Người phụ nữ chia nhà, mời bệnh nhân ung thư đến ở miễn phí

Thấy nhiều bệnh nhân và người nhà chật vật tìm chỗ nghỉ ngơi khi đi khám bệnh, chị Kiều Oanh mua giường chiếu, kê ở tầng một ngôi nhà đang sinh sống cho mọi người tá túc.

cho tam nghi mien phi anh 1

Bệnh nhân và người nhà nằm nghỉ ngơi tại nhà chị Kiều Oanh.

Từ sau Tết, điện thoại của chị Nguyễn Thị Kiều Oanh (sinh năm 1979) thường xuyên nhận được cuộc gọi từ các số lạ, hỏi về "chỗ nghỉ miễn phí" gần Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, huyện Thanh Trì (Hà Nội) và ngỏ ý muốn xin tới nghỉ chân.

Nhanh chóng, chị nhắn lại cụ thể địa chỉ nhà, mô tả cẩn thận đường đi cho những vị khách lạ kèm lời chào mừng. Khi mọi người tới nơi, một chiếc giường sạch sẽ kèm chăn, chiếu đã chờ sẵn.

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, chị Kiều Oanh cho biết chị triển khai mô hình chỗ nghỉ tạm cho bệnh nhân ưng thư và người nhà từ tháng 9/2024, đã đón hàng trăm lượt khách. Thời điểm sau Tết, thông tin về chỗ nghỉ của chị được một số fanpage và dân mạng chia sẻ lại nên chị được nhiều người biết tới và liên hệ hơn.

"Ban đầu, tôi định làm bếp ăn từ thiện, nhưng thấy có nhiều nhà hảo tâm thực hiện rồi. Tôi từng đưa bố mẹ đi khám bệnh, thấy nhiều bệnh nhân và người nhà vạ vật ở hành lang, quanh bệnh viện trong lúc đợi khám chữa hay truyền hóa chất, xót ruột quá, tôi mới nảy ra ý tưởng làm chỗ nghỉ tạm", chị kể.

Căn nhà khang trang của gia đình chị nằm ở ngõ 4 đường Cầu Bươu, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, chỉ cách Bệnh viện K khoảng 800 m. Tầng hai là nơi sinh hoạt của gia đình, tầng một được chị nâng nền nhà cao thêm 50 cm, lát gạch và sơn lại sạch sẽ, tránh ẩm mốc, rồi kê 4 chiếc giường tầng loại lớn, đủ chỗ khoảng 16 người sử dụng cùng lúc.

Ngoài chăn, gối sạch sẽ, chị Oanh cũng luôn chuẩn bị các vật dụng vệ sinh cá nhân như bàn chải đánh răng, khăn mặt cho người đến nghỉ chân.

"Với những bệnh nhân ngoại tỉnh đến khám ở viện vào sáng sớm, họ thường đến chỗ tôi từ tối hôm trước rồi ngủ lại một đêm cho đỡ cập rập và lại sức. Số khác trong lúc đợi kết quả cũng tranh thủ qua ngả lưng buổi trưa. Nói chung, tôi luôn chào đón mọi người vào bất cứ khung giờ nào", chị nói.

Trước khi đưa chỗ nghỉ đi vào hoạt động, chị Oanh đã báo cáo với tổ trưởng tổ dân phố và công an khu vực. Bản thân các vị khách ghé nhà chị cũng ý thức giữ gìn vệ sinh, trật tự.

"Có lần bận công việc, vắng nhà vài ngày, tôi đưa luôn chìa khóa cửa cho mọi người tự ra vào. Khi về đến nơi, tôi thấy mọi người đã bảo ban nhau quét dọn sạch sẽ, chuẩn bị cho những người đến sau, ấm lòng lắm", chị chia sẻ.

Vì không gian gia đình có hạn, chị Oanh buộc phải từ chối những người muốn xin ở lâu dài. Một phần chị muốn ưu tiên làm nơi cho mọi người nghỉ chân vài buổi, vài ngày, một phần cơ sở vật chất chưa thể đáp ứng. Trong tương lai, chị ấp ủ cải tạo không gian sau nhà rộng khoảng 30 m2, đặt thêm 6 giường tầng để cho mọi người tá túc.

Biết được việc làm ý nghĩa của chị, nhiều nhà hảo tâm ngỏ ý muốn quyên góp tiền hỗ trợ, song chị nhiều lần từ chối.

"Tôi làm xuất phát từ cái tâm, giúp đỡ trong khả năng của mình chứ không đứng lên kêu gọi tiền. Nếu gặp trường hợp nào khó khăn quá, tôi sẽ kết nối họ với mạnh thường quân để nhận sự trợ giúp. Tuy nhiên, với những vật dụng như khăn mặt, dầu gội, kem đánh răng, bàn chải, tôi sẵn lòng nhận để các bệnh nhân, người nhà sử dụng", chị chia sẻ.

Sách chữa lành tại Việt Nam

Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/nguoi-phu-nu-chia-nha-moi-benh-nhan-ung-thu-den-o-mien-phi-a218271.html