Thay đổi vì sức khỏe thận: Hành động vì lợi ích bền vững

() - Bệnh thận mạn tính đang âm thầm trở thành một trong những thách thức y tế toàn cầu của thế kỷ 21. Bệnh ảnh hưởng đến hàng triệu người cùng gia đình, đồng thời gây ra nhiều gánh nặng lên hệ thống y tế, nền kinh tế và môi trường.

Gánh nặng đa chiều của bệnh thận mạn

Dự báo đến năm 2040, bệnh thận mạn tính sẽ trở thành nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 5 trên thế giới.

Bệnh không chỉ là một vấn đề y tế mà còn tạo ra những tác động sâu rộng đến kinh tế, xã hội và môi trường. Đối với người bệnh, căn bệnh này gây suy giảm nghiêm trọng sức khỏe thể chất và tinh thần, hạn chế khả năng lao động và đe dọa tính mạng nếu không được điều trị sớm.

Hệ thống y tế phải đối mặt với chi phí điều trị khổng lồ. Chi phí cho mỗi bệnh nhân lọc máu tại Việt Nam lên tới 9.500 USD mỗi năm, cao gấp 3 lần chi phí điều trị cho bệnh nhân suy thận chưa đến giai đoạn cuối cần lọc máu.

Thay đổi vì sức khỏe thận: Hành động vì lợi ích bền vững - 1

Bệnh thận mạn đang trở thành một trong những thách thức y tế toàn cầu (Ảnh: Northwell).

Về môi trường, hoạt động lọc máu trên toàn cầu tiêu thụ 169 tỷ lít nước mỗi năm, đủ lấp đầy 67.000 hồ bơi chuẩn Olympic, đồng thời tạo ra hơn 1 tỷ kg chất thải. Những con số này là lời cảnh báo khẩn cấp cho một giải pháp bền vững hơn trong điều trị bệnh.

Việc phát hiện sớm bệnh tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều rào cản. Nước ta có khoảng 8,7 triệu người lớn mắc bệnh, chiếm 12,8% dân số. Tuy nhiên, hơn 90% bệnh nhân không nhận thức được tình trạng của mình, dẫn đến chẩn đoán muộn khi các lựa chọn điều trị trở nên hạn chế, tốn kém và kém hiệu quả.

Hạn chế về cơ sở hạ tầng y tế, đặc biệt ở vùng nông thôn cũng ảnh hưởng đến việc triển khai và mở rộng các chương trình sàng lọc. Rào cản về kinh tế cũng khiến nhiều người ngần ngại trong việc tìm kiếm hỗ trợ y tế.

"Việc tăng cường nhận thức về bệnh và triển khai các chương trình khám sàng lọc định kỳ là rất quan trọng để phát hiện bệnh thận mạn từ các giai đoạn sớm hơn. Điều này đồng thời đem lại nhiều cơ hội hơn trong việc cải thiện chất lượng chăm sóc và ngăn chặn bệnh tiến triển sang các giai đoạn muộn. Một cách hữu hiệu để thực hiện việc này là áp dụng công nghệ, chuyển đổi số nhằm mở rộng quy mô sàng lọc và đánh giá nguy cơ mắc bệnh thận mạn", ông Atul Tandon, Tổng giám đốc AstraZeneca Việt Nam cho biết.

Các nỗ lực trong quản lý bệnh thận mạn

Tháng 11/2024, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đề xuất đưa bệnh thận mạn và một số bệnh không lây nhiễm khác vào danh mục các bệnh trong Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2026-2035. Điều này sẽ tạo điều kiện cho việc xây dựng những chiến lược, kế hoạch tổng thể nhằm phòng, chống hiệu quả các bệnh mạn tính có tỷ lệ thương tật và tử vong cao.

"Để giải quyết thách thức toàn cầu này cần sự chung tay các tổ chức y khoa và đơn vị liên quan. Vì vậy, trong những năm gần đây, AstraZeneca đã hợp tác chặt chẽ với các đối tác để cùng thay đổi tương lai của việc chăm sóc sức khỏe thận", ông Atul cho biết khi chia sẻ về một chiến lược toàn diện để ngăn chặn tiến triển của bệnh thận mạn tính và quản lý hiệu quả căn bệnh này ở giai đoạn đầu.

Chương trình "Yêu lấy mình - CaReMe", AstraZeneca hợp tác với Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, đã sàng lọc hơn 200.000 người trong năm 2024. Qua đó phát hiện gần 10.000 bệnh nhân ở giai đoạn sớm, tạo điều kiện cho các can thiệp kịp thời để làm chậm tiến triển bệnh.

Các kiosk (quầy) điện tử đánh giá các yếu tố nguy cơ cũng được lắp đặt tại các bệnh viện và đưa khảo sát lên nền tảng trực tuyến để mở rộng phân loại nguy cơ bệnh nhân một cách hiệu quả hơn.

Thay đổi vì sức khỏe thận: Hành động vì lợi ích bền vững - 2

TS.BS Hà Anh Đức, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (áo trắng ngồi bàn) và ông Atul Tandon (người đứng) tại chương trình tầm soát bệnh thận mạn tại Bình Dương (Ảnh: C.T).

Ngoài ra, chương trình Sức khỏe Thanh thiếu niên tập trung vào sức khỏe của thanh thiếu niên và các can thiệp dự phòng các bệnh không lây nhiễm phổ biến trong đó có các bệnh lý tiểu đường, tim mạch và bệnh thận. Chương trình là một sáng kiến đầu tư cộng đồng toàn cầu hợp tác với tổ chức Plan International nhằm góp phần cải thiện sức khỏe và chất lượng sống của giới trẻ Việt Nam, đặc biệt nhóm 10-24 tuổi.

Bên cạnh đó, công ty cũng triển khai hợp tác với các trường đại học, bệnh viện để nâng cao trình độ của cán bộ y tế, chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, nghiên cứu, phát triển các phương pháp quản lý và điều trị tiên tiến.

Với vai trò là doanh nghiệp dược phẩm đến từ Anh - Thụy Điển, AstraZeneca thể hiện sự cam kết đối với sức khỏe thận thông qua các sáng kiến chiến lược.

Ông Atul khẳng định: "Với sứ mệnh chuyển đổi các thực hành y khoa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe của người bệnh và cộng đồng, chiến dịch "Thay đổi vì sức khỏe thận - Make the Change for Kidney Health", phối hợp với Liên minh Bệnh nhân Thận Toàn cầu thể hiện sự mong muốn và sẵn sàng đồng hành của AstraZeneca với Chính phủ, Bộ Y tế và các tổ chức liên quan để giải quyết thách thức của căn bệnh này. Từ đó, chúng ta có thể gia tăng hiệu quả quản lý, điều trị bệnh để đem lại những lợi ích bền vững cho người bệnh, gia đình và toàn xã hội".

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/thay-doi-vi-suc-khoe-than-hanh-dong-vi-loi-ich-ben-vung-a231854.html