Mỹ đối mặt viễn cảnh khó: Gần 4 triệu việc làm sản xuất sắp đổ bộ nhưng giới trẻ “chê” vì lương thấp, nhàm chán, thà đi thông tắc cống còn hơn đứng cạnh bánh răng

Giới trẻ Mỹ không mặn mà với công việc trong ngành sản xuất.

Theo nghiên cứu của Deloitte và Viện Sản xuất Mỹ, ngành công nghiệp sản xuất là một trong những ngành nghề phát triển nhanh nhất tại Mỹ, dự kiến tạo thêm 3,8 triệu việc làm mới đến năm 2033.

Tuy nhiên, một nửa trong số đó được dự đoán sẽ không có người làm. Theo một nghiên cứu riêng của Soter Analytics, chỉ có 14% Gen Z (nhóm người sinh từ năm 1997 đến 2009) cho biết sẽ cân nhắc làm việc trong ngành công nghiệp sản xuất. Gen Z.

Trong khi đó, tỷ lệ nộp đơn vào các trường nghề đã tăng 16% vào năm 2024, mức cao nhất kể từ khi National Student Clearinghouse bắt đầu theo dõi dữ liệu vào năm 2018. Ngoài ra, tỷ lệ Gen Z học ngành xây dựng tăng 23% từ năm 2022 đến 2023, và tỷ lệ theo học các ngành cơ khí, lắp đặt hệ thống sưởi ấm, điều hòa, và sữa chữa xe tăng 7% trong giai đoạn này.

Những nghề lao động chân tay này cho phép Gen Z trở thành ông chủ của chính mình, với giờ làm việc linh hoạt và có mức lương 6 số. Những công việc này có nhu cầu cao và không đòi hỏi bằng đại học.

Trái lại, công việc trong nhà máy có nhiều vấn đề khiến Gen Z hoàn toàn không thích.

Sản xuất từng được mô tả là một nghề nghiệp ổn định, được bảo hiểm lương hưu và có rất nhiều cơ hội trong xã hội công nghiệp hóa của Mỹ. Nhưng ngày nay, nghề sửa ống nước và thậm chí là phục vụ bàn mang lại nhiều cơ hội tài chính tốt hơn và năng động hơn so với việc đứng cạnh bánh răng hay dây chuyền lắp ráp.

Công việc sản xuất tại Mỹ có mức lương trung bình khoảng 25 USD (650.000 VND)/giờ, tương đương 51.890 USD (1,3 tỷ VND)/năm. Con số này thấp hơn nhiều so với mức lương trung bình của người Mỹ là 66.600 USD (1,7 tỷ VND).

Một lý do khiến tiền lương trong ngành sản xuất chững lại có thể là do sức ép của công ty đối với các công đoàn lao động nhà máy. Người lao động có ít quyền thương lượng để đổi lấy mức lương tốt hơn.

Thế hệ Z cũng không muốn bị giam cầm trong những nhà máy “nhàm chán”, trong khi họ có thể làm những công việc thú vị hơn như pha chế rượu hay thông ống thoát nước với mức lương cao hơn.

Mỹ đang rất cần thêm nhiều công nhân lắp ráp và vận hành máy móc. Người Mỹ cũng nhận ra nhu cầu này, với 80% tin rằng đất nước sẽ tốt hơn nếu nhiều lao động Mỹ hơn gia nhập ngành sản xuất.

Nhưng nói thì dễ và ít người thực sự muốn làm. Cuộc thăm dò của Viện CATO cho thấy chỉ 25% người Mỹ cho rằng làm việc trong nhà máy có thể tốt hơn với họ.

Kyle Handley, chuyên gia kinh tế tại Trường Chính sách và Chiến lược Toàn cầu thuộc Đại học California, San Diego, chia sẻ với Business Insider rằng: “Bạn đang phải đối mặt với những thay đổi lớn về công nghệ bên cạnh hoạt động thương mại”.

“Đất nước đang ngày càng giàu có hơn và có nhiều công việc khác trong ngành dịch vụ mà mọi người đang hướng tới”.

Từng phát triển mạnh mẽ, ngành công nghiệp sản xuất hiện đang được theo dõi chặt chẽ hơn bao giờ hết vì các chính sách thuế quan của Tổng thống Trump đang đe dọa nguồn cung lao động của ngành này.

Ngành sản xuất của Mỹ từ lâu đã dựa vào lao động nhập cư để đảm nhận những công việc mà người Mỹ không muốn làm. Nghiên cứu của Deloitte cho thấy suy giảm nhập cư trong những năm gần đây đã gây áp lực lên nguồn cung lao động. Hiện tại, việc ông Trump siết chặt nhập cư có thể khiến ngành này bị ảnh hưởng nhiều hơn nữa.

Hiện nay, vấn đề đang lên đến đỉnh điểm khi lực lượng lao động của Mỹ chuẩn bị cho một sự thay đổi lớn: thế hệ boomer (người sinh ra trong khoảng 1946-1964) nghỉ hưu.

Tham khảo Fortune

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/my-doi-mat-vien-canh-kho-gan-4-trieu-viec-lam-san-xuat-sap-do-bo-nhung-gioi-tre-che-vi-luong-thap-nham-chan-tha-di-thong-tac-cong-con-hon-dung-canh-banh-rang-a232138.html