Sam Dogen là người sáng lập Financial Samurai, một trang web tài chính cá nhân và là tác giả của “Millionaire Milestones: Simple Steps To Seven Figures”, cuốn sách về việc xây dựng sự giàu có trong thế giới ngày nay. Ông cũng là tác giả của cuốn sách bán chạy nhất của Wall Street Journal “Buy This, Not That”.
Năm 2012, chỉ vài năm sau cuộc Đại suy thoái, Sam nghỉ hưu ở tuổi 34 sau 13 năm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư. Ông đã giúp đỡ những người khác đạt được sự độc lập về tài chính kể từ đó.
Mặc dù Mỹ chưa chính thức rơi vào tình trạng suy thoái, tuy nhiên các dấu hiệu cảnh báo đã xuất hiện. Khi sự bất ổn gia tăng, người tiêu dùng thường có xu hướng chi tiêu chậm lại, điều đó dẫn đến doanh thu kinh doanh giảm, việc tuyển dụng đóng băng và đầu tư đình trệ.
Đối mặt với sự biến động này, điều quan trọng nhất là cần chuẩn bị tài chính ngay bây giờ. Dưới đây là những quy tắc tiền tệ hàng đầu được Sam Dogen chia sẻ trong thời kỳ suy thoái:
1. Giải quyết việc bị trì hoãn
Với việc lạm phát có khả năng tăng, việc khóa giá các mặt hàng thiết yếu ngay bây giờ là điều khôn ngoan. Điều đó có nghĩa là sửa chữa, bảo trì đồ vật hỏng và tích trữ những mặt hàng thiết yếu trước khi chúng trở nên đắt đỏ hơn.
Sam Dogen khuyên rằng, nếu có xe hơi, hãy xử lý ngay những vấn đề liên quan tới bảo dưỡng phanh, lốp, dây đai, ắc quy, bộ lọc,... Khi hết hạn bảo hành, những lần sửa sau đó có thể làm tiêu tốn ngân sách.
Tương tự với ngôi nhà, nếu mái nhà, cửa sổ hoặc các thiết bị điện tử đã hư hỏng nặng, hãy cân nhắc thay thế chúng khi giá cả vẫn còn ở mức có thể quản lý được.
Đối với sức khỏe, Sam cho rằng nên đặt lịch khám hoặc làm thủ thuật trước khi phí bảo hiểm và phí khấu trừ tăng chắc chắn là cần thiết.
2. Giữ lại số tiền chi phí sinh hoạt 6 - 12 tháng trong quỹ khẩn cấp
Trong thời kỳ suy thoái, việc có tiền mặt trong tay có thể mang lại sự an toàn và yên tâm.
Là một triệu phú trong lĩnh vực đầu tư ngân hàng, Sam Dogen đưa ra lời khuyên nên để số tiền đủ chi tiêu 6 - 12 tháng trong quỹ thị trường tiền tệ có lợi suất cao, trái phiếu kho bạc, hoặc trong một tài khoản có mức lợi nhuận khoảng 4%.
Theo cách này, nếu chẳng may bị sa thải hoặc phát sinh chi phí khẩn cấp, chúng ta sẽ có khoản đệm tài chính không bị ảnh hưởng bởi sự khó lường của thị trường chứng khoán. Hơn nữa, cũng có thể ít bị cám dỗ bán cổ phiếu và các khoản đầu tư khác khi giá giảm.
3. Xác định rõ ràng mục tiêu đầu tư
Khung thời gian ảnh hưởng đến khả năng chịu rủi ro của bạn. Chính vì vậy, hãy kiên trì khi bạn muốn đầu tư cho việc nghỉ hưu sau 20 năm nữa.
Sam cho rằng nếu cần tiền mặt trong vòng hai năm để mua nhà, đóng học phí, kinh doanh hoặc nghỉ hưu, chúng ta có thể cân nhắc chuyển sang các loại tài sản thanh khoản hơn, chẳng hạn như trái phiếu Chính phủ kỳ hạn ba tháng, quỹ ETF trái phiếu kho bạc ngắn hạn hoặc quỹ thị trường tiền tệ.
Việc nêu rõ mục tiêu và biết lý do tại sao cần đầu tư cũng có thể giúp bạn dễ dàng duy trì tính kỷ luật hơn khi thị trường biến động.
4. Suy nghĩ về sự nghiệp
Trong thời buổi kinh tế và sự nghiệp bất ổn, cách tốt nhất là thể hiện điểm mạnh và giá trị mà bạn mang lại, để củng cố mối quan hệ, cũng như mở rộng mạng lưới trong ngành.
Ngoài ra, hãy cân nhắc đến các lĩnh vực khác. Khi có kỹ năng phù hợp, Sam khuyên bạn nên xem liệu có thể chuyển sang một ngành khác với nhà tuyển dụng ổn định hơn trong khi thị trường việc làm vẫn tương đối mạnh hay không. Nếu bị sa thải, hãy đảm bảo rằng bạn đàm phán một gói trợ cấp thôi việc.
5. Xây dựng nguồn thu nhập thay thế
Chỉ dựa vào một khoản lương là rất rủi ro, đặc biệt là trong thời kỳ suy thoái. Do đó, Sam Dogen khuyên bạn cần cân nhắc xây dựng càng nhiều nguồn thu nhập càng tốt.
Một số ví dụ bao gồm: thu nhập cho thuê, cổ tức, thu nhập trái phiếu, làm nghề tự do, tư vấn, công việc phụ, hoặc dạy học về một lĩnh vực mà bạn có kỹ năng.
Trong quá khứ, các ngành được Sam đánh giá là không bị ảnh hưởng bởi suy thoái bao gồm chăm sóc sức khỏe, giáo dục, tiện ích và dịch vụ thiết yếu. Nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ cắt giảm chi tiêu tùy ý trong thời kỳ khó khăn, vì vậy hãy định vị bản thân cho phù hợp.
6. Sử dụng thời gian này để đầu tư cho tương lai
Trong thời kỳ suy thoái, thị trường chứng khoán thường bán tháo. Thay vì chạy trốn, hãy cân nhắc việc dựa vào và trung bình hóa chi phí cho cả việc nghỉ hưu và tương lai của con bạn.
Hãy sử dụng thời gian này để đóng góp nhiều hơn một chút vào các chương trình 401(k), IRA, Roth IRA, 529 và các tài khoản đầu tư lưu ký.
Rất có khả năng là 10 năm sau, bạn sẽ vui mừng vì đã kiên trì theo đuổi mục tiêu, và thậm chí còn biết ơn hơn khi đã đầu tư thêm một chút khi giá giảm. Chỉ cần đảm bảo rằng bạn luôn duy trì ít nhất sáu tháng chi phí sinh hoạt bằng tiền mặt trước khi đầu tư thêm.
Có sự chuẩn bị không phải hoảng sợ
Suy thoái, đặc biệt là lạm phát đình trệ, có thể thử thách khả năng của cả những nhà lập kế hoạch kỷ luật nhất. Nhưng chúng lại mở ra cơ hội cho những người giữ được sự bình tĩnh và chủ động.
Hãy nhớ rằng suy thoái không kéo dài mãi mãi. Vào thời điểm này, chìa khóa là chuyển từ tư duy sợ hãi sang tư duy chiến lược. Thắt chặt chi tiêu, tăng dự trữ tiền mặt, đa dạng hóa các nguồn thu nhập và đầu tư dài hạn.
Với sự chuẩn bị, kiên nhẫn và tầm nhìn, chắc chắn chúng ta có thể vượt qua suy thoái kinh tế và thậm chí sử dụng nó như một bàn đạp cho sự tăng trưởng tài chính lâu dài.
Theo CNBC