Tăng 10kg sau 2 tuần ăn uống vô tội vạ, nam thanh niên nhập viện cấp cứu

() - Nam thanh niên 28 tuổi ở Hà Nội, nặng 175kg nhập viện trong tình trạng khó thở, suy tim, hai chân phù to, không thể tự đi lại. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ.

Ngày 3/4, Bệnh viện Nội tiết Trung ương thông tin về trường hợp bệnh nhân béo phì, ngưng thở khi ngủ vừa được cấp cứu, điều trị tại viện.

Theo đó, nam bệnh nhân T.T.Đ. (28 tuổi, Hà Nội) nặng 175kg được người nhà đưa đi cấp cứu vì khó thở, suy tim, phù chân.

Khai thác tiền sử bệnh, Đ. được chẩn đoán béo phì, gout mạn từ 10 năm trước. Đặc biệt, 2 tuần trước thời điểm vào viện, Đ. tăng cân không kiểm soát, tăng hơn 10kg do ăn uống vô tội vạ, sử dụng nhiều các đồ uống ngọt (trà sữa, nước ngọt…).

ThS.BS Nguyễn Đăng Quân, Phó Trưởng khoa Điều trị tích cực cho biết, ngoài các bệnh lý chuyển hóa bệnh nhân mắc cũ, kết quả chẩn đoán còn ghi nhận bệnh nhân mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ.

Tăng 10kg sau 2 tuần ăn uống vô tội vạ, nam thanh niên nhập viện cấp cứu - 1

Hội chứng ngưng thở khi ngủ thường gặp ở người thừa cân, béo phì (Ảnh minh họa: Getty).

"Hội chứng này thường gặp ở những bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh tim mạch, rối loạn chuyển hóa như: béo phì, gout, đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, suy tim, tai biến mạch máu não…", bác sĩ Quân cho biết.

Theo bác sĩ Quân, ở người thừa cân, béo phì, lượng mỡ được phân bố nhiều xung quanh khu vực đường hô hấp trên dẫn tới hẹp đường thở. Điều này đã góp phần làm tăng chèn ép đường thở khi ngủ.

Ngoài ra, lượng mỡ tập trung tại vùng ngực và vùng bụng cũng là nguyên nhân làm giảm dung tích phổi và làm tăng nhu cầu oxy. Do đó, ngưng thở khi ngủ tắc nghẽn là bệnh thường gặp nhất đặc biệt là những bệnh nhân thừa cân và béo phì.

"Hội chứng ngưng thở rất nguy hiểm. Người bệnh có thể gặp tình trạng mệt mỏi, khó tập trung, lo âu, trầm cảm, dễ trở nên cáu gắt, kích động trong các tình huống không mong muốn. 

Ngoài ra, ngưng thở khi ngủ có thể dẫn đến các bệnh lý rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, rối loạn lipid máu, các bệnh lý thần kinh như Alzheimer,

"Nguy hiểm hơn, hội chứng này cũng có thể dẫn đến tình trạng tăng nguy cơ bệnh tim mạch như tăng huyết áp kháng trị, rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, đột tử trong đêm", bác sĩ Quân nói.

Hội chứng ngưng thở khi ngủ có nhiều dấu hiệu cảnh báo gồm:

- Ngủ ngáy:

Đây là dấu hiệu phổ biến nhất. Bệnh nhân có những cơn ngưng thở về đêm, thở phì phò, hổn hển sau kỳ ngưng thở. Bệnh nhân ngáy to nhất khi nằm ngửa, giảm khi nằm nghiêng. Thế nhưng, nhiều người chủ quan cho rằng, ngáy là chuyện bình thường, gặp phổ biến ở nam giới.

- Mệt mỏi cả ngày:

Người bị ngưng thở khi ngủ thường mệt mỏi, khó tập trung trong công việc, suy giảm trí nhớ, thay đổi tính tình, dễ cáu gắt.

- Buồn ngủ vào ban ngày:

Bệnh nhân có thể ngủ trong khi đang làm việc, thậm chí khi đang lái xe.

- Đau đầu khi thức dậy:

Triệu chứng này thường xảy ra, do bị giảm nồng độ oxy não trong đêm, do bị cơn ngưng thở khi ngủ.

Theo bác sĩ Quân, một số triệu chứng ngưng thở lúc ngủ do tắc nghẽn có thể nhầm lẫn với các bệnh lý khác nên không được nhận biết sớm, không rõ ràng và thường bị bỏ qua.

Bác sĩ khuyến cáo, với những người béo phì, người ngủ ngáy to, hay có một trong những biểu hiện trên, nên đi khám sớm để được phát hiện, can thiệp kịp thời.

Do đó, người bệnh đái tháo đường nói riêng và các người bệnh có nguy cơ nói chung cần đi khám bệnh để phát hiện sớm hội chứng này nhằm hạn chế những tai biến không đáng có.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/tang-10kg-sau-2-tuan-an-uong-vo-toi-va-nam-thanh-nien-nhap-vien-cap-cuu-a228107.html