'Trò chơi con mực' đẩy người nổi tiếng Hàn Quốc vào con đường tự sát

Cái chết của nữ diễn viên Kim Sae Ron một lần nữa dấy lên tranh luận về áp lực mà người nổi tiếng Hàn Quốc phải đối mặt cũng như sức khỏe tinh thần của họ.

Diễn viên Kim Sae Ron qua đời ở tuổi 25. Ảnh: News1.

Ngày 21/2, nhà báo người Hàn Quốc Yang Sung Hee đặt một câu hỏi dường như không ai có câu trả lời: "Khi nào thì điều này sẽ kết thúc? Còn bao nhiêu sinh mạng phải ra đi nữa trước khi vòng luẩn quẩn bi thảm này bị phá vỡ?".

Câu hỏi của Yang, được nêu trong bài viết trên tờ Korea JoongAng Daily, chỉ là một trong nhiều câu hỏi được nêu ra kể từ khi nữ diễn viên Kim Sae Ron được phát hiện qua đời tại nhà riêng ở Seoul hôm 16/2. Cảnh sát dự định xử lý vụ việc theo hướng tự sát. Cô qua đời khi mới 25 tuổi.

Trước đó, tháng 5/2022, Kim Sae Ron, vốn là sao nhí nổi tiếng xứ kim chi, bị buộc tội lái xe khi say rượu ở Seoul, đâm vào lan can, cây và máy biến áp nhiều lần trước khi bỏ trốn khỏi hiện trường.

Kim nhanh chóng đăng thư tay xin lỗi lên Instagram và nộp phạt 200 triệu won (139.000 USD). Cô được cho đã bồi thường cho hàng chục cửa hàng bị mất điện tạm thời sau vụ việc.

Động thái này có thể xoa dịu các chủ cửa hàng, nhưng không ngăn chặn được làn sóng chỉ trích, cả trên mạng và trên phương tiện truyền thông.

Những nạn nhân

Theo The Guardian, cái chết của nữ diễn viên làm dấy lên mối lo ngại về áp lực đè nặng lên những nghệ sĩ trẻ, những người đã góp phần biến Hàn Quốc thành một siêu cường văn hóa: luyện tập không ngừng nghỉ và hạn chế mọi thứ, từ hẹn hò, giao lưu đến lượng calo nạp vào và hoạt động trên mạng xã hội.

nguoi noi tieng tu sat anh 1

Kim Sae Ron bị truyền thông theo sát mọi lúc, đặc biệt sau scandal. Ảnh: Newsis.

Những kênh YouTube bàn tán chuyện người nổi tiếng đã đăng các video tiêu cực về cuộc sống riêng tư của Kim. Thông qua bài đăng xã hội của Kim, một số YouTuber chỉ ra rằng cô vẫn giao lưu với bạn bè như bằng chứng cho thấy cô không tỏ ra hối lỗi.

Sự nghiệp của Kim cũng lao dốc không phanh. Hầu hết cảnh quay của cô trong loạt phim "Bloodhounds" của Netflix năm 2023 đã bị cắt bỏ và cô buộc phải rút lui khỏi bộ phim truyền hình "Trolley".

Kim cố gắng xây dựng lại cuộc sống bằng cách làm thêm tại một quán cà phê - điều khiến cô bị cáo buộc là phóng đại việc gặp khó khăn tài chính.

Kim là cái tên mới nhất trong danh sách dài những người nổi tiếng Hàn Quốc tự tử khi đang phải chịu sự giám sát chặt chẽ của công chúng, làm dấy lên cuộc tranh luận về mức độ riêng tư mà họ có thể tận hưởng, tránh xa sự chú ý của giới truyền thông và tác động của điều này đến sức khỏe tâm thần của họ.

Những nạn nhân khác bao gồm nam diễn viên phim "Ký sinh trùng" Lee Sun-kyun, người tự tử vào năm 2023; ngôi sao điện ảnh Choi Jin-sil, người qua đời vào năm 2008; tiếp theo là chồng cũ cô, ngôi sao bóng chày Cho Sung-min vào năm 2013. Những ca sĩ như Sulli và Goo Hara chọn kết thúc cuộc sống vào năm 2019; hay cái chết năm 2017 của Kim Jong-hyun, ca sĩ chính của nhóm nhạc nam SHINee, làm chấn động thế giới giải trí.

Áp lực luôn phải xuất hiện hoàn hảo

Những người nổi tiếng ở Hàn Quốc, đặc biệt là phụ nữ, cảm thấy khó tìm việc sau khi dính bê bối liên quan đến pháp luật. Nhiều người cũng không muốn điều trị các vấn đề sức khỏe tâm thần vì sợ kéo theo nhiều tin tức tiêu cực hơn.

"Xã hội Hàn Quốc đã trở thành một 'Trò chơi con mực' khổng lồ", Peter Jongho Na, phó giáo sư khoa tâm thần tại Đại học Yale, nhận xét, nhắc đến bộ phim nổi tiếng của xứ củ sâm.

Ông nói thêm: "Những người mắc lỗi hoặc tụt lại phía sau sẽ bị loại bỏ một cách tàn nhẫn mà không cho họ cơ hội để phục hồi, như thể chưa có chuyện gì xảy ra. Những người nổi tiếng chịu áp lực rất lớn để luôn phải xuất hiện hoàn hảo mọi lúc".

nguoi noi tieng tu sat anh 2

Goo Hara là một trong những người nổi tiếng tự sát vì áp lực, bị bắt nạt trên mạng. Ảnh: Allkpop.

Sangchin Chun, giáo sư xã hội học tại Đại học Sogang, chỉ ra một điểm đặc biệt trong văn hóa người hâm mộ Hàn Quốc.

Ông cho biết: “Những ngôi sao thể thao và người nổi tiếng về cơ bản là những người bạn có thể thoải mái tấn công mà không phải đối mặt với bất kỳ sự phản kháng nào. Có một sự tương phản rõ rệt - các tập đoàn hoặc chính trị gia quyền lực có thể trả đũa về mặt pháp lý hoặc kinh tế, nhưng những người nổi tiếng là mục tiêu dễ bị tổn thương. Khi họ mắc những lỗi nhỏ, mọi người sẽ tấn công họ một cách không thương tiếc”.

Cái chết của Kim đã thúc đẩy sự tự vấn trong một số bộ phận truyền thông, khi một số tờ báo đăng tải bài viết chỉ trích hành vi bắt nạt trực tuyến nhắm vào nữ diễn viên và những nhân vật giải trí khác.

Liên minh Công dân và Truyền thông Dân chủ Hàn Quốc, một tổ chức giám sát truyền thông địa phương chuyên theo dõi các hoạt động đưa tin, đổ lỗi phần lớn cho truyền thông truyền thống vì đăng các bài đưa tin "giật gân và khiêu khích".

nguoi noi tieng tu sat anh 3

Hàn Quốc vẫn chưa giải quyết được tình trạng bắt nạt người nổi tiếng trên mạng sau những cái chết như của ca sĩ Sulli và nhiều nghệ sĩ khác. Ảnh: Naver.

"Hầu hết cơ quan truyền thông đều đi đầu trong việc thúc đẩy những lời chỉ trích nhắm vào Kim Sae Ron khi cô vẫn còn sống và khuyến khích nội dung đồn thổi trên YouTube cùng các bình luận ác ý", tổ chức này cho biết trong một tuyên bố, đồng thời lưu ý rằng nhiều cơ quan truyền thông vẫn tiếp tục khai thác Kim để câu view ngay cả sau khi cô qua đời.

Môi trường truyền thông này tạo ra áp lực tâm lý to lớn lên người nổi tiếng với rất ít con đường hỗ trợ.

“Phương tiện truyền thông cần hiểu rằng những người nổi tiếng cũng dễ bị xấu hổ, giống như bất kỳ người bình thường nào. Hoặc thậm chí họ còn dễ bị tổn thương hơn, khi xét đến tỷ lệ tự tử cao trong nhóm này”, phó giáo sư Peter Jongho Na nói.

Lời kêu gọi sẽ hạn chế việc bắt nạt trực tuyến đối với người nổi tiếng sau cái chết của Sulli và Goo Hara cho đến nay vẫn chưa có kết quả. Các đề xuất như yêu cầu người dùng mạng xã hội sử dụng tên thật và tăng cường khả năng của các trang web trong việc loại bỏ ngôn từ kích động thù địch và thông tin sai lệch vẫn chưa được đưa vào luật.

Để ứng phó, một số công ty giải trí Hàn Quốc, bao gồm Hybe, đơn vị quản lý nhóm nhạc BTS, đã bắt đầu có hành động pháp lý để bảo vệ nghệ sĩ của mình khỏi nạn bắt nạt trên mạng. Heo Chanhaeng, giám đốc điều hành tại Trung tâm Trách nhiệm Truyền thông và Nhân quyền, muốn các cơ quan tin tức và trang web khóa phần bình luận dưới các mục giải trí.

Phó giáo sư Peter Jongho Na nhận xét: “Hàn Quốc đã phớt lờ cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần này trong nhiều thập kỷ”, đồng thời chỉ ra sự kỳ thị còn phổ biến đối với các rối loạn sức khỏe tâm thần và cách điều trị chúng.

Năm ngoái, Kim đã cố gắng cứu vãn sự nghiệp của mình. Cô đã giành được một vai trong phim "Guitar Man", dự án về nhạc sĩ thiên tài tham gia một ban nhạc underground. Đây cũng sẽ là bộ phim cuối cùng của cô.

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/tro-choi-con-muc-day-nguoi-noi-tieng-han-quoc-vao-con-duong-tu-sat-a218595.html