Thủ tướng: Luật pháp là ta, quy định là ta hết, mình thấy vướng trên thực tiễn phải sửa

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ có vấn đề cá biệt, phải xử lý ngay, Chính phủ phải họp trong 1 tiếng, 1 đêm để quyết định. Do đó, cần quy định nghị quyết của Chính phủ là văn bản quy phạm pháp luật.

Thủ tướng: Luật pháp là ta, quy định là ta hết, mình thấy vướng trên thực tiễn phải sửa - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh: GIA HÂN

Sáng 12-2, phát biểu tại tổ tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định việc sửa một số luật lần này để thực hiện cuộc cách mạng về bộ máy.

Việc này để bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, cơ cấu phù hợp.

Thủ tướng: vướng mắc, khó khăn phải giải quyết

"Đây là chủ trương lớn của Đảng. Trên thực tế chúng ta làm sắp xong rồi. Cố gắng kỳ họp này xong tổ chức mới, trong tháng 2-2025 xong tất cả tổ chức, tháng 3 đi vào vận hành, chuẩn bị đại hội Đảng các cấp", Thủ tướng cho biết.

Đồng thời, Thủ tướng lưu ý khi vận hành có thể có vướng mắc, trục trặc, cũng như khi mua xe ô tô mới về có thứ suôn sẻ nhưng cũng có cái vướng phải điều chỉnh, giải quyết.

Thủ tướng: Ngân hàng hy sinh một phần lợi nhuận để giảm lãi suấtĐỌC NGAY

"Thực tiễn luôn đặt ra bài toán có thể trơn tru, thuận lợi nhưng có thể vướng mắc, khó khăn, chúng ta phải giải quyết", Thủ tướng nói.

Cũng theo Thủ tướng, làm sao "đúng vai, thuộc bài", rành mạch và càng rõ thì càng dễ đánh giá, dễ xác định trách nhiệm.

Phân cấp để địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm; giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp. Đó là những nguyên tắc rất cơ bản cần bám sát để triển khai.

"Từ thực tiễn, thấy vướng mắc phải sửa. Luật pháp là ta, quy định là ta hết, mình thấy vướng trên thực tiễn phải sửa", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng: Luật pháp là ta, quy định là ta hết, mình thấy vướng trên thực tiễn phải sửa - Ảnh 3.

Quang cảnh phiên họp tổ - Ảnh: GIA HÂN

Có việc Chính phủ phải họp trong 1 tiếng, 1 đêm để quyết định

Đề cập dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Thủ tướng nhấn mạnh việc phân định rõ cơ quan xây dựng chính sách và quy trình.

Phải phối hợp, muốn nhanh, kỹ lưỡng cần có sự phối hợp hiệu quả với nhau và "một anh chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm đến cùng, cùng một công việc mà có hai cơ quan cùng làm thì có khi cũng không tốt.

Một việc chỉ một cơ quan và một cơ quan có thể làm nhiều việc. Phải rạch ròi như vậy để rõ trách nhiệm. Đó là đổi mới trong lần này.

Dẫn thực tế Chính phủ phải ban hành các quy định để ứng phó dịch bệnh, thiên tai, Thủ tướng nói mấy năm trước dịch COVID-19 như thế, Chính phủ phải ban hành nghị quyết để làm, chứ chết người không thể không làm.

"Quốc hội chưa họp được nên Chính phủ là cơ quan hành pháp phải làm. Như bão Yagi vừa rồi, mưa bão lụt như thế thì phá đập hay không, có di dân hay không, bởi di dân là hàng chục nghìn người trong đêm.

Phải có người quyết định. Chỗ này phải rạch ròi, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh hiệu quả còn vấn đề biến động cần trao quyền cho cơ quan hành pháp", Thủ tướng nói thêm.

Thủ tướng nhấn mạnh cần bổ sung nghị quyết của Chính phủ là văn bản quy phạm pháp luật, bởi có vấn đề cá biệt, phải xử lý ngay. Chính phủ phải họp trong 1 tiếng, 1 đêm để quyết định mà ban hành văn bản không có tính pháp quy thì ai dám làm.

"Có những việc cần giải quyết ngay, cấp bách tại thời điểm cần thiết, nên nghị quyết của Chính phủ là rất cần thiết.

Đây là bài toán thực tiễn, vướng mắc chúng ta phải tháo gỡ. Cuộc sống diễn ra rất nhanh, đâu phải cái gì cũng có dự báo được hết.

Chúng ta bây giờ hội nhập sâu, rất nhiều thứ mình phải ứng phó mà luật pháp đâu dự báo hết được.

Nên luật pháp cần quy định khung mang tính nguyên tắc, để dư địa cho cơ quan hành pháp linh hoạt thực hiện hiệu quả. Miễn là đừng tham ô, tham nhũng, lợi ích nhóm", Thủ tướng chỉ rõ.

Ông cho rằng cần đề ra không gian cho sự sáng tạo và bảo vệ người sáng tạo, chấp nhận rủi ro, như nghị quyết 57 vừa rồi là chấp nhận rủi ro, không truy cứu người không có động cơ vụ lợi.

Thủ tướng cũng lưu ý quy trình làm sao phải nhanh, quyết sớm, phải quý trọng thời gian, trí tuệ cá nhân và tập thể.

"Để xử lý vấn đề cá biệt, cấp bách thì phải là trách nhiệm cá nhân chứ lúc đó mang ra bàn thì người dân nói đùa là cái gì không muốn làm lại mang ra bàn, để có anh nào nói không làm thì thôi.

Tức là đề cao trách nhiệm cá nhân, nhưng có cơ chế bảo vệ những người đó", Thủ tướng nói thêm, đồng thời nêu rõ việc cần làm sao để cá thể hóa trách nhiệm.

Cuộc cách mạng trong xây dựng, ban hành pháp luật

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nhấn mạnh, dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi là một cuộc cách mạng trong công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Với đề xuất của quy trình mới như Chính phủ trình thì một văn bản quy phạm pháp luật từ lúc khởi thảo đến lúc thông qua sẽ được rút ngắn thời gian từ 22 tháng xuống còn 10 tháng, và xuống đến 5 tháng nếu chỉ thực hiện quy trình soạn thảo.

Đối với việc xây dựng, ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn chỉ còn khoảng 1-2 tháng (giảm được 6-8 tháng). "Đây là một sự thay đổi rất lớn, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đang thay đổi rất nhanh", bà Hoa nói.

Thủ tướng: Luật pháp là ta, quy định là ta hết, mình thấy vướng trên thực tiễn phải sửa - Ảnh 3.Thủ tướng: Có cơ chế để nhà khoa học được kinh doanh sản phẩm sáng tạo

Việc xây dựng cơ chế, thể chế thực hiện với tinh thần rất khẩn trương, vừa chạy vừa xếp hàng để giải phóng tư duy, huy động mọi nguồn lực phát triển.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/thu-tuong-luat-phap-la-ta-quy-dinh-la-ta-het-minh-thay-vuong-tren-thuc-tien-phai-sua-a216024.html