Dùng ChatGPT thế nào để không tạo ra nội dung vô tri

Sự phát triển của AI mở ra nhiều tiềm năng nhưng cũng có không ít mối lo đối với ngành xuất bản, đặc biệt là nhóm tác giả viết sách.

Các tác giả sách cần phải chấp nhận sự vươn lên của AI, sử dụng chúng như một "siêu trợ lý" thay vì chối bỏ trào lưu. Chia sẻ với Tri thức - Znews, nhiều cây viết cho rằng người làm sách vẫn có thể đứng vững trong thời đại AI nếu biết cách tận dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/viet-nam-khan-hiem-nhan-luc-ai-o-moi-cap-do-a216019.html