Vị bộ trưởng khiến Apple ‘toát mồ hôi’, đầu tư 1 tỷ USD vẫn không đủ, sắp phải chuyển cả hoạt động sản xuất iPhone tới Indonesia

Đã là tháng 2/2025 và iPhone 16 vẫn bị cấm bán ở Indonesia vì một người đàn ông.

Vào tháng 12/2024, Apple đã đề xuất khoản đầu tư 1 tỷ USD vào Indonesia để được bãi bỏ lệnh cấm bán đối với iPhone 16. Tổng thống Prabowo Subianto thích ý tưởng này và chỉ đạo ông Airlangga Hartarto - bộ trưởng điều phối kinh tế, hoàn tất thỏa thuận.

Nhưng giờ đã là tháng 2/2025, và iPhone 16 vẫn bị cấm ở quốc gia này vì một người phản đối chính: Agus Gumiwang Kartasasmita - bộ trưởng bộ công nghiệp. Rốt cuộc, chính bộ của ông là đơn vị đã ban hành các quy định về tỷ lệ nội địa hóa - nguyên nhân chính dẫn đến lệnh cấm.

“ĐÁNH ÚP”

Thay đổi vào phút chót của Bộ trưởng Công nghiệp Agus Gumiwang Kartasasmita đã phá vỡ tiến trình đàm phán. Dù trước đó, Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto đã chỉ đạo các lãnh đạo chấp nhận đề xuất đầu tư trị giá 1 tỷ USD của Apple và chấm dứt lệnh cấm.

Quy định hạn chế iPhone được Indonesia ban hành từ tháng 10, do Apple không tuân thủ các quy định sản xuất nội địa đối với smartphone và laptop. Đề xuất đầu tư 1 tỷ USD bao gồm xây dựng một nhà máy tại đảo Batam, sản xuất thiết bị AirTags.

Đồng thời, hãng cũng hỗ trợ tài trợ cho các học viện đào tạo công nghệ giúp sinh viên học các kỹ năng như lập trình. "Táo khuyết" đề xuất xây dựng thêm một nhà máy tại Bandung để sản xuất các loại phụ kiện khác.

Vị bộ trưởng khiến Apple ‘toát mồ hôi’, đầu tư 1 tỷ USD vẫn không đủ, sắp phải chuyển cả hoạt động sản xuất iPhone tới Indonesia- Ảnh 1.

Mặc dù Tổng thống Prabowo đã chấp thuận kế hoạch này vào tháng trước, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Agus Gumiwang Kartasasmita vẫn kiên quyết giữ nguyên lệnh cấm. Ông yêu cầu tập đoàn phải đáp ứng quy định sản xuất nội địa, tức cần chuyển một phần dây chuyển lắp ráp iPhone hoặc các linh kiện.

“Apple phải hiểu rằng: Nhiệm vụ của chúng tôi với tư cách là Bộ Công nghiệp là đàm phán với họ”, ông Kartasasmita cho biết vào tháng 1 sau cuộc họp với các giám đốc điều hành cấp cao của gã khổng lồ công nghệ có trụ sở tại Mỹ. “Người dân Indonesia đang theo dõi chúng tôi”.

Đến ngày hôm qua, nguồn tin của tờ Nikkei cho hay, các nhà cung cấp của Apple đang thực hiện các bước để có thể sản xuất iPhone tại Indonesia khi “nhà Táo” tiếp tục nỗ lực dỡ bỏ lệnh cấm bán dòng điện thoại mới nhất của chính phủ.

Động thái đó, nếu thành hiện thực, sẽ đánh dấu lần đầu tiên Apple sản xuất iPhone tại quốc gia Đông Nam Á này, nơi mà công ty gần như không có hệ sinh thái chuỗi cung ứng. Động thái này cũng sẽ thúc đẩy đáng kể các nỗ lực của Indonesia nhằm tạo việc làm và nâng cao ngành sản xuất công nghệ của mình, vì chuỗi cung ứng iPhone được coi là một trong những chuỗi cung ứng tinh vi nhất đối với thiết bị điện tử tiêu dùng.

Các nguồn tin cho biết Apple đã trao đổi với các nhà cung cấp về tính khả thi của việc thiết lập dây chuyền lắp ráp iPhone cuối cùng tại Indonesia. Đáng nói, đây là một sự thay đổi đáng kể so với chỉ vài tháng trước, trước khi dòng sản phẩm mới nhất của công ty bị cấm tại quốc gia này.

"Một đơn vị lắp ráp iPhone đã thành lập một công ty con tại Batam dành riêng cho Apple và đã bắt đầu tuyển dụng các kỹ sư như một phần của quá trình chuẩn bị", một trong bốn nguồn tin có hiểu biết trực tiếp về vấn đề này cho biết.

Vậy vị bộ trưởng này là ai và tại sao ông lại khiến Apple phải toát mồ hôi?

Tech in Asia đã liên hệ với ông Kartasasmita để xin bình luận, nhưng phía Bộ Công nghiệp vẫn chưa phản hồi cho đến thời điểm bài viết này được đăng tải.

Để hiểu được quan điểm của ông Kartasasmita về Apple, bạn phải tìm hiểu sâu hơn về lý lịch của ông.

Kartasasmita sinh ra ở gia tộc vốn có truyền thống chính trị lâu đời. Cha của ông, Ginandjar, đã giữ chức bộ trưởng ba lần dưới thời Soeharto, người là tổng thống của đất nước từ năm 1967 đến năm 1998.

Một chuyên gia về các vấn đề chính phủ cho biết khi đánh giá lập trường của Kartasasmita về Apple: "Ở Indonesia, những người có xuất thân như vậy vẫn là những chính trị gia có năng lực nhất xét về mặt kỹ thuật".

Sau khi du học tại Mỹ, ông Kartasasmita trở về Indonesia vào giữa những năm 1990. Ông trở thành và hiện vẫn là ủy viên của Asiana Group, một công ty phát triển căn hộ cao cấp do vợ ông, Loemongga Haoemasan, một cựu người mẫu và người dẫn chương trình truyền hình, điều hành. Nhưng đó là tất cả những gì sự nghiệp kinh doanh của Kartasasmita đã trải qua.

Cho tới khi được bầu vào quốc hội năm 1998, ông đã tham gia chính trường kể từ đó. Đến năm 2018, ông là bộ trưởng dưới thời Tổng thống Jokowi khi đó - đầu tiên là xử lý các vấn đề xã hội, sau đó là công nghiệp.

Theo: Nikkei, Financial Times, TechinAsia

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/vi-bo-truong-khien-apple-toat-mo-hoi-dau-tu-1-ty-usd-van-khong-du-sap-phai-chuyen-ca-hoat-dong-san-xuat-iphone-toi-indonesia-a216254.html