Người Đan Mạch đã trả đũa tham vọng sở hữu Greenland của ông Trump bằng bản kiến nghị để quốc gia này mua lại bang California của Mỹ - Ảnh: REUTERS
Đài CNN ngày 12-2 đưa tin một bản kiến nghị mang tính chất châm chọc, trào phúng với mục tiêu gây quỹ cộng đồng 1.000 tỉ USD để Đan Mạch mua lại bang Ông Trump tuyên bố Greenland sẽ thuộc về Mỹ, chế nhạo Đan Mạch
Bản kiến nghị này xuất hiện sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đề nghị mua lại hòn đảo lớn nhất thế giới Greenland - vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch - và không loại trừ khả năng sử dụng sức mạnh quân sự hoặc kinh tế để thuyết phục Đan Mạch đồng ý với thương vụ này.
Đài CNN cũng tiết lộ bản kiến nghị đã liệt kê một loạt lợi ích nếu Đan Mạch thành công mua lại California từ Mỹ, bao gồm thời tiết thuận lợi hơn, nguồn cung cấp bơ ổn định và vị thế dẫn đầu trong ngành công nghệ.
"Có thêm một nhóm "Tech bros" (thuật ngữ được dùng để chỉ những người đàn ông làm việc trong ngành công nghệ, đặc biệt là ở Thung lũng Silicon)? Tuyệt! Đó là điều mà mọi nền dân chủ đều cần", bản kiến nghị tiếp tục, đồng thời cho rằng Đan Mạch sẽ có cơ hội "bảo vệ thế giới tự do” và đổi tên Disneyland thành "Hans Christian Andersenland".
Hans Christian Andersen là tên nhà văn nổi tiếng người Đan Mạch, nổi tiếng với những câu chuyện cổ tích kinh điển như Nàng tiên cá, Chú lính chì dũng cảm, Vịt con xấu xí và Công chúa và hạt đậu.
Giao diện của bản kiến nghị kêu gọi gây quỹ cho Đan Mạch 1.000 tỉ USD để mua lại bang California của Mỹ - Ảnh: DENMARKIFICATION
"Mickey Mouse đội mũ Viking ư? Quá tuyệt, thêm nó vào đi. California sẽ trở thành New Denmark. Los Angeles? Có lẽ nên gọi là Løs Ångeles.
Chúng tôi sẽ mang văn hóa hygge (sự ấm cúng, thư thái kiểu Đan Mạch) đến Hollywood, xây thêm làn đường dành cho xe đạp ở Beverly Hills và bán bánh mì smørrebrød hữu cơ trên mọi góc phố.
Có thể sẽ áp dụng luật pháp minh bạch, hệ thống y tế toàn dân và chính trị dựa trên sự thật nữa đấy!", bản kiến nghị châm chọc.
Tham vọng của Mỹ với Greenland
Ông Trump không phải là tổng thống Mỹ đầu tiên có tham vọng sở hữu Greenland. Từ thế kỷ 19, Washington đã nhiều lần bày tỏ ý định mua hòn đảo này, đáng chú ý nhất là đề xuất mua lại Greenland với giá 100 triệu USD (tương đương 1 tỉ USD hiện tại) của Tổng thống Harry Truman năm 1946.
Tuy nhiên, kể từ khi nhậm chức vào ngày 20-1 vừa qua, ông Trump đã liên tục bày tỏ ý định mua lại Greenland một cách nghiêm túc, tuyên bố việc Mỹ kiểm soát Greenland là "điều tuyệt đối cần thiết".
Giới chức trách ở cả Greenland và Đan Mạch đều kịch liệt phản đối tham vọng này của vị tổng thống Mỹ, và một số quan chức của Đan Mạch đã thừa nhận rằng họ cảm thấy lo ngại khi lần này ông Trump bày tỏ ý định sở hữu Greenland thậm chí còn nghiêm túc hơn so với nhiệm kỳ trước.
Ở nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump cũng đã công khai ý định mua Greenland, gọi đây là một "giao dịch bất động sản lớn" nhưng bị Đan Mạch bác bỏ thẳng thừng.
Bất chấp những phản đối, cuộc tranh luận về tương lai của Greenland lại bùng lên khi phong trào đòi độc lập ngày càng gia tăng.
Trong bài phát biểu đầu năm mới, nhà lãnh đạo Greenland Mute Egede tuyên bố hòn đảo này nên thoát khỏi "xiềng xích của chủ nghĩa thực dân" - dù không nhắc trực tiếp đến Mỹ, theo CNN.