Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sởi.
Theo đó, sởi lây qua đường không khí, giọt bắn hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết hô hấp. Các triệu chứng điển hình bao gồm sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc hoặc tiêu chảy, thậm chí tử vong.
Chẩn đoán bệnh sởi thường dựa vào xét nghiệm kháng thể IgM, trong đó 50-70% trường hợp dương tính ngay từ ngày đầu phát ban và đạt 100% sau 3 ngày phát ban.
Vaccine sởi có hiệu quả phòng bệnh cao (Ảnh: N.P).
Diễn biến lâm sàng thể điển hình qua 4 giai đoạn:
- Giai đoạn ủ bệnh kéo dài từ 7 đến 21 ngày (trung bình 10 ngày), triệu chứng xuất hiện sau khi phơi nhiễm 10-14 ngày.
- Giai đoạn khởi phát (giai đoạn viêm long), trong 2 - 4 ngày. Trong giai đoạn này người bệnh sốt cao, viêm long đường hô hấp trên (ho, chảy mũi) và viêm kết mạc. Có thể thấy hạt Koplik là các hạt nhỏ có kích thước 0,5-1 mm màu trắng/xám có quầng ban đỏ nổi gồ lên trên bề mặt niêm mạc má (phía trong miệng, ngang răng hàm trên).
- Giai đoạn toàn phát, kéo dài 2-5 ngày. Thường sau khi sốt cao 3-4 ngày người bệnh bắt đầu phát ban dạng dát sẩn, khi căng da thì ban biến mất, xuất hiện từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ dần lan đến thân mình và tứ chi, cả ở lòng bàn tay và gan bàn chân.
Ban có thể hợp lại đặc biệt là ở vùng mặt và thân mình. Khi ban mọc hết toàn thân thì thân nhiệt giảm dần.
- Giai đoạn hồi phục: Ban nhạt màu dần rồi sang màu xám, bong vảy phấn sẫm màu, để lại vết thâm vằn da hổ và biến mất theo thứ tự như khi xuất hiện. Nếu không xuất hiện biến chứng thì bệnh tự khỏi. Người bệnh có thể có ho kéo dài 1-2 tuần sau khi hết ban.
Ở thể không điển hình, người bệnh có thể sốt nhẹ thoáng qua, viêm long nhẹ và phát ban ít, toàn trạng tốt. Thể này dễ bị bỏ qua, dẫn đến lây lan bệnh cho mọi người xung quanh mà không biết. Người bệnh cũng có thể sốt cao liên tục, phát ban không điển hình, phù nề tứ chi, đau mỏi toàn thân, thường có viêm phổi nặng kèm theo.
Yếu tố nguy cơ bệnh diễn tiến nặng gồm:
- Trẻ dưới 12 tháng tuổi.
- Người chưa tiêm phòng vaccine hoặc tiêm không đầy đủ.
- Suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải.
- Bệnh nền nặng.
- Suy dinh dưỡng nặng.
- Thiếu vitamin A.
- Phụ nữ mang thai.
Hướng dẫn điều trị này tập trung vào xét nghiệm chẩn đoán, so với lần trước có bổ sung thêm "Nếu xét nghiệm IgM sởi âm tính mà triệu chứng lâm sàng vẫn nghi ngờ sởi thì có thể làm lại lần 2 sau 72 giờ, hoặc chỉ định PCR sởi qua bệnh phẩm dịch tỵ hầu".
Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận rải rác 42.488 trường hợp nghi sởi tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 4.027 trường hợp dương tính với sởi. Số trường hợp nghi sởi ghi nhận cao nhất tại khu vực miền Nam (54,9%), miền Trung (20%), miền Bắc (16,4%), Tây Nguyên (8,7%).
Một số tỉnh, thành phố có số mắc xu hướng tăng cao như: Đà Nẵng, Gia Lai, Đồng Tháp, An Giang, Nghệ An, Cao Bằng…
Một số tỉnh có số mắc thấp, tuy nhiên cần chú ý giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, không để lây lan trong cộng đồng như: Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Quảng Trị, Ninh Bình, Phú Thọ, Bắc Kạn…
Bộ Y tế nhận định đa số trường hợp mắc bệnh ở nhóm trẻ em từ 9 tháng tuổi đến dưới 15 tuổi (chiếm khoảng 73%). Đa phần bệnh nhân mắc sởi đều không được tiêm vaccine phòng bệnh sởi hoặc không rõ về tình trạng tiêm chủng (chiếm hơn 95%).
Bệnh ghi nhận chủ yếu ở các thành phố lớn, di biến động dân cư cao, tuy nhiên đã có xu hướng gia tăng tại các tỉnh miền núi.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/dau-hieu-nhan-biet-benh-soi-a226362.html