Thương chiến Mỹ-Trung: Hé lộ ‘vũ khí’ tối thượng giúp Bắc Kinh chiến tới cùng với Washington, ‘niềm tự hào’ của Không quân Mỹ sẽ không thể cất cánh nếu thiếu thứ này

Theo tờ ABC News (Australia), vấn đề của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là bên nào có thể chịu đựng được lâu nhất và chịu thiệt hại ít nhất.

Thương chiến Mỹ-Trung: Hé lộ ‘vũ khí’ tối thượng giúp Bắc Kinh chiến tới cùng với Washington, ‘niềm tự hào’ của Không quân Mỹ sẽ không thể cất cánh nếu thiếu thứ này- Ảnh 1.

Những người ủng hộ Mỹ trong cuộc thương chiến này cho rằng Trung Quốc phụ thuộc vào Mỹ bởi Washington là đối tác thương mại lớn nhất của Bắc Kinh.

Ngược lại, Mỹ chỉ coi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3. Đó là lý do tại sao ông Trump khẳng định rằng Trung Quốc cần Mỹ nhiều hơn Mỹ cần Trung Quốc.

Nhưng Mỹ cũng đã gây chiến với 2 đối tác thương mại lớn nhất của mình là Canada và Mexico.

Cả 2 đều đang sôi sục vì cách đối xử của chính quyền ông Trump. Canada đã đe dọa tẩy chay mua hàng Mỹ và thậm chí là ngưng xuất khẩu điện.

Với mức thuế mới nhất là 245%, về cơ bản, Mỹ đã chặn đứng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, buộc nước này sẽ phải tìm nguồn cung từ nơi khác.

Nhưng có vấn đề đó là cả Canada và Mexico đều không sản xuất loại hàng hóa mà Trung Quốc đang cung cấp ở quy mô lớn. Trung Quốc thống trị sản xuất hàng tiêu dùng ở mọi mặt hàng, từ đồ điện tử, điện máy đến máy móc, quần áo, giày dép, nhiều loại hàng sản xuất và vật liệu xây dựng.

Tác động của thuế quan và tình trạng thiếu hụt chắc chắn sẽ đẩy giá nhiều mặt hàng tiêu dùng nhập khẩu vào Mỹ tăng mạnh. Điều này có thể dẫn đến một đợt lạm phát khác và buộc Fed phải tăng lãi suất.

Ngược lại, mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất của Mỹ sang Trung Quốc là hàng nông sản, vốn có thể dễ dàng nhập khẩu từ nơi khác.

Mỹ xuất khẩu nhiều hạt có dầu và ngũ cốc sang Trung Quốc. Nhưng nhiều quốc gia khác cũng sản xuất những mặt hàng này, bao gồm cả Australia và Brazil. Vì vậy, Trung Quốc sẽ tìm mua ở nơi khác.

Khoảng 2 năm trước, Mỹ vẫn bán một lượng lớn chip bán dẫn sang Trung Quốc. Nhưng chip giờ đây không còn là con bài mặc cả quan trọng như trước nữa vì Mỹ đã gần như cấm xuất khẩu chúng, khiến Washington không còn nhiều đòn bẩy.

Tiếp theo là dầu và khí đốt, nhưng đây cũng là những mặt hàng có thể được mua từ nhiều nhà cung cấp.

Khoáng sản quan trọng của Trung Quốc

Ngược lại, Trung Quốc có một “vũ khí” sắc bén: khoáng sản quan trọng, đặc biệt là đất hiếm.

Trung Quốc thống trị nguồn cung đất hiếm ở dạng chưa qua chế biến. Quan trọng hơn, nước này chiếm khoảng 90% sản lượng đất hiếm tinh chế trên toàn cầu.

Đất hiếm đóng vai trò thiết yếu trong việc tạo ra nam châm siêu cứng dùng trong các ứng dụng robot, quân sự và năng lượng tái tạo. Trung Quốc không chỉ nắm thế thượng phong trong sản xuất sản phẩm tinh chế mà còn dẫn đầu trong sản xuất nam châm.

Tiêm kích F-35 của Không quân Mỹ không thể bay nếu không có chúng. F-35, niềm tự hào của Mỹ, được biết đến là máy bay chiến đấu hiện đại nhất thế giới. Đà phát triển trí tuệ nhân tạo và robot tại Mỹ có thể bị cản trở nghiêm trọng nếu thiếu đi vật liệu này.

Vì vậy, như ông Trump thường nói, bạn đừng bao giờ khơi mào một cuộc chiến mà bạn không thể thắng.

Tham khảo: ABC News

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/thuong-chien-my-trung-he-lo-vu-khi-toi-thuong-giup-bac-kinh-chien-toi-cung-voi-washington-niem-tu-hao-cua-khong-quan-my-se-khong-the-cat-canh-neu-thieu-thu-nay-a233044.html