Nghiên cứu bỏ cấp huyện: Những đề án phát triển huyện lên quận ra sao?

Theo GS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, khi có định hướng của Bộ Chính trị về việc nghiên cứu bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện), các cấp thẩm quyền sẽ tiến hành xem xét với các đề án xây dựng phát triển huyện lên quận của một số thành phố, trong đó có TP Hà Nội.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong , GS Trần Ngọc Đường , nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, định hướng của Bộ Chính trị về việc nghiên cứu bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện) liên quan đến quy định trong Hiến pháp.

"Hiến pháp có quy định 3 cấp chính quyền, tỉnh, huyện, xã. Nếu bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện) , cần phải sửa Hiến pháp. Nếu sửa 1 - 2 điều của Hiến pháp có thể xử lý được ngay. Quốc hội có thể ban hành nghị quyết để tiến hành sửa. Khi sửa quy định rồi, trên cơ sở thực tiễn có thể tiến hành nghiên cứu việc bỏ cấp hành chính trung gian", ông Đường nói.

Tuy nhiên, theo ông Đường, nếu sửa Hiến pháp ở một mức độ lớn hơn, cần thực hiện theo quy trình rất chặt chẽ, phức tạp, bởi liên quan đến đạo luật gốc của quốc gia, "không thể làm tuỳ tiện".

Nghiên cứu bỏ cấp huyện: Những đề án phát triển huyện lên quận ra sao?- Ảnh 1.

GS Trần Ngọc Đường. Ảnh: PV.

Trước vấn đề, khi bỏ cấp hành chính cấp huyện, liệu có thể nghiên cứu việc mở rộng địa giới hành chính cấp xã, ông Đường nhấn mạnh rằng, phải căn cứ vào thực tiễn. Không thể duy ý chí, nói rằng, do đã bỏ cấp huyện thì cấp xã được tổ chức lại với địa giới to hơn. Theo ông Đường, vừa qua đã tiến hành sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp xã, việc này cần nghiên cứu tiếp để có quyết định phù hợp khi bỏ cấp huyện. Trung ương, các cơ quan chuyên môn phải nghiên cứu rất kỹ vấn đề này.

Về câu hỏi, ví dụ như hiện nay, thành phố Hà Nội đang lập đề án lên quận cho một số huyện, khi có chủ trương bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện) sẽ tác động đến những đề án này như thế nào, ông Đường phân tích, Bộ Nội vụ sẽ có nghiên cứu, tham mưu cho cấp có thẩm quyền. "Việc tạm dừng hay tiếp tục tiến hành các đề án này phụ thuộc chủ trương chung của Đảng. Nếu bây giờ nói dừng ngay thì cũng chưa có cơ sở", ông Đường nói.

Liên quan vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tiền Phong , PGS.TS Vũ Văn Phúc - nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh, chủ trương bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện) là "cần thiết", bởi sẽ giảm các tầng nấc trung gian, làm cho chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước xuống thẳng cơ sở, không cần qua cấp trung gian (cấp huyện) nữa.

Theo ông Phúc, việc bỏ cấp huyện cũng nằm trong "cuộc cách mạng" tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy hiện nay để bớt tầng nấc trung gian, giúp việc thực hiện các chủ trương, đường lối được nhanh chóng, kịp thời hơn, tiếp cận nhanh hơn đến người dân doanh nghiệp. "Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay, đòi hỏi phải nắm bắt, chớp thời cơ, tận dụng cơ hội để phát triển", ông Phúc nêu thêm.

Một lý do nữa, theo ông Phúc, việc bỏ cấp huyện cũng là cơ hội để cắt giảm, tiết kiệm chi phí, giảm nguồn lực vào bộ máy hành chính, tập trung nguồn lực cho việc đầu tư phát triển đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Với việc nghiên cứu sáp nhập một số tỉnh, thành , ông Phúc nêu ví dụ, ở Trung Quốc, dù diện tích và dân số lớn hơn Việt Nam gấp nhiều lần, họ có ít tỉnh, thành hơn Việt Nam. Việc Việt Nam duy trì 63 tỉnh, thành phố là khá nhiều. Do đó, cần nghiên cứu những địa phương có nhiều điểm tương đồng với nhau về điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán, về điều kiện phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng... tiến hành sáp nhập để tạo điều kiện phát triển.

"Không gian phát triển rất quan trọng, nếu hợp nhất được một số tỉnh thì tạo không gian phát triển tốt hơn, tập trung nguồn lực tốt hơn để phát triển. Đó là điều cần thiết phải làm, nhất là trong bối cảnh chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Có chủ trương rồi, theo tôi nên tiến hành sớm", ông Phúc nêu quan điểm.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/nghien-cuu-bo-cap-huyen-nhung-de-an-phat-trien-huyen-len-quan-ra-sao-a218774.html