Liên thông kết quả xét nghiệm, người bệnh chờ đến khi nào?

() - Triển khai bệnh án điện tử, kết quả được liên thông, dữ liệu của tuyến huyện đạt chuẩn cũng được tuyến trên chấp nhận. Bệnh nhân đi khám, không phải chi tiền triệu, thậm chí chục triệu chiếu chụp lại.

Nhiều lợi ích kép

Phát biểu tại Hội nghị Khoa học và Quản lý Bệnh viện năm 2025, trong khuôn khổ Hội nghị Câu lạc bộ Giám đốc các bệnh viện phía Bắc diễn ra ngày 19/4 tại Hải Dương, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - cho biết, hơn 100 bệnh viện đã triển khai bệnh án điện tử, ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động chuyên môn.

Liên thông kết quả xét nghiệm, người bệnh chờ đến khi nào? - 1

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: Thanh Hải).

Ông đánh giá, việc liên thông dữ liệu giữa các tuyến bệnh viện giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng. Ngay tại Bệnh viện Bạch Mai, chỉ riêng việc không in phim chụp và bệnh án giấy đã tiết kiệm khoảng 100 tỷ đồng mỗi năm.

Cùng quan điểm, TS.BS Hà Anh Đức - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) - cho rằng bệnh án điện tử mang lại nhiều lợi ích kép, từ hiệu quả kinh tế đến lợi ích cho bác sĩ và người bệnh.

TS Đức phân tích, triển khai bệnh án điện tử mang lại hiệu quả ở nhiều khía cạnh: tiết kiệm tài chính; dữ liệu y tế được lưu trữ trọn đời theo từng bệnh nhân; tăng hiệu quả chuyên môn khi bác sĩ dễ dàng nắm bắt lịch sử bệnh tật của người bệnh, giúp điều trị cá thể hóa, nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị.

Liên thông kết quả xét nghiệm, người bệnh chờ đến khi nào? - 2

TS.BS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế (Ảnh: Lê Hảo).

"Việc triển khai bệnh án điện tử giúp kết quả được liên thông và dùng chung. Dữ liệu từ tuyến huyện nếu đạt chuẩn cũng được tuyến trên chấp nhận. Nhờ đó, người bệnh không cần chi thêm hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng cho việc chiếu chụp lại khi lên tuyến trên", TS Đức nhấn mạnh.

Đặc biệt, đây còn là tiền đề quan trọng để ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), hình thành cơ sở dữ liệu lớn (Big Data), phục vụ hiệu quả hơn trong điều trị và quản lý bệnh viện.

"Bệnh viện Bạch Mai mỗi năm tiếp nhận khoảng 2 triệu lượt khám ngoại trú và 200.000-250.000 bệnh nhân nội trú. Đây là kho dữ liệu cực kỳ lớn về các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, phương án điều trị… để phát triển AI trong chẩn đoán, dự báo xu hướng bệnh và lựa chọn phác đồ điều trị cá thể hóa", PGS Cơ cho biết.

Triển khai trên toàn quốc từ tháng 9

Theo TS Đức, Bộ Y tế đang rất quyết liệt triển khai đề án bệnh án điện tử theo chỉ đạo của Chính phủ.

"Là cơ quan chuyên môn, chúng tôi đang xây dựng hơn 90% danh mục kỹ thuật hiện có - đây là điều kiện tiên quyết để đảm bảo liên thông dữ liệu trên toàn quốc.

Có hàng trăm, hàng nghìn danh mục lâm sàng khác nhau. Chúng tôi cam kết cuối tháng 5 sẽ trình và ban hành danh mục này, từng bước hoàn thiện lộ trình triển khai bệnh án điện tử từ tháng 9", TS Đức thông tin.

Theo lãnh đạo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, việc triển khai bệnh án điện tử sẽ đồng loạt diễn ra tại các bệnh viện chuyên khoa và hạng đặc biệt, trên nền khung hướng dẫn thống nhất. Mỗi bệnh viện sẽ triển khai theo điều kiện thực tế, hướng tới mục tiêu liên thông dữ liệu toàn ngành.

Hiện cả nước có khoảng 3.000 phòng xét nghiệm, song mới chỉ hơn 10% được chuẩn hóa. Để liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện, Bộ Y tế sẽ đẩy nhanh tiến độ chuẩn hóa các phòng xét nghiệm trong thời gian tới.

Ứng dụng công nghệ trong quản trị bệnh viện

Theo PGS Cơ, Hội nghị năm nay với chủ đề "Bệnh viện thông minh và quản trị bền vững" thu hút sự tham gia của khoảng 800 đại biểu, trong đó có 100 giám đốc các bệnh viện phía Bắc.

Đặc biệt, hội nghị còn có sự tham dự của TS.BS Shin Jaeyeong - Đại học Yonsei (Hàn Quốc), mang đến những góc nhìn và kinh nghiệm quý báu về ứng dụng công nghệ mới trong y học từ một nền y tế tiên tiến.

Các đại biểu đã cùng thảo luận về những khó khăn, thách thức trong triển khai bệnh án điện tử, ứng dụng công nghệ số, AI trong quản trị, điều hành và điều trị bệnh, những thành quả tích cực khi ứng dụng công nghệ.

"Sức mạnh đột phá của Phân tích dữ liệu lớn (Big Data) và Trí tuệ nhân tạo (AI) đang cách mạng hóa y học: từ phân tích hình ảnh y tế, hỗ trợ chẩn đoán bệnh lý phức tạp, dự đoán nguy cơ dịch bệnh đến cá nhân hóa phác đồ điều trị và tối ưu hóa quản lý bệnh viện", PGS Cơ nhận định.

Phát biểu tại hội nghị, GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế - thừa nhận vẫn còn tình trạng quá tải tại các bệnh viện Trung ương, trong khi năng lực của tuyến y tế cơ sở chưa được khai thác hiệu quả. Nhiều bệnh viện cũng gặp khó khăn về nhân lực, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo...

Liên thông kết quả xét nghiệm, người bệnh chờ đến khi nào? - 3

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế (Ảnh: Lê Hảo).

Cơ chế tài chính, thực hiện tự chủ tại nhiều nơi còn bất cập; công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế dù đã được tháo gỡ phần nào nhưng vẫn xảy ra tình trạng thiếu thuốc, thiết bị ở một số cơ sở.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, cần đổi mới tư duy quản trị bệnh viện, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý và chuyên môn; triển khai bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử, hệ thống quản lý chất lượng và kết nối liên thông giữa các đơn vị, từng bước xây dựng mô hình bệnh viện thông minh.

Bộ Y tế cũng sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả của Đề án chuyển giao kỹ thuật và mạng lưới Bệnh viện vệ tinh, khắc phục triệt để các vướng mắc kéo dài trong công tác đấu thầu, mua sắm thiết bị, bảo đảm công khai, minh bạch, kịp thời phục vụ chuyên môn.

"Song song với đó, cần tận dụng hiệu quả mọi nguồn lực từ ngân sách nhà nước, bảo hiểm y tế, hợp tác công - tư và xã hội hóa để tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở, đảm bảo người dân ở mọi vùng miền được tiếp cận dịch vụ y tế thiết yếu, chất lượng, an toàn.

Hướng đến mục tiêu mỗi người dân được khám sức khỏe định kỳ hàng năm, từng bước hiện thực hóa mục tiêu nhân văn là hướng tới miễn viện phí toàn dân, theo định hướng của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước", Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/lien-thong-ket-qua-xet-nghiem-nguoi-benh-cho-den-khi-nao-a232102.html