Theo New York Times, ngay cả khi phải đối mặt với mức thuế quan lên tới 27% đối với phần lớn hàng xuất khẩu sang Mỹ, các doanh nhân và quan chức Ấn Độ vẫn lạc quan khi đối thủ kinh tế lớn nhất là Trung Quốc đang phải hứng chịu những điều kiện tồi tệ hơn nhiều.
Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã nỗ lực để trở thành một lựa chọn thay thế Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất. Do đó, chính sách thuế quan mới từ Mỹ dường như đem lại lợi thế bất ngờ cho New Delhi.
Ông Praveen Khandelwal, Nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền của Thủ tướng Narendra Modi và là nhân vật chủ chốt trong giới vận động kinh doanh tại nước này, tin rằng mức thuế “trên trời” đối với hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ đã tạo ra một cơ hội quý giá cho thương mại và công nghiệp của Ấn Độ.
Tham vọng của Ấn Độ
Với lực lượng lao động khổng lồ, Ấn Độ từ lâu đã tìm cách chen chân vào chuỗi sản xuất mà Trung Quốc đang thống trị. Nhưng thực tế, các nhà máy ở Ấn Độ vẫn chưa sẵn sàng.
Trong 10 năm qua, Thủ tướng Modi đã theo đuổi chương trình “Make in India” đầy tham vọng.
Chính phủ nước này đã chi hơn 26 tỷ USD để hỗ trợ các công ty sản xuất trong các lĩnh vực chiến lược, đồng thời nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài trên danh nghĩa giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Một trong những mục tiêu lớn là tạo ra 100 triệu việc làm mới trong ngành sản xuất vào năm 2022.
Đã có những tín hiệu tích cực. Điển hình nhất là việc Foxconn bắt đầu sản xuất iPhone cho Apple tại Ấn Độ và chuyển một phần dây chuyền ra khỏi Trung Quốc.
Tuy vậy, vai trò của ngành sản xuất trong nền kinh tế Ấn Độ trong suốt một thập kỷ qua lại đang suy giảm, từ 15% GDP xuống còn chưa đến 13%, nhường chỗ cho các lĩnh vực như dịch vụ và nông nghiệp.
Trung Quốc - với nền kinh tế lớn gấp 5 lần Ấn Độ - là minh chứng điển hình cho mô hình “làm ra và bán đi những thứ mà cả thế giới cần”. Tại hầu hết nền kinh tế Đông Á, lĩnh vực sản xuất cũng chiếm tới 25% GDP, gấp đôi tỷ lệ ở Ấn Độ.
Cơ sở hạ tầng công cộng tại Ấn Độ đã có nhiều bước tiến dưới thời ông Modi. Nhưng 10 năm vẫn chưa đủ để đào tạo lực lượng lao động phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước vẫn còn nhiều trở ngại.
Chỉ cách New Delhi chưa đầy một giờ chạy xe qua tuyến đường cao tốc trên cao 8 làn mới khánh thành, Khu công nghiệp Rai ở bang Haryana nằm trên vùng đất từng trồng lúa mì và cải dầu. Một số nhà máy tại đây đã sản xuất phụ tùng ôtô và thực phẩm chế biến từ 20 năm qua, số khác thì mới bắt đầu và nuôi hy vọng sớm bứt phá.
Nhiều rào cản về trình độ
Vikram Bathla, người sáng lập công ty chuyên sản xuất pin xe điện LiKraft vào năm 2019, cho biết rào cản lớn nhất đối với công việc kinh doanh là khả năng tiếp cận công nghệ. Hiện công ty phụ thuộc lớn vào nhập khẩu, vốn cần đặt hàng số lượng lớn và thời gian vận chuyển lâu.
Đồng thời, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân lực có tay nghề cao để vận hành các quy trình kỹ thuật.
“Chúng tôi có thể mua thiết bị và chúng tôi đã mua. Nhưng điều chúng tôi không có là những công nhân có kỹ năng để vận hành thiết bị đó”, Bathla chia sẻ đang cố gắng rút ngắn khoảng cách với các đối thủ đã khởi đầu trước mình 15 năm.
Trong nhà máy của Likaft, có khoảng 300 công nhân, phần lớn là lao động di cư đến từ các bang nghèo hơn của Ấn Độ, cặm cụi lắp ráp pin lithium-ion. Họ bắt đầu từ những cell pin nhập khẩu từ Trung Quốc, một số là những ống trụ màu xanh ngọc có nhãn “Made in Inner Mongolia” (sản xuất tại Nội Mông).
![]() |
Lao động trình độ thấp là trở ngại lớn với nền sản xuất của Ấn Độ. Ảnh: New York Times. |
Ở khu vực khác, các công nhân vận hành những cỗ máy lớn hơn - cũng nhập từ Trung Quốc - để hàn các cell pin và linh kiện điện tử thành các cụm pin hoàn chỉnh. Thành phẩm cuối cùng sẽ được dán nhãn “Made in India” nhưng chuỗi cung ứng thì hoàn toàn đến từ nước ngoài.
Và đây không chỉ là câu chuyện riêng của ngành công nghệ cao. Một nhà máy khác, cách đó chỉ nửa dặm trong cùng khu công nghiệp, cũng phụ thuộc đầu vào nước ngoài.
AutoKame chuyên thiết kế, cắt và may vỏ bọc ghế ôtô cho thị trường nội địa Ấn Độ. Những chiếc máy cắt vải có độ chính xác cao với cánh tay robot đều được nhập khẩu từ Đức và Italy. Nguyên liệu sợi tổng hợp để làm vỏ ghế cũng phải nhập từ nước ngoài.
Theo ông Anil Bhardwaj, Tổng thư ký một hiệp hội ngành sản xuất, chi phí nguyên liệu đắt đỏ mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Ông cho biết gánh nặng còn đến từ chi phí đất đai quá cao, thiếu hụt kỹ sư đúng chuyên môn và khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng kém. Giống nhiều doanh nhân khác, ông chỉ ra nguyên nhân sâu xa nằm ở chính sách thiếu nhất quán và bộ máy hành chính rối rắm - những rào cản dai dẳng đã bám lấy ngành công nghiệp Ấn Độ suốt nhiều thập kỷ.
Ông Bhardwaj cũng chỉ ra một vấn đề ít được nói đến hơn: hệ thống tư pháp. Ông cho rằng tòa án Ấn Độ hoạt động chậm chạp, phán quyết tùy tiện và khiến các doanh nghiệp nhỏ dễ bị tổn thương trước các tập đoàn lớn vốn có thể thuê được luật sư giỏi hơn và gây ảnh hưởng chính trị.
“Đó là lý do người ta thật sự sợ các công ty lớn ở Ấn Độ”, ông nói. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp chọn cách không tăng trưởng để né rủi ro và chấp nhận đánh mất lợi thế quy mô.
Nhiều hy vọng cho Ấn Độ
Dù vậy, ông Bhardwaj và nhiều chuyên gia khác cũng thừa nhận đã có những cải thiện đáng kể trong vài năm gần đây. Ví dụ, nguồn điện từng thiếu hụt cách đây một thập kỷ nay đã dồi dào hơn tại các khu công nghiệp như ở bang Haryana. Nhiều thủ tục hành chính cũng được đơn giản hóa dưới thời ông Modi.
Một số bang thậm chí đã tái tạo được phần nào mô hình sản xuất từng giúp các nhà máy Trung Quốc trở thành hình mẫu toàn cầu. Cụm các nhà cung ứng của Apple tại bang Tamil Nadu hiện sản xuất tới 20% lượng iPhone toàn cầu. Trước đây, gần như toàn bộ số iPhone này được sản xuất ở Trung Quốc.
![]() |
Doanh nghiệp Ấn Độ cũng đối mặt với chi phí đất đai cao và thiếu nguồn tài chính tốt từ các ngân hàng. Ảnh: New York Times. |
Hồ sơ tại sân bay chính của Tamil Nadu cho thấy trong vài tuần trước khi Tổng thống Trump tuyên bố mức thuế 27%, lượng hàng điện tử xuất khẩu từ bang này đã tăng gấp đôi lên hơn 2.000 tấn mỗi tháng khi Apple và các công ty khác tranh thủ tích trữ hàng.
Tuy nhiên, quyết định loại trừ smartphone và các thiết bị điện tử khỏi diện áp thuế của ông Trump có thể khiến cuộc đua đẩy hàng iPhone sang Mỹ hạ nhiệt.
Dù vậy, những thay đổi dài hạn đang được định hình. Một người am hiểu kế hoạch của các nhà cung ứng Apple tiết lộ rằng các nhà cung ứng này đang đặt mục tiêu mở rộng sản xuất để Ấn Độ có thể làm ra 30% lượng iPhone toàn cầu.
Ông Khandelwal khẳng định rằng Ấn Độ đã sẵn sàng nắm bắt lợi thế bất ngờ, không chỉ trong ngành điện tử mà còn ở các lĩnh vực phụ tùng ôtô, dệt may và hóa chất.
Các chủ nhà máy nhỏ cũng háo hức với viễn cảnh này. Nhưng họ lại nhìn thấy trước mặt là những rào cản cũ kỹ, những vấn đề nội tại đã tồn tại cả thập kỷ và vẫn bám rễ sâu đến mức chưa ai gỡ nổi.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/an-do-co-the-soan-ngoi-cong-xuong-the-gioi-cua-trung-quoc-a232638.html