Quyết định trong nỗi đau của người vợ trẻ cứu 6 cuộc đời

() - Điều cuối cùng của những người hiến tạng để lại cho đời là sự sống tiếp nối trong hình hài khác. Đó là những trái tim, lá gan, quả thận... được hiến tặng để nhiều cuộc đời được tái sinh.

Người cha "ở lại" với 2 hình hài khác

Chị Huỳnh Thu Sao Mai (Việt Trì) là người con gái đã dũng cảm nén nỗi đau để hiến tạng bố.

Ông là Huỳnh Quốc Bình, người đã qua đời sau một tai nạn giao thông năm 2024, ở tuổi 56.

"5 ngày bố nằm viện, cả nhà vẫn hy vọng điều kỳ diệu sẽ đến. Nhưng rồi bác sĩ thông báo bố bị chết não. Lúc đó, ai cũng nghẹn lại.

Quyết định trong nỗi đau của người vợ trẻ cứu 6 cuộc đời - 1

Chị Huỳnh Thu Sao Mai (Việt Trì) là người con gái đã dũng cảm nén nỗi đau để hiến tạng bố.

 Tôi vẫn muốn cố thêm 1-2 ngày vì vẫn mong bố còn một chút hy vọng sống. Nhưng rồi bố không qua khỏi", chị Mai nghẹn ngào.

Nén nỗi đau, cả gia đình chị Mai cùng thống nhất đồng ý hiến tạng người thân. Người con gái gọi đó là "món quà cuối cùng" của bố dành tặng lại cho cuộc đời.

Sau khi qua đời, ông Bình đã hiến được hai quả thận - món quà sự sống cho hai bệnh nhân ở miền Nam. 

"Tim thì không phù hợp nhưng hai quả thận đã cứu được hai người. Sau đó gia đình cũng biết hai bạn ấy khỏe mạnh nhờ xem trên tivi. Điều đó là niềm an ủi lớn với nhà tôi.

Tôi cảm thấy bố đang ở lại với cuộc đời theo một cách khác", chị Mai xúc động kể.

Cảm nhận được ý nghĩa to lớn từ tạng hiến của người cha, cả gia đình chị Mai cũng đã đăng ký hiến tạng sau khi chết/chết não, để tiếp nối ngọn lửa yêu thương.

6 người sống cuộc đời mới nhờ một quyết định trong đau đớn

Đã một năm trôi qua, chị Trương Thị Lương (38 tuổi, Phú Thọ) vẫn nhớ như in khoảnh khắc quyết định hiến tạng chồng để thêm nhiều cuộc đời được sống tiếp.

"Chồng tôi bị đột quỵ, xuất huyết não vào năm 2024, lúc đó anh 41 tuổi. Chồng tôi mất đột ngột, cả nhà không ai biết gì về hiến tạng. Nhưng bác sĩ đã giải thích, và chúng tôi đồng lòng", chị Lương chia sẻ.

Chồng chị Lương đã hiến gan, hai quả thận, tim và hai giác mạc, viết trang mới cuộc đời cho 6 người.

"Thôi mợ ạ, cho đi nghĩa là cậu vẫn còn sống mãi mãi", nhớ lại lời chị chồng từng nói khi gia đình bàn đến quyết định hiến tạng, chị Lương rơi nước mắt.

Những câu chuyện đầy xúc động ấy được ghi lại trong khuôn khổ chương trình "Khám sức khỏe, phát thuốc miễn phí và tri ân gia đình người hiến tạng chết não cứu người - Cho đi là còn mãi" diễn ra vào ngày 19/4, tại Phú Thọ.

Quyết định trong nỗi đau của người vợ trẻ cứu 6 cuộc đời - 2

Chương trình nhằm tri ân những gia đình hiến tạng (Ảnh: CTV).

Chương trình do Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam phối hợp với Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ và Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 đồng tổ chức.

Số ca hiến tạng từ người chết não tăng vọt

Chia sẻ tại chương trình, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam nhấn mạnh: "Buổi khám bệnh hôm nay không chỉ là hoạt động vì sức khỏe cộng đồng, mà còn là sự tri ân sâu sắc dành cho các gia đình đã có người thân hiến tạng sau chết não.

Chúng tôi muốn xua đi mọi hoài nghi, dập tắt định kiến cho rằng, người hiến tạng hay gia đình họ làm điều đó vì mục đích nào khác. Họ chỉ có một mong muốn duy nhất: Cho đi là còn mãi".

Quyết định trong nỗi đau của người vợ trẻ cứu 6 cuộc đời - 3

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam (Ảnh: CTV).

Nếu như trong năm 2023, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ hiến tạng sau chết não thấp nhất thế giới, thì bước sang năm 2024, số ca hiến tạng sau chết não đã tăng gấp 4 lần.

Tính đến cuối năm 2024, cả nước đã thực hiện hơn 9.500 ca ghép tạng. 3 năm gần đây, mỗi năm trung bình thực hiện khoảng 1.000 ca. Trong đó, riêng năm 2024 ghi nhận 41 trường hợp hiến tạng từ người chết não. 

"Tính từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 27 trường hợp hiến tạng sau chết não. Trong đó có những trường hợp gia đình chủ động đồng ý hiến mà chưa cần đến sự vận động.

Nếu đà tăng trưởng này tiếp tục, tỉ lệ hiến tạng trong năm nay dự kiến có thể tăng đến 300%", PGS Tiến thông tin.

Từ vị trí khiêm tốn nhất Đông Nam Á, Việt Nam đã vượt lên trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực về số ca ghép tạng thành công cũng như tốc độ gia tăng tỉ lệ số ca hiến tạng sau chết não.

Quyết định trong nỗi đau của người vợ trẻ cứu 6 cuộc đời - 4

Thân nhân của người hiến tạng được khám bệnh tại chương trình (Ảnh: CTV).

Tại Phú Thọ, hoạt động ghép tạng đã phát triển ổn định và bền vững suốt gần một thập kỷ.

Từ ca ghép thận đầu tiên vào năm 2015 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, địa phương này đã kiên trì phát triển kỹ thuật và xây dựng niềm tin từ cộng đồng.

Trong giai đoạn 2015-2019, đã có 10 trường hợp hiến tạng từ người cho sống, mang lại cơ hội sống cho 10 người khác.

Trong năm 2024, bệnh viện đã tiếp nhận 5 trường hợp hiến tạng từ người chết não và thực hiện thành công 7 ca ghép thận, mang lại cơ hội sống cho 24 bệnh nhân.

Tất cả 7 bệnh nhân được ghép tạng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đến thời điểm này đều có sức khỏe ổn định, trở lại làm việc và tiếp tục đóng góp cho xã hội.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/quyet-dinh-trong-noi-dau-cua-nguoi-vo-tre-cuu-6-cuoc-doi-a232148.html