"Suy nghĩ nhiều, dễ tổn thương nên tốt nhất là không yêu".
"Khi xung quanh toàn tình yêu xấu xí, thật khó để tin vào happy ending".
Những bình luận này xuất hiện dưới một video TikTok thảo luận về cách drama tình ái trên mạng xã hội đang làm lung lay niềm tin vào tình yêu và hôn nhân của giới trẻ.
Trao đổi với Tri Thức - Znews, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hải Uyên, chuyên viên tham vấn tâm lý, ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết mạng xã hội hoạt động như một “lăng kính phóng đại”, biến những câu chuyện đời tư tình cảm thành nội dung giật gân, dễ gây kích động. Đồng thời, tâm lý FOMO (sợ bị bỏ lỡ) khiến các chủ kênh liên tục cập nhật tin tức, vô tình khắc sâu những câu chuyện tiêu cực trong tâm trí người xem.
Những nội dung này thường xoay quanh phản bội, thao túng và tranh cãi, từ đó ảnh hưởng đến cách nhìn về tình yêu. Một số người trở nên quá cảnh giác, đặt ra tiêu chuẩn yêu đương phi thực tế. Số khác lại chấp nhận hành vi độc hại, coi đó là chuyện bình thường trong tình cảm.
Dần sợ yêu
Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024, được Tổng cục Thống kê công bố hôm 6/1, cho thấy tuổi kết hôn trung bình lần đầu của người Việt ngày càng muộn, tăng 2,1 tuổi so với năm 2019. Nam giới kết hôn ở tuổi bình quân 29,4, muộn hơn 4,2 năm so với nữ giới ở tuổi 25,2. Phụ nữ ở thành thị kết hôn muộn đáng kể, bình quân 26,8 tuổi so với 24,1 ở nông thôn.
Riêng TP.HCM, tuổi kết hôn trung bình lần đầu đạt 30,4 - cao nhất cả nước, liên tục tăng từ 2019 với mức tăng trung bình 0,7 tuổi mỗi năm.
Theo ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Dân số Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, ngày càng nhiều người chọn độc thân, không kết hôn, sinh con do áp lực tài chính, theo đuổi sự nghiệp và mong muốn tự do.
Đồng tình với ý kiến trên, thạc sĩ tâm lý Hải Uyên cho hay các yếu tố kinh tế, giáo dục, sự thay đổi trong quan niệm về hôn nhân mới là nguyên nhân chính.
![]() |
ThS tâm lý Nguyễn Hải Uyên cho biết sự mất niềm tin vào tình yêu chủ yếu ảnh hưởng đến nhóm người có trải nghiệm tình cảm tiêu cực hoặc đã chứng kiến nhiều vụ đổ vỡ xung quanh. |
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng những câu chuyện tình cảm trong showbiz có thể ảnh hưởng đến tâm lý cá nhân, đặc biệt là những người vốn đã có sự hoài nghi về tình yêu. Một số người trẻ có thể trì hoãn hẹn hò hoặc kết hôn vì họ lo sợ phản bội, rạn nứt hay ly hôn có thể xảy đến với mình.
Trường hợp của Ngọc Minh (27 tuổi) phần nào phản ánh đúng bản chất vấn đề. Cô hiện sống cùng cha mẹ tại TP.HCM, có công việc ổn định nên không chịu quá nhiều áp lực tài chính. Nhưng, chính những câu chuyện tình ái đầy biến động trên mạng xã hội lại khiến cô dè dặt hơn trong việc mở lòng.
"Tôi sợ những tổn thương tinh thần. Những drama về tình yêu, sự phản bội và đổ vỡ khiến tôi cảm thấy hẹn hò trở thành một điều quá rủi ro", cô gái sinh năm 1998 chia sẻ.
Giải thích về tâm lý này, chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An, nghiên cứu sinh ngành Tâm lý học, ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng khi tiếp cận với các thông tin tiêu cực trong mối quan hệ trên mạng xã hội một cách bị động, thiếu chọn lọc và suy xét kỹ càng, người trẻ sẽ bị cuốn vào một bức tranh u tối, tiêu cực về xã hội, tình cảm.
![]() |
Nghiên cứu sinh tâm lý Tâm An cho hay việc tiêu thụ nội dung truyền thông tiêu cực về tình yêu có thể làm méo mó nhận thức của giới trẻ. |
Ông Tâm An nói thêm những tin tiêu cực có thể kích thích bản năng tự vệ để xây dựng những kịch bản ứng phó, giữ an toàn cho chính mình. Tuy nhiên, mặt trái của việc này lại vô tình tạo ra sự quy chụp lên số đông khi cộng đồng mạng có xu hướng quan tâm đặc biệt đến những drama theo mô tuýp "nam giới là hung thủ, nữ giới là nạn nhân".
Điều này góp phần củng cố định kiến như "đàn ông bản chất là trăng hoa, ngoại tình" và "phụ nữ luôn là người chịu thiệt trong tình yêu".
Ảnh hưởng của những định kiến này không chỉ dừng lại ở cảm xúc cá nhân mà còn len lỏi vào các mối quan hệ thực tế.
Minh Khôi, sinh viên năm 3 ĐH Ngân Hàng TP.HCM, chia sẻ sau những ồn ào tình cảm của người nổi tiếng, bạn gái anh liên tục đặt nghi vấn về mối quan hệ hiện tại, dù trước đó cả hai rất hạnh phúc.
"Anh có lừa dối em không?", "Đàn ông ai cũng thích yêu 2-3 người cùng lúc à?" là 2 trong số các câu hỏi mà người yêu gửi cho anh qua tin nhắn.
"Thật sự, tôi không theo dõi kỹ drama này, nhưng khi đọc tin tức thì phần nào cũng hiểu sự việc. Cá nhân tôi phản đối việc hẹn hò nhiều người cùng một lúc hay mập mờ trong tình yêu, vì điều đó tạo ra tổn thương", nam sinh bày tỏ.
Đặt "hàng rào bảo vệ"
Cuối năm 2024, ứng dụng hẹn hò Tinder chính thức công bố báo cáo Tinder’s Year in Swipe, tổng kết xu hướng hẹn hò nổi bật trong năm nay và dự đoán tình yêu 2025. Trong đó, gần 60% người trẻ nhờ bạn bè tư vấn trước khi hẹn hò, thậm chí 20% còn nhờ bạn "duyệt" mạng xã hội của đối phương trước khi "chốt đơn" hẹn hò.
Như Ngọc Diễm (25 tuổi, kế toán trưởng làm việc tại TP.HCM), trước khi một chàng trai bắt chuyện, cô luôn chủ động “check var” - tức rà soát kỹ lưỡng hồ sơ cá nhân của đối phương trên các nền tảng mạng xã hội. Không chỉ xem ảnh đại diện hay bài đăng, cô gái này còn đọc kỹ bình luận, thậm chí kiểm tra danh sách bạn bè để đánh giá thêm.
![]() |
Ngọc Diễm muốn tập trung lo cho sự nghiệp hơn là quan tâm đến câu chuyện drama tình ái. |
Theo kinh nghiệm của Diễm, chỉ sau vài ngày nhắn tin, cô có thể phần nào nhận diện được liệu người ấy có phải là “red flag” (dấu hiệu của một mối quan hệ không lành mạnh) hay không.
"Việc tìm hiểu trước giúp tôi cảm thấy an tâm hơn trước khi quyết định trò chuyện hay tiếp tục tìm hiểu ai đó. Bạn bè cũng phản ánh phần nào tính cách của một người vì ‘gần mực thì đen, gần đèn thì sáng’", cô nàng chia sẻ.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hải Uyên cho rằng hành động này phản ánh nhu cầu tìm kiếm sự an toàn trong mối quan hệ. Việc kiểm tra mạng xã hội giúp mọi người có thêm thông tin về đối phương, từ đó giảm bớt sự bất định.
"Đây có thể là một cơ chế phòng vệ nhằm tránh rủi ro trong tình cảm, nhưng cũng cho thấy xu hướng dựa vào đánh giá của người khác thay vì tự tin vào cảm nhận cá nhân", bà nhấn mạnh.
Trong một số trường hợp, việc quá phụ thuộc vào sự "duyệt" của bạn bè có thể phản ánh sự lo âu gắn kết, khi cá nhân cảm thấy không đủ tự tin để tự đưa ra quyết định. Tuy nhiên, nếu được thực hiện ở mức độ hợp lý, đây có thể là một cách giúp họ có góc nhìn khách quan hơn trước khi bước vào một mối quan hệ.
![]() |
Ngọc Minh dè dặt hơn sau vụ đấu tố tình cảm trên mạng. |
Thay vì để bản thân bị cuốn theo những drama tình cảm tiêu cực trên mạng xã hội, bà Uyên khuyên người trẻ cần xây dựng nền tảng tâm lý vững vàng.
Đầu tiên, hãy khám phá chính mình: hiểu rõ đặc điểm gắn bó, trải nghiệm cá nhân, hay hình mẫu lý tưởng trước khi tìm hiểu thế giới "yêu đương" bên ngoài.
Thứ hai là phân biệt rạch ròi giữa nội dung giải trí và thực tế. Những scandal chỉ là góc nhỏ trong bức tranh tình yêu đa sắc. Quan trọng hơn, hãy tự vấn: "Điều gì thực sự có ý nghĩa với mình trong một mối quan hệ?" thay vì để mạng xã hội định hướng.
Cuối cùng là chủ động tiếp cận kiến thức tâm lý lành mạnh, tham gia cộng đồng tích cực, và tập trung vào trải nghiệm thực. "Bởi đó là chìa khóa để yêu một cách tỉnh táo và trọn vẹn", chuyên gia cho biết.
Quan hệ độc hại 'núp bóng' tình yêu
Nhiều người khăng khăng họ làm điều gì đó vì "muốn tốt cho bạn", nhưng lại đòi hỏi bạn phải thỏa mãn yêu cầu của họ. Đó là tình yêu "cấp thấp", tồn tại ở nhiều loại quan hệ như bạn bè, người yêu, vợ chồng, cha mẹ và con cái. Nếu chấp nhận, bạn sẽ bị ràng buộc bởi sự hẹp hòi của đối phương, mất đi sự tự do, luôn chìm đắm trong muộn phiền, u sầu.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/drama-dau-to-tinh-ai-khuech-dai-noi-so-cua-the-he-luoi-yeu-a228503.html