Công xưởng của Apple bị vắt kiệt sức

Apple yêu cầu nhà cung ứng tăng cường sản xuất tại Ấn Độ và Việt Nam để tận dụng 90 ngày hoãn thuế đối ứng. Công suất các nhà máy bị đẩy đến mức tối đa.

MacBook Air M4 của Apple. Ảnh: New York Times.

Theo nguồn tin của Nikkei, Apple đang tăng cường sản xuất một số thiết bị quan trọng tại Ấn Độ và Việt Nam. Động thái này nhằm tận dụng thời gian tạm hoãn thuế đối ứng 90 ngày của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cụ thể, Apple đã hỗ trợ nhà cung ứng mua thêm thiết bị, tăng sản lượng lắp ráp iPhone tại Ấn Độ thêm vài triệu chiếc. Công ty dự kiến sản xuất ít nhất 50 triệu iPhone ở Ấn Độ trong năm nay và xuất khẩu phần lớn sang Mỹ.

Trên thực tế, Apple đã yêu cầu nhà cung ứng tại Ấn Độ tăng sản lượng từ đầu năm. Tuy nhiên, kế hoạch gặp trở ngại do công suất nhà máy đạt tối đa. Tương tự, Táo khuyết chia sẻ với nhà cung cấp rằng phần lớn MacBook và iPad dành cho thị trường Mỹ cần được sản xuất tại Việt Nam.

Apple đã yêu cầu số lượng linh kiện, bộ phận từ Trung Quốc được vận chuyển đến Đông Nam Á và Ấn Độ càng nhiều càng tốt, phục vụ tăng cường sản xuất cho thị trường Mỹ.

Theo Nikkei, Apple cũng đề nghị nhà cung cấp đẩy nhanh quá trình sản xuất một số linh kiện, chẳng hạn như bảng mạch in, từ Trung Quốc sang Thái Lan và những quốc gia khác.

Tuy vậy, nhiều linh kiện như đầu nối, bộ phận cơ học và vỏ kim loại vẫn có chi phí thấp nhất nếu sản xuất tại Trung Quốc. Điều này khiến việc sản xuất nhiều bộ phận tại quốc gia khác gần như không khả thi.

“Chúng tôi được yêu cầu vận chuyển càng nhiều linh kiện càng tốt đến Đông Nam Á và Ấn Độ bằng đường hàng không...

Dường như khách hàng đang gom hết hàng tồn kho để chuyển khỏi Trung Quốc”, giám đốc một công ty cung cấp linh kiện cho Apple chia sẻ. Người này nói thêm rằng công ty sẽ phải gánh thêm chi phí vận chuyển hàng không.

Made in Viet Nam,  Apple san xuat MacBook,  Donald Trump thue quan,  iPhone tang gia anh 1

iPad Air M3. Ảnh: The Verge.

Trả lời Nikkei, quản lý một công ty cung ứng khác khẳng định Apple “rất nghiêm túc” trong việc đánh giá nhiều địa điểm sản xuất linh kiện tại Thái Lan. Người này cho rằng quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc diễn ra nhanh chóng.

Dù vậy, Trung Quốc được cho đang thắt chặt thủ tục hải quan trong nhiều tháng, khiến việc vận chuyển máy móc bị đình trệ.

“Không phải chúng tôi không muốn mở rộng năng lực sản xuất, nhưng vấn đề vẫn còn đó... Chúng tôi liên tục khó khăn trong việc xuất khẩu thiết bị khỏi Trung Quốc”, giám đốc một công ty lắp ráp thiết bị cho Apple chia sẻ.

Tương tự, nhiều hãng công nghệ lớn như Meta, HP và Dell đã yêu cầu nhà cung cấp tăng tốc sản xuất tại Việt Nam. Lượng hàng trong quý II tăng cao so với dự báo trước đó, phục vụ kế hoạch nhập khẩu vào Mỹ trước khi hết 90 ngày hoãn thuế.

Cuối tuần trước, chính quyền ông Trump đã miễn thuế quan cho nhiều sản phẩm công nghệ như smartphone và laptop, dù chúng vẫn chịu thuế 20% nếu vận chuyển từ Trung Quốc.

Ngay sau đó, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết cùng với chất bán dẫn, các sản phẩm điện tử có thể bị áp thuế theo quy định riêng, dự kiến được công bố trong thời gian tới. Điều này khiến thị trường công nghệ tiếp tục rơi vào tình trạng bất ổn.

Những câu chuyện bên trong Apple

Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/cong-xuong-cua-apple-bi-vat-kiet-suc-a232864.html