Trở về - ngày chiến thắng - Ảnh tư liệu
Tôi bị vào tù ra khám nhiều lần thời kỳ 1970-1975 do chính quyền VNCH thời tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bắt giam, kết tội "phá rối trật tự trị an". Thực chất tôi tham gia phong trào thanh niên - sinh viên - học sinh Sài Gòn đấu tranh đòi dân chủ, tự do, lập lại hòa bình, đòi Mỹ rút quân...
Đêm lịch sử
Điểm cuối tù đày của tôi là Côn Đảo, một nhà tù lâu đời nhất Việt Nam, do
Các tù nhân Côn Đảo trở về gặp lãnh đạo (từ trái sang): Lê Quang Vịnh, Lê Hồng Tư, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Minh Châu (quàng khăn rằn), Hoàng Quốc Việt (chủ tịch tổng công đoàn), Nguyễn Văn Để (bí thư Trung ương Đoàn) và Lê Văn Nuôi - Ảnh tư liệu
Chính quyền cách mạng trên đảo
Ngày 3-5, Đảng ủy và Ủy ban Quân quản Côn Đảo thông báo cần tuyển hai người biết đánh máy chữ, có giọng nói tốt làm phát thanh viên và phải là đảng viên. Tôi vào Đảng từ năm 18 tuổi và đánh máy chữ thành thạo nên đưa tay.
Thế là ba lô lên vai chuyển về văn phòng Ban chỉ huy Côn Đảo làm nhiệm vụ đánh máy văn thư và phát thanh viên. Hằng ngày tôi ăn cơm do các dì, các chị nấu nướng cung cấp chung cho hơn 3.300 cựu tù chính trị.
Bữa ăn thường chỉ gồm cơm gạo lứt với muối mè, cá khô biển và nước mắm. Đảo rất khan hiếm rau xanh. Tôi ngủ tại chỗ làm việc, trên chiếc giường gỗ ở góc "văn phòng" dã chiến này.
Thỉnh thoảng đám trai trẻ chúng tôi rủ nhau ra biển tắm. Nước biển trong veo đến mức nhìn thấy cá tung tăng bơi lội và rong rêu, san hô lung linh ở đáy biển rất đẹp. Bọn tôi cũng tìm cách câu, lưới cá để đem về đưa các dì, các chị "cải thiện" bữa ăn chung.
Nhưng chỉ có các anh gốc nông dân mới dám chèo ghe ra khơi, lưới, câu được nhiều tôm cá. Còn dân học trò như tôi thì... trắng tay.
Hằng ngày chờ các sếp ký duyệt văn bản - bản tin phát thanh xong, tôi cùng anh Lê Thân vác loa đi thông báo khắp bảy trại giam tù chính trị. Trên đảo mở đầu mỗi cuộc phát thanh, anh Thân luôn tự giới thiệu: Chúng tôi là đội phát thanh thuộc Đảng ủy, Ủy ban Quân quản Côn Đảo, gồm Lê Thân và Lê Văn Nuôi, xin kính gửi đến cô chú anh chị bản tin tức hằng ngày về sinh hoạt Côn Đảo và tình hình đất nước...".
Ngày đầu khi tôi đến khu trại giam nữ tù chính trị, chợt nghe tiếng gọi: "Lê Văn Nuôi đó hả! Mấy dì, mấy chị nghe tên em lâu rồi, bây giờ mới biết mặt! Chèn ơi, dễ thương quá! Hai em ghé lại đây ăn mấy chén chè đậu xanh nha cưng!".
Bước vào trại nữ, chợt một chị trạc 30 tuổi, khá xinh đẹp với đôi mắt to và nụ cười hé chiếc răng khểnh duyên dáng, bước tới nắm tay tôi: "Em Nuôi! Chị là Bạch Cúc, chị hai của thằng Xuân Bình nè em!". Phạm Xuân Bình, bí danh Hai Hòa, một bạn đồng đội Thành đoàn với tôi.
Khoảng ngày 4-5, Đảng ủy Côn Đảo do ông Trần Trọng Tân (1926-2014) làm bí thư (ông Tân hoạt động bí mật nội thành Sài Gòn, bị bắt đày ra Côn Đảo năm 1969 đến ngày 30-4-1975) và ông Lê Câu, trung tá quân giải phóng miền Nam, làm chủ tịch Ủy ban Quân quản lâm thời Côn Đảo (ông Lê Câu cũng là tù chính trị bị bắt giam tại Côn Đảo) đã ra thông báo:
"Hiện có rất ít chuyến tàu hải quân cách mạng ra Côn Đảo đón tù chính trị, do lực lượng hải quân còn phải hành quân tiến chiếm nhiều quần đảo khác! Vì vậy Đảng ủy và Ủy ban Quân quản Côn Đảo kêu gọi số anh chị em trẻ tuổi nhường các chú bác cô dì lớn tuổi và các em bé lên tàu về đất liền trước. Đồng thời kêu gọi anh chị em trẻ đăng ký tình nguyện ở lại giữ Côn Đảo cho đến khi xây dựng được chính quyền cách mạng quản lý Côn Đảo".
Từ khoảng ngày 4-5-1975 mới bắt đầu có chuyến tàu hải quân chở tù nhân Côn Đảo về Sài Gòn. Đến ngày 10-5, chờ hoài chưa thấy gọi tên nhóm hơn 40 SVHS trong danh sách lên tàu. Anh em họp lại ven biển, nhiều bạn đề nghị kéo nhau đến văn phòng Ủy ban Quân quản Côn Đảo xin về sớm, viện lý do: "SVHS là trí thức, cần được về sớm để tham gia xây dựng Sài Gòn...".
Đến phiên tôi phát biểu: "Tôi nghĩ SVHS đang đi học như chúng ta chưa phải là tầng lớp trí thức nên chưa cần ưu tiên về trước để xây dựng Sài Gòn. Các bạn thấy Côn Đảo đang còn hàng ngàn chú bác lớn tuổi đã ở tù cả chục năm, rồi hàng ngàn phụ nữ, các cô, dì, chị và trẻ em sinh ra trong tù cũng còn ở đây. Bởi vậy tôi đề nghị anh em mình nên bình tĩnh chờ về chuyến chót".
Một hôm đang vác loa đi qua những con đường cát đá ngoằn ngoèo từ trại này qua trại khác để phát thanh tin tức, bất chợt gặp hai cô gái mặc áo dài hoa. Tôi mon men đến làm quen: "Các bạn làm công việc gì trên đảo vậy?". Người đẹp đáp: "Tụi tôi là giáo viên ở Kiên Giang được cử ra đảo dạy học ba năm".
Sự xuất hiện bóng dáng hai thiếu nữ vừa đẹp đoan trang vừa dũng cảm khi dám chịu đi dạy học nơi hòn đảo biệt mù giữa biển khơi này lập tức trở thành chuyện bàn tán xôn xao trong đám SVHS lứa tuổi 20-25. Đứa nào cũng kiếm cớ đi ngang ngôi trường tiểu học nhỏ với mái ngói đỏ để... ngắm hai cô giáo.
*****************
>> Kỳ tới: Vượt trùng dương về lại Sài Gòn
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/30-4-1975-ngay-tro-ve-ky-1-nha-tu-con-dao-va-tuoi-20-chung-toi-a230690.html