“Tôi đang đi thay cho những đồng đội đã hy sinh vì bom đạn, vì nước lũ, vì vượt sông Thạch Hãn cuồn cuộn. Tôi là người may mắn sống sót trở về, dù vất vả hay cực khổ mấy cũng phải cố để thay mặt cho các anh hùng, liệt sĩ”, cựu chiến binh Trần Xuân Tùng (72 tuổi) chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Mắt ông Tùng rưng rưng khi nhắc về 81 ngày đêm chiến đấu tại thành cổ Quảng Trị năm 1972. Dưới ánh đèn nhá nhem, không rõ đâu là nước mắt, đâu là mồ hôi của ông khi vừa kết thúc hai lượt tập tối 17/4 tại đường N12, đối diện công viên Thủ Thiêm.
Từng chứng kiến, trải qua những thời khắc lịch sử của dân tộc, các cựu chiến binh như ông Tùng tự hào đứng vào đội hình danh dự trong Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Tất cả là nhân chứng lịch sử mang theo ký ức chiến tranh và hơn hết, là lớp người hiểu rõ giá trị của hòa bình hơn bất kỳ ai.
Đi vì những đồng đội không thể trở về
Những ngày hợp luyện chuẩn bị cho lễ diễu binh, diễu hành sáng 30/4, bà Khánh Vân, bộ đội về hưu, luôn đồng hành cùng chồng là cựu chiến binh Trần Xuân Tùng. Không tham gia vào hàng ngũ diễu binh, diễu hành, bà vẫn mặc đồng phục nghiêm trang, đeo trước ngực những huy chương được Nhà nước trao tặng.
“Cảm giác rất tự hào khi chồng có mặt trong hàng ngũ này”, bà Vân chia sẻ, mắt hướng về phía đội hình đang đều bước.
![]() |
Ông Tùng và bà Vân hiện sinh hoạt tại Hội Cựu chiến binh quận Gò Vấp. |
Ông Tùng và các cựu chiến binh ở TP.HCM đã tập luyện hàng tháng trời cho ngày đặc biệt. Dù tuổi cao và lịch tập luyện có vất vả đôi chút, ai nấy đều có chung một quyết tâm duy nhất là hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Không khí phấn chấn và đầy tự hào của những ngày tháng 4 khiến ông Tùng như được trở về ngày 1/5/1975. Chỉ một ngày sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, ông được vinh dự chọn tham gia duyệt binh tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội.
Chàng trai trẻ năm ấy vừa rời chiến trường Quảng Trị chưa lâu, lòng rưng rưng xúc động hòa trong niềm vui của dân tộc. Nửa thế kỷ đã trôi qua, niềm tự hào vẫn nguyên vẹn, nhưng trong ông Tùng có cả những giây phút nặng lòng, nhớ về đồng đội đã hy sinh.
Hơn một tháng nay, đều đặn mỗi tuần 2 buổi, bất kể thời tiết, ông Đỗ Xuân Ngọc (60 tuổi) di chuyển từ nhà ở quận Bình Chánh đến các điểm tập luyện tại quận 1, TP Thủ Đức cùng hơn 100 hội viên Hội Cựu chiến binh TP.HCM.
“Có hôm nắng chang chang, có hôm mưa lâm râm nhưng ai cũng cố gắng vì được đứng trong đội hình diễu binh 50 năm là niềm tự hào rất lớn”, cựu chiến binh chia sẻ.
Ông Ngọc từng công tác ở Đại đội 14 Thông tin vô tuyến điện. Ông tham gia chiến đấu từ năm 1985 đến cuối 1988, sau đó công tác trong Hội Cựu chiến binh quận 8 và huyện Bình Chánh từ năm 1997 đến nay.
![]() |
Sống ở huyện Bình Chánh, ông Ngọc vẫn đều đặn có mặt trong những buổi tập luyện ở quận 1 và TP Thủ Đức. |
Hơn 40 năm trước, trước ngày lên đường sang chiến trường Campuchia, ông Đỗ Văn Ngọc tham gia buổi diễu binh trong đội hình tân binh của đơn vị. “Tôi đi với tinh thần sẵn sàng, không chút ngần ngại”, ông bồi hồi nhớ lại.
Bốn thập kỷ trôi qua như chớp mắt, giờ đây, khi đã ngoài 60, ông Ngọc có mặt trong đội hình danh dự tham gia lễ diễu binh, diễu hành mừng 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Lần này, ông không đi để chiến đấu, mà đi vì ký ức về những người thân yêu không còn, vì những đồng đội đã không thể trở về.
Nhiều lần diễu binh, một đời giữ nước
“Tay chân đều hơn, đội này di chuyển nhanh hơn!”, tiếng người điều phối vang lên giữa sân tập. Nghe âm thanh quen thuộc ấy, ông Đặng Xuân Niệm (65 tuổi) lập tức đứng nghiêm, mắt nhìn thẳng. Cảm giác này, bầu không khí này, ông đã từng trải qua cách đây 40 năm.
Tuổi 20 của ông Niệm là những ngày còng lưng đào giao thông hào giữa rừng sâu, tay chân tê cứng vì cuốc xẻng không ngơi nghỉ để phục vụ kháng chiến năm 1977.
Biết bao gian khổ. Mồ hôi hòa vào đất, cơm vắt ăn dở, giấc ngủ chập chờn bên miệng hố, những điều ấy vẫn còn sống động trong tâm trí ông như mới ngày hôm qua.
Tốt nghiệp Trường Sĩ quan Không quân Nha Trang, chàng trai trẻ Đặng Xuân Niệm năm đó được chọn vào đội hình diễu binh nhân lễ kỷ niệm 10 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
![]() |
Ông Xuân Niệm từng phục vụ kháng chiến năm 1977, từng tham gia đội hình diễu binh nhân lễ kỷ niệm 10 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. |
Thành phố ngày ấy vẫn chưa hiện đại, vẫn còn những mái nhà thấp. Giờ đây, khi trở lại đội hình danh dự, ông đi giữa một thành phố đã khác. Những tòa nhà cao tầng vươn thẳng lên trời, kéo dài dọc các tuyến đường lớn, dẫn thẳng về phía Dinh Độc Lập.
“Tôi thấy hạnh phúc khi nhìn thấy được sự ‘thay da đổi thịt’ của đất nước từng ngày. Lần này trông khí thế hơn, hào hùng hơn. Với tôi, đây là niềm tự hào lớn khi tiếp tục được góp mặt trong lễ kỷ niệm hôm nay”, ông Niệm chia sẻ.
Giống như ông Niệm, Thượng tá Trịnh Bá Giang, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận Bình Thạnh, cũng là người đã nhiều lần sải bước trong đội hình danh dự ở các sự kiện trọng đại của đất nước.
“Tôi từng tham gia diễu binh 2 lần tại Hà Nội vào những dịp trọng đại như Quốc khánh 2/9, hay ngày 2/12. Cảm giác được xếp hàng ngay ngắn, chân bước đều, nhìn thẳng về phía trước… hồi hộp mà tự hào lắm”, ông chia sẻ.
![]() |
Thượng tá Trịnh Bá Giang là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận Bình Thạnh. |
Những lần tham gia diễu binh trước, Thượng tá Giang mới ngoài 20 tuổi, còn mang trong người nguyên vẹn khí chất của một người lính trẻ. Ông không sợ, không run, chỉ biết hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sau này, khi ra trường, ông chuyển về Tổng cục Hậu cần và lên đường sang Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế. Ông lặng đi đôi chút khi nhớ về một thời đã qua.
Hơn 60 tuổi, tóc đã ngả bạc, ông Giang vẫn hăng hái có mặt trong đội hình diễn tập suốt cả tháng qua. Nắng đổ, mồ hôi chảy ướt lưng áo, nhưng ánh mắt ông vẫn sáng rực.
Bốn cựu chiến binh đều có ít nhất hai lần từng đứng trong đội hình diễu binh danh dự của đất nước. Có người từng duyệt binh sau ngày Giải phóng, có người luyện tập trước khi xuất quân, có người sải bước giữa quảng trường thủ đô trong ngày lễ lớn. Mỗi lần diễu binh là một thời điểm khác nhau trong cuộc đời, mang một cảm xúc riêng.
Song, tất cả đều có cảm xúc chung là niềm tự hào khi được góp mặt trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, dù chỉ một bước chân.
Tâm sự 'Trưởng thành tuổi 40'
Trong thế giới đa dạng và phong phú, mỗi người đều có những góc nhìn và định nghĩa riêng về sự trưởng thành. Với tác giả Ngân Om, trưởng thành không gói gọn trong tuổi tác, giàu nghèo hay vị trí xã hội. Trưởng thành thực sự là khi chúng ta nhìn lại bản thân và thấy mình đã biết cách yêu thương, chăm sóc chính mình, để từ đó yêu thương và hòa hợp với những người xung quanh.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/cuu-binh-2-lan-tham-gia-dieu-hanh-304-toi-di-thay-dong-doi-da-mat-a232098.html