Hàng hoá Trung Quốc vẫn 'đắt như tôm tươi', xuất khẩu tăng mạnh 3 tháng liên tiếp: Thuế quan của Mỹ có 'lỗ hổng'?

Bất chấp việc bị Mỹ áp thuế 145%, hoạt động thương mại của Trung Quốc tiếp tục đà tăng mạnh 3 tháng liên tiếp.

Hàng hoá Trung Quốc vẫn 'đắt như tôm tươi', xuất khẩu tăng mạnh 3 tháng liên tiếp: Thuế quan của Mỹ có 'lỗ hổng'?- Ảnh 1.

Bất chấp việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt các mức thuế quan trừng phạt lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, hoạt động thương mại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn duy trì được sức bật trong tháng 4. Điều này phần nào phản ánh sự linh hoạt của các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc và tác động từ việc Mỹ tạm hoãn áp thuế với hầu hết các quốc gia.

Theo dữ liệu chính thức công bố hôm 21/4, các cảng biển của Trung Quốc đã xử lý 6,3 triệu container trong 7 ngày tính đến ngày 20/4. Con số này tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu gần 3 tháng tăng trưởng liên tiếp trong hoạt động vận chuyển hàng hóa. Diễn biến này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ trong hoạt động thương mại của Trung Quốc, bất chấp căng thẳng thương mại leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Một yếu tố quan trọng giúp xuất khẩu Trung Quốc không sụt giảm mạnh chính là quyết định của ông Trump hoãn áp thuế trong vòng 90 ngày, đồng thời miễn trừ cho nhiều mặt hàng điện tử như điện thoại thông minh và máy tính.

Theo Gerard DiPippo - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Rand Corporation, nhóm hàng hóa được miễn trừ kể trên trị giá hơn 100 tỷ USD, mang lại “khoảng thở” lớn cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc.

Ngoài ra, việc tạm dừng áp thuế cũng giúp giảm tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng tại châu Á, đồng thời cho phép Trung Quốc chuyển hướng một phần xuất khẩu sang các thị trường khác.

Theo phân tích của Ngân hàng ANZ, quan hệ thương mại Mỹ - Trung đang dần tiến tới sự tách rời hoàn toàn. Báo cáo của ANZ chỉ ra: “Xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc sẽ sụt giảm nhanh chóng, nhưng chiều ngược lại sẽ giảm chậm hơn do hàng hóa Trung Quốc khó thay thế.”

Thậm chí, việc Trung Quốc trả đũa có thể khiến thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc tăng thêm chứ không giảm.

Mặc dù vậy, các chuyên gia cảnh báo đây chỉ là giai đoạn tạm ổn. Với mức thuế vượt 100% được cả hai phía áp đặt lên nhiều mặt hàng, thương mại song phương khó tránh khỏi thiệt hại nặng nề trong tương lai gần.

Trên thực tế, Trung Quốc đã bắt đầu cắt giảm mạnh một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ trong tháng trước. Nhưng phía Mỹ vẫn có nhu cầu lớn với hàng Trung Quốc. Cảng Los Angeles, cửa ngõ nhập khẩu container lớn nhất nước Mỹ, dự kiến sẽ tiếp nhận 13 chuyến tàu từ Trung Quốc trong tuần này, với hơn 120.000 container từ nhiều nơi khác nhau được dỡ hàng. Con số này chỉ thấp hơn một chút so với tuần trước và cao hơn mức trung bình từ đầu năm đến nay.

Không chỉ vận tải đường biển, lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không cũng tăng, chủ yếu nhờ doanh số trên các nền tảng thương mại điện tử như Temu và Shein tăng bùng nổ. Cả hai hãng này đều ghi nhận doanh số phục hồi mạnh trong tháng 3 và 4, nhờ chiến lược bán hàng giá thấp và quảng cáo mạnh ở thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, một số dấu hiệu suy yếu cũng bắt đầu xuất hiện. Dữ liệu từ China State Railway Group cho thấy, khối lượng hàng hóa vận chuyển qua các tuyến đường sắt Trung Quốc - châu Âu đã giảm gần 10% trong quý I năm nay.

Trong khi đó, người tiêu dùng Mỹ đang tranh thủ tích trữ các mặt hàng như cọ trang điểm hay đồ gia dụng trước khi chính phủ Mỹ chấm dứt miễn thuế cho các đơn hàng dưới 800 USD vào tháng 5.

Cả Temu và Shein mới đây cũng thông báo sẽ tăng giá sản phẩm tại Mỹ trong tuần này do “những thay đổi trong chính sách thương mại toàn cầu và thuế quan.”

Những thay đổi này có thể làm giảm nhu cầu tiêu dùng, từ đó kéo theo sự sụt giảm trong khối lượng thương mại.

Tổng hợp

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/hang-hoa-trung-quoc-van-dat-nhu-tom-tuoi-xuat-khau-tang-manh-3-thang-lien-tiep-thue-quan-cua-my-co-lo-hong-a232954.html