'Lên đời' sân bay tại tỉnh lớn nhất Việt Nam để đón siêu tàu bay Boeing 787, công suất 14 triệu khách/năm

Sân bay này sẽ được nâng cấp mạnh mẽ về hạ tầng, công suất khai thác và khả năng tiếp nhận các loại tàu bay lớn hơn.

Nâng cấp toàn diện Cảng hàng không quốc tế Vinh

Bộ GTVT cách đây vài ngày đã ban hành Quyết định số 201/QĐ-BGTVT phê duyệt Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Vinh (Nghệ An) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo nội dung Quy hoạch, thời kỳ 2021-2030, Cảng hàng không quốc tế Vinh có cấp sân bay 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế -ICAO), công suất khoảng 8 triệu hành khách/năm và 25.000 tấn hàng hóa/năm. 

Loại tàu bay khai thác là tàu bay code C như A320/A321 và tương đương, tàu bay code E như B747/B777/B787/A350 và tương đương.

Về hệ thống đường cất hạ cánh, quy hoạch kéo dài đường cất hạ cánh hiện hữu về phía đầu 17 đạt kích thước 3.000 m x 45 m, cũng như kích thước lề vật liệu theo quy định.

'Lên đời' sân bay tại tỉnh lớn nhất Việt Nam để đón siêu tàu bay Boeing 787, công suất 14 triệu khách/năm- Ảnh 1.

Cảng hàng không quốc tế Vinh. Ảnh: Báo GD &TĐ

Mở rộng sân đỗ máy bay hiện hữu đáp ứng khoảng 15 vị trí đỗ tàu bay code C. Quy hoạch sân đỗ máy bay khu vực nhà ga hành khách T2 đáp ứng khoảng 10 vị trí đỗ tàu bay.

Tầm nhìn đến năm 2050, Cảng hàng không quốc tế Vinh có công suất khoảng 14 triệu hành khách/năm và 35.000 tấn hàng hóa/năm. Sân bay khai thác tàu bay code C như A320/A321 và tương đương, tàu bay code E như B747/B777/B787/A350 và tương đương.

Trong đó, Boeing 787-10 là một trong những phiên bản máy bay thế hệ mới và hiện đại nhất trong "gia đình" máy bay thân rộng của tập đoàn Boeing. Đây cũng là máy bay chở khách có kích thước lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Giai đoạn đến năm 2050, sẽ quy hoạch đường cất hạ cánh số 2 với kích thước 3.000 m x 45 m, hướng 02-20 về phía Đông đường cất hạ cánh hiện hữu, kích thước lề vật liệu theo quy định.

Cùng đó, quy hoạch đường lăn song song số 3 cách tim đường cất hạ cánh số 2 về phía Tây khoảng 180 m; quy hoạch hệ thống đường lăn nối, đường lăn thoát nhanh đồng bộ để kết nối giữa đường lăn song song với đường cất hạ cánh, sân đỗ; kích thước lề vật liệu theo quy định.

Mở rộng sân đỗ tàu bay khu vực nhà ga hành khách T2 đáp ứng khoảng 29 vị trí đỗ tàu bay; dự trữ để mở rộng khi có nhu cầu.

Ý nghĩa chiến lược của sân bay Vinh đối với Nghệ An và khu vực Bắc Trung Bộ

Nghệ An hiện là tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam. Với tổng diện tích khoảng 16.490 km², Nghệ An chiếm khoảng 5% diện tích cả nước. Tỉnh này nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, giáp với các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, và có bờ biển dài trên 80 km.

Sân bay quốc tế Vinh là Cảng hàng không quốc tế thuộc thành phố Vinh, Nghệ An. Đây là một trong những sân bay có tiềm năng phát triển cực kỳ nhanh chóng, đóng góp hiệu quả vào việc phát triển kinh tế, du lịch của Nghệ An cũng như các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ. 

Sân bay này nằm ở khu vực là trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của khu vực Bắc Trung Bộ và là cửa ngõ quan trọng trong đầu mỗi kinh tế giữa Thái Lan, Lào, Myanmar và Việt Nam.

Được khởi công vào tháng 4/2014, công trình sân bay này do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam làm chủ đầu tư với chi phí lên đến gần 1.200 tỷ đồng. Nơi này sở hữu đường cất cánh dài 2400m, rộng 45m. Sân có thể đỗ máy bay có diện tích 38.438 m2 cho 7 vị trí khác nhau.

'Lên đời' sân bay tại tỉnh lớn nhất Việt Nam để đón siêu tàu bay Boeing 787, công suất 14 triệu khách/năm- Ảnh 2.

Hành khách tại sân bay Vinh. Ảnh: Báo Nghệ An

Nhà ga hành khách tại đây hiện nay có 1 nhà ga hành khách đến và đi. Sở hữu với tổng diện tích sử dụng là 11.706m2 được phân chia rõ ràng với 2 tầng cùng những chức năng khác nhau, phục vụ nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa của khách hàng. Hàng năm, sân bay Vinh có công suất phục vụ khách hàng tương đối lớn với hơn 2 triệu khách/ năm. 

Với lợi thế gần nhiều khu du lịch nổi tiếng hay các khu di tích lịch sử, sân bay Vinh có vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh phát triển du lịch không chỉ cho Nghệ An mà còn cho các tỉnh lân cận. Việc dễ dàng di chuyển từ các thành phố lớn sẽ thu hút khách du lịch quốc tế và trong nước đến thăm khu vực này.

Trong tương lai, nếu tiếp tục được cải tạo và tiến hành nâng cấp như quy hoạch, nơi đây sẽ đóng vai trò như một trung tâm trung chuyển hàng không hiện đại nhận hàng trăm lượt bay trong và ngoài nước mỗi ngày. 

Định hướng tương lai gần, sân bay Vinh sẽ phát triển mở rộng thêm một số đường bay quốc tế tới Thái Lan, Lào, Campuchia, Đài Loan,… để thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế, xã hội.

Với sự phát triển của sân bay quốc tế trên địa bàn, Nghệ An sẽ củng cố vị thế, trở thành một trong những trung tâm kinh tế quan trọng của miền Trung, không chỉ giúp thúc đẩy giao thương nội vùng mà còn tăng cường các mối quan hệ kinh tế với các tỉnh phía Bắc và phía Nam. 


Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/len-doi-san-bay-tai-tinh-lon-nhat-viet-nam-de-don-sieu-tau-bay-boeing-787-cong-suat-14-trieu-khachnam-a218871.html