Thành phố giàu nhất Việt Nam sắp có thêm 44 bến cảng, đặt tham vọng có 'siêu cụm cảng' tầm cỡ Châu Á và quốc tế

Để đạt mục tiêu trên, thành phố này cần huy động hơn 77.000 tỷ đồng vốn đầu tư vào hệ thống cảng biển đến năm 2030.

Thành phố giàu nhất Việt Nam sắp có thêm 44 bến cảng, đặt tham vọng có 'siêu cụm cảng' tầm cỡ Châu Á và quốc tế- Ảnh 1.

Phối cảnh Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ

Bộ Xây dựng vừa ban hành quyết định Số 407/QĐ-BXD Phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch, cảng biển TP.HCM gồm các khu bến: Cát Lái - Phú Hữu, sông Sài Gòn, Hiệp Phước, Nhà Bè, Long Bình, khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, các bến cảng tiềm năng huyện Cần Giờ, các bến phao, khu neo đậu chờ, tránh, trú bão.

Mục tiêu đến năm 2030, TP.HCM sẽ có tổng số từ 41 bến cảng đến 44 bến cảng, gồm từ 89 cầu cảng đến 94 cầu cảng với tổng chiều dài từ 16.588,2 m đến 18.588,2 m (chưa bao gồm các bến cảng khác).

Dự kiến khối lượng hàng hóa thông quan từ 228 triệu tấn đến 253 triệu tấn (trong đó hàng container từ 11,41 triệu TEU đến 12,80 triệu TEU, chưa bao gồm hàng container trung chuyển quốc tế); hành khách từ 170,6 nghìn lượt khách đến 184,4 nghìn lượt khách.

Đặc biệt, theo quy hoạch sẽ ưu tiên đầu tư bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ để cùng với các bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải hình thành cụm cảng trung chuyển quốc tế quy mô lớn có tầm cỡ khu vực Châu Á và quốc tế.

Bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ có 2-4 cầu cảng container với tổng chiều dài từ 1.016 m đến 2.016 m, tiếp nhận tàu trọng tải đến 250.000 tấn (24.000 TEU) hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện.

Với hạ tầng này, Bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có thể đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa từ 22,8 triệu tấn đến 57,6 triệu tấn (tương ứng từ 2,4 triệu TEU đến 4,8 triệu TEU).

Tầm nhìn đến 2050, Khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có quy mô dự kiến phát triển khoảng 13 bến cảng đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa trung chuyển container quốc tế và tăng trưởng hàng hóa.

Để đạt mục tiêu trên, Bộ Xây dựng khuyến khích các bến cảng phục vụ chung tại các khu kinh tế, công nghiệp, cụm công nghiệp để nâng cao hiệu quả đầu tư bến cảng, quỹ đất, mặt nước; các bến cảng đầu tư mới tại khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cam kết khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam được xếp dỡ tại bến cảng không vượt quá từ 20% đến 25% tổng nhu cầu hàng hóa thông qua.

Ước tính, tổng nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 khoảng 77.452 tỷ đồng gồm vốn đầu tư cho hạ tầng hàng hải công cộng khoảng 2.952 tỷ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng khoảng 74.500 tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa).

Tổng nhu cầu sử dụng đất theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng 1.567 ha (chưa bao gồm các khu vực phát triển các khu công nghiệp, logistics... gắn liền với cảng).

Tổng nhu cầu sử dụng mặt nước theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng 43.400 ha (đã bao gồm diện tích vùng nước khác trong phạm vi quản lý không bố trí công trình hàng hải).

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/thanh-pho-giau-nhat-viet-nam-sap-co-them-44-ben-cang-dat-tham-vong-co-sieu-cum-cang-tam-co-chau-a-va-quoc-te-a230762.html