Tìm được "kho báu" rừng xanh: Singapore tung mục tiêu lớn; dự báo nhu cầu thế giới tăng 100 lần vào 2050

Singapore đang có tham vọng rất lớn trong lĩnh vực mà rất nhiều nước trên thế giới theo đuổi.

Singapore đang tích cực phát triển thị trường carbon của mình để đạt được mục tiêu chiến lược trở thành Trung tâm toàn cầu cho giao dịch carbon. 

Bằng cách phát triển quan hệ đối tác chặt chẽ và đảm bảo các tiêu chuẩn cao, quốc gia có GDP hàng đầu Đông Nam Á này đang thu hút đầu tư và thúc đẩy đổi mới trong phát triển bền vững.

Hội đồng Phát triển Kinh tế của Singapore ước tính sáng kiến này có thể tạo ra giá trị kinh tế là 4,1 tỷ USD. Điều này cho thấy giao dịch carbon có thể đóng vai trò là một chiến lược môi trường và là một cơ hội kinh tế lớn.

 Khai thác "kho báu" từ rừng xanh

Một bước quan trọng theo hướng này (trở thành Trung tâm toàn cầu cho giao dịch carbon) là cuộc đấu thầu tín chỉ carbon đầu tiên của Quốc đảo Sư Tử, thu hút khoảng 1 tỷ USD tiền đấu thầu.

Vào tháng 9 năm 2024, Singapore đã trở thành tiêu điểm với đợt đấu thầu tín chỉ carbon đầu tiên. Chính phủ đặt mục tiêu mua ít nhất 500.000 tín chỉ carbon có nguồn gốc từ thiên nhiên, giúp bù đắp lượng khí thải CO2 tương đương.

Tín chỉ carbon dựa trên thiên nhiên đến từ các dự án phục hồi rừng, bảo vệ hệ sinh thái hoặc thúc đẩy nông nghiệp bền vững.

Tìm được "kho báu" rừng xanh: Singapore tung mục tiêu lớn; dự báo nhu cầu thế giới tăng 100 lần vào 2050- Ảnh 1.

Tòa Marina One tại trung tâm Marina Bay. Ảnh: Justcoglobal

Cuộc đấu thầu thu hút sự quan tâm đáng kể, với 17 hồ sơ dự thầu có tổng giá trị khoảng 1 tỷ đô la Mỹ. Giá thầu cao nhất đến từ Trafigura Group, một công ty giao dịch hàng hóa toàn cầu có trụ sở tại Singapore.

Những nhà thầu lớn khác bao gồm Mercuria Asia Resources, DNZ ClimateTech, Shell và PetroChina.

Những cuộc đấu thầu này cho thấy nhu cầu ngày càng tăng đối với tín chỉ carbon như một công cụ để chống lại biến đổi khí hậu. 

Trên toàn cầu, nhu cầu đối với các khoản tín chỉ này có thể tăng 100 lần vào năm 2050, theo ước tính của McKinsey & Company. Các công ty và chính phủ coi giao dịch carbon là một phương pháp để bù đắp lượng khí thải. Nó cũng giúp tài trợ cho các dự án môi trường.

Một số loại dự án tín chỉ carbon chính bao gồm:

Tái trồng rừng: Trồng cây để hấp thụ CO2 từ khí quyển.

Bảo tồn rừng: Bảo vệ rừng để ngăn chặn việc giải phóng CO2.

Nông nghiệp bền vững: Sử dụng các phương pháp canh tác giúp giảm phát thải và cải thiện sức khỏe đất.

Singapore đã sớm nhận ra, các dự án này không chỉ nhằm mục đích bảo vệ môi trường mà còn góp phần tạo việc làm, cải thiện chất lượng không khí và đa dạng sinh học.

Mục tiêu khí hậu quốc gia của Singapore là cam kết cắt giảm lượng khí thải nhà kính xuống còn 60 triệu tấn vào năm 2030. Tham vọng này giúp họ duy trì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 - một trong những lộ trình mà rất nhiều quốc gia trên thế giới cam kết thực hiện nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu.

Để đạt được mục tiêu năm 2030, nước này sẽ cần phải bù đắp khoảng 2,51 triệu tấn CO2 tương đương mỗi năm từ năm 2021 đến năm 2030.

Những nỗ lực về tín chỉ carbon của Singapore vẫn đang trong giai đoạn đầu nhưng cho thấy tiềm năng to lớn. Chính phủ nước này có kế hoạch sẽ mở một cuộc đấu thầu khác vào cuối năm 2025 để mua thêm tín chỉ dựa trên thiên nhiên. Singapore cũng đang đàm phán với hơn 15 quốc gia khác để thiết lập các thỏa thuận mới.

Những sáng kiến này nêu bật cam kết của Singapore trong việc đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Bằng cách tận dụng quan hệ đối tác quốc tế và giao dịch carbon, quốc gia này đang mở đường cho một tương lai bền vững hơn.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/tim-duoc-kho-bau-rung-xanh-singapore-tung-muc-tieu-lon-du-bao-nhu-cau-the-gioi-tang-100-lan-vao-2050-a228136.html