Nhà sáng lập Bút bi Thiên Long: Từ con cả gia đình 10 anh em, phải lập nghiệp từ năm 17 tuổi với chiếc xe đạp “cà tàng” đến công ty trị giá hơn 4.000 tỷ đồng

"Thấy ba mẹ lúc đó rất vất vả lo miếng ăn cho 13 con người mà vẫn không đủ, tôi ý thức mình phải làm gì đó để phụ giúp gia đình nên quyết định ra đời bươn chải”, ông kể.

Xuất hiện trong Talkshow nói về hành trình khởi nghiệp gần 50 năm với VNExpress, ông Cô Gia Thọ - Chủ tịch CTCP Tập đoàn Thiên Long (mã chứng khoán TLG) – lần đầu chia sẻ về những khó khăn thời lập nghiệp. Và Thiên Long – từ một chiếc xe đạp “cà tàng” làm vốn đến nay trở thành Tập đoàn vốn hoá hơn 4.000 tỷ trên sàn chứng khoán, bán văn phòng phẩm nhưng lợi nhuận vượt xa các doanh nghiệp buôn đất trên sàn.

“Tôi là con cả trong một gia đình có 10 người con, sống cùng cha mẹ và bà nội. Sau ngày đất nước thống nhất, tôi mới 17 tuổi. Thấy ba mẹ lúc đó rất vất vả lo miếng ăn cho 13 con người mà vẫn không đủ, tôi ý thức mình phải làm gì đó để phụ giúp gia đình nên quyết định ra đời bươn chải ”, ông nói.

Thời ấy, mỗi khi đi ngang các cổng trường và quan sát thấy các anh ngồi bơm mực, sửa bút rất đông người ghé lại, ông Thọ nhận ra nhu cầu sử dụng bút rất lớn. Tìm hiểu kỹ hơn thì biết Tp.HCM đã có một vài cơ sở nhỏ làm bút, nhưng chưa ai làm bài bản. Do đó, ông quyết định khởi nghiệp bán bút từ số tiền nhỏ tích cóp được và một chiếc xe đạp "cà tàng”.

Khởi nghiệp từ chiếc xe đạp “cà tàng”

Giao dịch thuở đầu đơn giản là ông đến các xưởng nhỏ nhận vài tá bút rồi đem đi bán lẻ lại cho quầy báo, tiệm sách. Đến năm 1981, ông tích luỹ được 2 chỉ vàng và quyết định chuyển sang tự sản xuất.

TLG lúc bấy giờ chỉ là mô hình kinh tế gia đình, có anh em và cha mẹ với rất ít máy móc. Xưởng cũng chỉ là nơi lắp ráp vì xung quanh đã có cộng đồng người Hoa vốn phát triển tiểu thủ công nghiệp từ trước năm 1975, đã có sẵn nơi sản xuất các ống nhựa làm thân bút, ruột bút, đầu bút.

Nhà sáng lập Bút bi Thiên Long: Từ con cả gia đình 10 anh em, phải lập nghiệp từ năm 17 tuổi với chiếc xe đạp “cà tàng” đến công ty trị giá hơn 4.000 tỷ đồng- Ảnh 1.

Ảnh: Ông Cô Gia Thọ đang gia công bút viết trong những năm đầu khởi nghiệp.

Ông kể: “ L úc đó, thị trường buôn sỉ chủ yếu tập trung ở chợ Bình Tây, chợ Phùng Hưng. Tôi mới ra làm ăn, chưa có tên tuổi nên không thể chen chân. Muốn bán hàng, tôi phải "gối đầu", tức gửi sản phẩm trước rồi chờ bán xong mới thu được tiền, trong khi vốn có rất ít ỏi, tôi không đủ sức làm vậy. Tôi chỉ đủ tiền mua nguyên vật liệu để sản xuất trong vòng ba ngày.

Làm xong, tôi đạp chiếc xe "cà tàng" đi giao khắp các con đường từ sáng đến chiều, bỏ sỉ cho các quầy báo, tiệm sách. Phải đến ngày thứ tư bán hết mới có tiền xoay vòng mua tiếp nguyên vật liệu. Cứ thế làm theo kiểu cuốn chiếu ”.

Năm 1982, TLG bắt đầu bước chân vào thị trường bán sỉ.

Chính thức có bệ phóng từ khi Tp.HCM triển khai chính sách hỗ trợ vốn cho DN

Chuyển biến đầu tiên của TLG là khi Tp.HCM triển khai chính sách hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp cam kết tuyển thêm lao động, ông Thọ đã đăng ký vay 200 triệu đồng không lãi suất, đồng thời tuyển dụng thêm 200 công nhân. Từ đó, ông cho biết TLG có bệ phóng vững chắc.

Năm 1995, Tp.HCM sáng kiến thành lập và vận động doanh nghiệp vào khu công nghiệp Tân Tạo để có nơi sản xuất linh hoạt, chính quy, dễ quản lý và bảo vệ môi trường. Nhận thấy đây là đường hướng đúng nên đã đăng ký tham gia.

Năm 1996, TLG mua 1,5 ha đất ở khu công nghiệp Tân Tạo và xây dựng nhà máy. Cùng lúc, thành phố có thêm chính sách kết hợp ngân hàng cho các doanh nghiệp trong Tân Tạo được vay 70% để xây dựng nhà xưởng, TLG lúc này chỉ cần bỏ 30% vốn.

“Đây là chính sách rất hay, giúp cả ba bên đều có lợi: Nhà nước quy hoạch được sản xuất; doanh nghiệp có điều kiện đầu tư bài bản; ngân hàng có khách uy tí n”, ông Thọ cảm thán.

Giai đoạn 1999-2000, TLG chuyển sản xuất về Tân Tạo, kể từ đây mọi thứ thay đổi. Do có đủ diện tích, TLG theo nhà sáng lập bắt đầu tổ chức bài bản hơn, có phòng nghiên cứu phát triển (R&D), quản lý chất lượng, xử lý nước thải...

Từ một cơ sở sản xuất nhỏ, TLG từng bước trở thành doanh nghiệp chuyên nghiệp. Đến nay, TLG được biết đã 44 năm tuổi, chứng kiến và tham gia nhiều chính sách, cơ chế từ thời kỳ đất nước rất khó khăn cho đến khi có được nền kinh tế phát triển hàng đầu khu vực.

“TLG trải qua nhiều thể chế kinh tế khác nhau, qua đó học được nhiều điều. Bản thân tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì sinh sống ở một quốc gia đang phát triển từng ngày, từ đó cũng có động lực để phát triển bản thân và doanh nghiệp ”, ông Thọ nói.

Nhà sáng lập Bút bi Thiên Long: Từ con cả gia đình 10 anh em, phải lập nghiệp từ năm 17 tuổi với chiếc xe đạp “cà tàng” đến công ty trị giá hơn 4.000 tỷ đồng- Ảnh 2.

Ảnh: Nhà máy Thiên Long đặt tại Khu công nghiệp Tân Tạo (Tp.HCM).

Công ty đầu ngành vốn hóa hơn 4.200 tỷ tại Thiên Long và tham vọng Top 5 khu vực

Hiện, trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường ngày càng cao với nhiều thương hiệu ngoại gia nhập thị trường, TLG vẫn tự tin về nội lực bán hàng. Trong đó, TLG đã xây dựng được hệ thống bán hàng đa dạng từ kênh truyền thống, bán lẻ hiện đại, bán trực tiếp cho doanh nghiệp (B2B), thương mại điện tử, nhà sách và chuẩn bị cho mô hình O2O (trực tuyến đến cửa hàng trực tiếp).

Công ty cũng đa dạng danh mục sản phẩm và mở rộng thị trường ra các nước trong khu vực. Nhiều năm qua, ngành bút viết và văn phòng phẩm ở Đông Nam Á đang thu hẹp lại, các doanh nghiệp chọn chuyển qua các ngành khác có quy mô lớn hơn và lợi nhuận nhiều hơn. Trong khi đó, TLG theo ông Thọ xuất khẩu từ rất sớm.

Nhà sáng lập Bút bi Thiên Long: Từ con cả gia đình 10 anh em, phải lập nghiệp từ năm 17 tuổi với chiếc xe đạp “cà tàng” đến công ty trị giá hơn 4.000 tỷ đồng- Ảnh 3.

Số liệu từ Agency MRF cho thấy, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương chỉ tăng 5-7%, TLG vẫn đạt mức 25% năm 2024. Hiện tại, mảng xuất khẩu đóng góp 20% doanh thu cho Công ty. Năm 2024, lần đầu tiên TLG ghi nhận mức nghìn tỷ đồng từ xuất khẩu.

Thời gian tới, TLG đặt mục tiêu nâng tỷ lệ này lên trong những năm tới khi áp dụng chiến lược glocalization, tức lấy thế mạnh ở thị trường nội địa (local), chuyển hóa và áp dụng ra quốc tế (global). Công ty cũng tham vọng sẽ có mặt trong top 5 ngành bút viết và văn phòng phẩm ở Đông Nam Á.

Tại thời điểm ngày 31/12/2024, TLG đang sở hữu 5 công ty con trực tiếp với tỷ lệ sở hữu 100% vốn điều lệ gồm Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Nam Thiên Long, Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Thiên Long Hoàn Cầu, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thiên Long Long Thành, Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Tân Lực Miền Nam và Flexoffice Pte. Ltd. có trụ sở tại Singapore.

Đồng thời, doanh nghiệp còn sở hữu hai công ty con gián tiếp gồm CTCP Clever World tại Tp.HCM và ICCO Marketing (M) SDN. BHD có trụ sở tại Malaysia.

Theo như giới thiệu trên website, ngoài sản phẩm bút bi Thiên Long, Tập đoàn Thiên Long còn sở hữu các thương hiệu khác như Bizner, Flexoffice, Colokit, Điểm 10.

Hiện Thiên Long có vốn hóa thị trường trị giá hơn 4.200 tỷ đồng. Trong đó ông Cô Gia Thọ và gia đình nắm giữ gần 60% - chủ yếu thông qua công ty Đầu tư Thiên Long An Thịnh - tương ứng số cổ phiếu trị giá hơn 2.400 tỷ đồng.

Nhà sáng lập Bút bi Thiên Long: Từ con cả gia đình 10 anh em, phải lập nghiệp từ năm 17 tuổi với chiếc xe đạp “cà tàng” đến công ty trị giá hơn 4.000 tỷ đồng- Ảnh 4.

Ảnh: Gia đình ông Cô Gia Thọ đang sở hữu 9,9 triệu cổ phiếu TLG.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/nha-sang-lap-but-bi-thien-long-tu-con-ca-gia-dinh-10-anh-em-phai-lap-nghiep-tu-nam-17-tuoi-voi-chiec-xe-dap-ca-tang-den-cong-ty-tri-gia-hon-4000-ty-dong-a232188.html