Gã khổng lồ mạng xã hội Meta đang đối mặt với trận chiến pháp lý lớn nhất lịch sử thành lập. Theo New York Times, đây là phiên tòa mang tính bước ngoặt bởi nếu thành công, cơ quan quản lý có thể yêu cầu thẩm phán chia tách Meta, công ty sở hữu mạng xã hội Facebook.
Trung tâm của mọi diễn biến là Mark Zuckerberg, người đã nỗ lực đến phút cuối cùng để tránh khỏi cuộc đối đầu trực tiếp này với chính phủ Mỹ.
Nỗ lực bất thành
Theo WSJ, Zuckerberg, với sự hậu thuẫn của đội ngũ pháp lý hùng hậu, đã tiếp cận Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) với một lời đề nghị mà nhiều người cho là "khiêm tốn" đến mức khó tin: 450 triệu USD để dứt điểm vụ kiện kéo dài.
![]() |
Mark Zuckerberg rời phiên tòa ngày 15/4. Ảnh: Bloomberg. |
Con số này quá nhỏ bé so với yêu cầu ban đầu 30 tỷ USD từ FTC, và chỉ là một phần rất nhỏ so với giá trị thị trường hiện tại của Instagram và WhatsApp.
WSJ nhận định động thái này cho thấy sự tự tin, hoặc có lẽ là ảo tưởng của Zuckerberg khi cho rằng có thể dùng tiền để giải quyết mọi vấn đề, tương tự như cách Meta đã thâu tóm các đối thủ tiềm năng trong quá khứ.
Kết quả, chủ tịch FTC Andrew Ferguson đã thẳng thừng bác bỏ lời đề nghị này, cho thấy quyết tâm theo đuổi vụ kiện đến cùng. Cơ quan này kiên quyết đòi hỏi một khoản tiền phạt khổng lồ, ban đầu là 30 tỷ đô laUSD, sau đó hạ xuống mức "chấp nhận được" là 18 tỷ USD kèm theo một nghị định đồng ý, thỏa thuận pháp lý ràng buộc Meta phải thay đổi các hoạt động kinh doanh của mình.
Công ty mẹ Facebook sau đó đã nâng mức đề nghị lên gần 1 tỷ USD trong một nỗ lực tuyệt vọng nhằm tránh phiên tòa, nhưng vẫn không đủ để lay chuyển FTC.
Hậu quả, FTC đã mở phiên tòa chống độc quyền đầu tiên dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump. Cơ quan này cho rằng các thương vụ thâu tóm giúp tăng cường sức mạnh cho Meta, tước đi quyền lựa chọn của người dùng và loại bỏ đối thủ cạnh tranh.
Zuckerberg, người được cho là không mấy mặn mà với việc phải ra làm chứng, đã phải ngồi trên bục nhân chứng suốt nhiều giờ liền và phải đối mặt với những câu hỏi hóc búa từ các luật sư của FTC. Họ tập trung khai thác những email cũ của Zuckerberg, đặc biệt là những email liên quan đến chiến lược mua lại và ý định "vô hiệu hóa" các đối thủ như Instagram.
Khi được hỏi về việc liệu Facebook có trả 1 tỷ USD để mua Instagram nhằm loại bỏ một đối thủ cạnh tranh hay không, Zuckerberg chỉ thừa nhận rằng đó là một khoản tiền "rất đắt".
Cựu Chủ tịch FTC Lina Khan, một người nổi tiếng với quan điểm cứng rắn đối với nhóm Big Tech, đã không ngần ngại chỉ trích lời đề nghị hòa giải của CEO Meta là "ảo tưởng". Bà cáo buộc Zuckerberg đã "mua chuộc" để tránh cạnh tranh và giờ đây cũng muốn dùng tiền để thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật.
Cuộc chiến sống còn
Meta kiên quyết bảo vệ mình, cho rằng công ty phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều nền tảng khác như TikTok, YouTube và X. Bên cạnh đó, công ty mẹ Facebook cũng nhấn mạnh rằng FTC đã phê duyệt các thương vụ mua lại Instagram và WhatsApp từ hơn một thập kỷ trước.
![]() |
Phiên tòa này mang tính bước ngoặt bởi nếu thành công, cơ quan quản lý có thể yêu cầu thẩm phán chia tách Meta, công ty sở hữu mạng xã hội Facebook. Ảnh: The Verge. |
Tuy nhiên, FTC lập luận rằng Meta đã sử dụng vị thế thống lĩnh của mình để bóp nghẹt các đối thủ mới nổi, thực hiện một chiến lược "mua hoặc chôn vùi" để duy trì thế độc quyền bất hợp pháp.
Thực tế, phiên tòa này không chỉ là cuộc chiến giữa Meta và chính phủ Mỹ. Nó còn là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của các nhà quản lý nước này nhằm kiềm chế sức mạnh to lớn của các công ty công nghệ khổng lồ.
Theo đó, vụ kiện của FTC dựa trên Đạo luật Sherman chống độc quyền năm 1890, một đạo luật cổ xưa nhưng vẫn là vũ khí quan trọng để chống lại các hành vi độc quyền.
Trong suốt phiên tòa, FTC đã trình bày hàng loạt email và thông tin liên lạc nội bộ của Meta để chứng minh rằng công ty đã có ý định loại bỏ các đối thủ cạnh tranh ngay từ đầu. Một email từ năm 2018 của Zuckerberg đã hé lộ sự lo ngại của ông về khả năng bị buộc phải tách Instagram và WhatsApp trong tương lai do áp lực từ chính phủ.
Đáp trả lại, CEO Meta đã cố gắng giảm nhẹ ý nghĩa của những email này khi ra làm chứng. Sheryl Sandberg, cựu COO của Meta, cũng đã có mặt tại tòa để bảo vệ các chiến thuật của công ty đối với các đối thủ. Bà giải thích về quyết định chặn quảng cáo từ Google+ và các đối thủ khác, cho rằng đó là một biện pháp cần thiết để bảo vệ Facebook trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt.
WSJ dẫn nhận định từ các chuyên gia pháp lý cho rằng FTC sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc chứng minh vụ kiện của mình, đặc biệt là việc đảo ngược các thương vụ sáp nhập đã được phê duyệt từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, họ cũng cho rằng những bằng chứng nội bộ mà FTC thu thập được là rất mạnh mẽ và có thể gây bất lợi cho Meta.
Kết quả của phiên tòa này sẽ có tác động sâu rộng đến Meta và toàn bộ ngành công nghệ. Nếu FTC thắng kiện, Meta có thể bị buộc phải bán Instagram và WhatsApp.
![]() |
FTC cáo buộc Meta đã lo sợ sự phát triển nhanh chóng của Instagram và WhatsApp, dẫn đến việc trả giá quá cao để mua lại cả hai. Ảnh: Reuters. |
Việc mất Instagram nói riêng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho lợi nhuận của công ty mẹ Facebook. Mặc dù Meta không công bố số liệu doanh thu cụ thể cho từng ứng dụng, công ty nghiên cứu quảng cáo Emarketer hồi tháng 12/2024 dự báo Instagram sẽ tạo ra 37,13 tỷ USD. Instagram cũng tạo ra doanh thu trên mỗi người dùng cao hơn bất kỳ nền tảng xã hội nào khác, bao gồm cả Facebook.
Ngoài ra, điều này sẽ thay đổi đáng kể hoạt động kinh doanh của Meta và có thể tạo ra một tiền lệ mới cho việc quản lý cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ. Ngược lại, nếu gã khổng lồ mạng xã hội này giành chiến thắng sẽ củng cố vị thế thống trị của mình và tiếp tục con đường thâu tóm các đối thủ tiềm năng.
Cuốn sách phơi bày mặt tối của Facebook
"Broken Code" của Jeff Horwitz dựa trên hơn 25.000 trang tài liệu nội bộ, tiết lộ những tranh cãi, xung đột bên trong Facebook cùng tác động khôn lường của nó đến nhân loại. Tác giả tập trung vào những biến động dữ dội của mạng xã hội lớn nhất hành tinh trong những năm gần đây.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/ao-tuong-cua-mark-zuckerberg-khien-meta-phai-ra-toa-a232278.html