Lạm phát ở Singapore đã giảm, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) hiện đang kỳ vọng lạm phát cơ bản - không bao gồm chi phí nhà ở và đi lại cá nhân - trung bình trong khoảng 0,5 -1,5% vào năm 2025, giảm từ mức 1-2% đã được dự đoán hồi đầu năm.
“MAS sẽ tiếp tục chính sách tăng giá từ từ và khiêm tốn đối với biên độ chính sách S$Neer (tỷ giá hối đoái danh nghĩa có hiệu lực của SGD). Tuy nhiên, tốc độ tăng giá sẽ giảm nhẹ”, cơ quan này công bố ngày 14/4.
Cùng lúc đó, Bộ Thương mại và Công nghiệp (MTI) đã hạ dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả năm 2025 của quốc đảo này xuống mức từ 0 - 2%, từ mức 1- 3% trước đó. GDP của Singapore tăng 4,4% trong năm 2024.
MAS cho biết: “Do Singapore phụ thuộc nhiều vào thương mại và hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nên thương mại toàn cầu và khu vực chậm lại cũng như sự gia tăng bất ổn về chính sách sẽ gây áp lực lên các lĩnh vực hướng ngoại, có thể lan sang các lĩnh vực hướng nội.
Có những rủi ro bất lợi đối với triển vọng kinh tế của Singapore bắt nguồn từ những đợt biến động của thị trường tài chính và sự sụt giảm mạnh hơn dự kiến về nhu cầu ở nước ngoài”.
Các nhà phân tích cho biết, sự gián đoạn thương mại toàn cầu do chính sách thuế quan lúc có lúc không của Tổng thống Mỹ Donald Trump có khả năng khiến nền kinh tế xuất khẩu của Singapore chịu thiệt hại lớn hơn nhiều so với mức thuế 10% đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ.
Thủ tướng Lawrence Wong đã cảnh báo rằng mặc dù mức thuế tương đối thấp hơn, tăng trưởng kinh tế của Singapore năm 2025 sẽ bị ảnh hưởng đáng kể và có thể đẩy nước này vào suy thoái.
Nền kinh tế có thể đã thoát khỏi suy thoái, với mức tăng trưởng theo quý được điều chỉnh theo mùa - thước đo tốt hơn về động lực hoạt động kinh tế - giảm 0,8%trong quý đầu tiên, dữ liệu của MTI cho thấy.
Sự suy giảm nhiều nhất là ở lĩnh vực sản xuất, giảm 4,9% theo quý, tiếp theo là xây dựng ở mức âm 2,3%.
Động thái của MAS đã được dự đoán rộng rãi. Các nhà phân tích tin rằng việc nới lỏng tiền tệ hơn có thể giúp hạn chế sự tăng giá của đồng SGD và giảm bớt một số tác động về giá đối với hàng xuất khẩu từ mức thuế quan mới.
Đồng đô la Singapore đã tăng 0,2% lên 1,3164 SGD/USD vào lúc 9h14 sáng sau thông báo của MAS, khi đồng USD phục hồi sau đợt lao dốc lớn nhất kể từ năm 2022 vào tuần trước.
Đồng SGD đã tăng 1% so với đồng USD vào ngày 11/4, đưa mức tăng trong năm lên 3,1% so với đồng bạc xanh.
Không giống như hầu hết các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới sử dụng lãi suất để quản lý lạm phát, công cụ chính sách ưa thích của MAS là giá trị gia tăng theo thương mại của SGD, còn được gọi là tỷ giá hối đoái danh nghĩa hiệu lực (S$Neer).
Việc nới lỏng S$Neer mới nhất diễn ra sau một động thái tương tự được thực hiện vào đầu năm 2025 khi lo ngại về tăng trưởng kinh tế nổi lên.
Vào tháng 1/2025, MAS đã giảm tốc độ tăng giá của S$Neer lần đầu tiên kể từ năm 2020, khi lạm phát cơ bản giảm. Vào tháng 2/ 2025, lạm phát cơ bản đạt 0,6%, giảm so với mức đỉnh điểm là 5,6% vào tháng 1/2023.
Chỉ số Straits Times của Singapore đóng cửa tại ngày 11/4 giảm 1,8% ở mức 3.512,53 điểm, khiến mức giảm của chỉ số trong tuần lên tới 8,2%.
Thị trường chứng khoán Singapore bị ảnh hưởng nặng nề – trải qua ngày tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 vào tuần trước – phản ánh nỗi lo của các nhà đầu tư về mối đe dọa đối với nền kinh tế Singapore từ một cuộc suy thoái toàn cầu tiềm ẩn do thuế quan.
Mặc dù đồng tiền yếu hơn có thể giúp xuất khẩu, nhưng nó sẽ có tác động ngược lại đối với ngân sách của người dân Singapore có kế hoạch đi du lịch nước ngoài hoặc chuyển tiền học phí và chi phí sinh hoạt cho con cái đang học tại các trường đại học ở nước ngoài.
Tuy tăng giá so với đồng USD, đồng SGD lại giảm khoảng 5,6% so với đồng Yên Nhật và 5,5% so với đồng Euro trong năm 2025. Tuy nhiên, đồng SGD đã tăng 1,1% so với đồng Bảng Anh tính đến thời điểm hiện tại và tăng 2% so với đồng Ringgit Malaysia.
Hiện tại, các nhà hoạch định chính sách Singapore sẽ tập trung mọi nỗ lực của mình để tránh suy thoái có thể làm tăng tỷ lệ thất nghiệp. MAS cho biết: "Sự suy yếu đột ngột hoặc dai dẳng hơn trong thương mại toàn cầu sẽ có tác động đáng kể đến các lĩnh vực liên quan đến thương mại của Singapore và ngược lại, nền kinh tế nói chung".