Sau sáp nhập, đây là tỉnh rộng nhất, đông dân nhất miền Tây, kinh tế cũng khủng không kém

Tỉnh này sẽ sở hữu đa dạng địa hình địa lý, giúp phát triển kinh tế. Dân số đông cũng là thị trường đầy hứa hẹn.

Sau sáp nhập, đây là tỉnh rộng nhất, đông dân nhất miền Tây, kinh tế cũng khủng không kém- Ảnh 1.

Theo nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4, tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, việc hợp nhất tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang, lấy tên gọi là tỉnh An Giang, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Kiên Giang.

Mới đây, Tỉnh ủy Kiên Giang tổ chức họp đột xuất xem xét một số vấn đề liên quan đến việc sáp nhập tỉnh An Giang và Kiên Giang.

Theo đó, Đảng ủy UBND tỉnh Kiên Giang trình dự thảo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và dự thảo đề án sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang.

Tỉnh Kiên Giang có diện tích tự nhiên 6.352,08km2 và quy mô dân số 2.210.387 người; có 15 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 12 huyện và 3 thành phố); 143 đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn.

Tỉnh An Giang có diện tích tự nhiên 3.536,83 km2 và quy mô dân số 2.741.851 người; có 11 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 2 thành phố, 2 thị xã, 7 huyện), 155 xã, phường, thị trấn.

Phương án sắp xếp thành lập tỉnh An Giang trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của tỉnh Kiên Giang và toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của tỉnh An Giang.

Sau sáp nhập, đây là tỉnh rộng nhất, đông dân nhất miền Tây, kinh tế cũng khủng không kém- Ảnh 2.

Sau sáp nhập, trung tâm hành chính của tỉnh An Giang mới dự kiến đặt tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang hiện nay. Trong ảnh, một góc TP Rạch Giá.

Kết quả, tỉnh An Giang sau sáp nhập có diện tích tự nhiên trên 9.888km2, quy mô dân số 4.952.238 người.

Theo đó, tỉnh An Giang mới sẽ rộng nhất và dân số đông nhất Đồng bằng sông Cửu Long (miền Tây Nam Bộ).

Lợi thế lớn về vị trí địa lý, tiềm năng phát triển

Theo Báo An Giang, An Giang là vùng đất có vị trí chiến lược, cả về quốc phòng - an ninh và tiềm năng kinh tế. Nằm ở đầu nguồn sông Cửu Long, An Giang là tỉnh duy nhất có cả dòng sông Tiền và sông Hậu chảy qua, cung cấp nguồn nước ngọt quanh năm, có điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, đa dạng sinh học, lợi thế sản xuất nông nghiệp hàng đầu cả nước.

An Giang là tỉnh duy nhất có cửa khẩu quốc tế kết hợp đường bộ và đường thủy (xã Vĩnh Xương), Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, cùng nhiều cửa khẩu quốc gia và cửa khẩu phụ, rất thuận lợi cho hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia. Đặc biệt là vận tải đường thủy đến cảng Phnom Penh (Vương quốc Campuchia) qua Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương (TX. Tân Châu).

Giai đoạn đến năm 2030, An Giang tập trung đầu tư khu kinh tế cửa khẩu Tịnh Biên, gắn kết với tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Giai đoạn sau năm 2030, thu hút đầu tư khu kinh tế cửa khẩu Vĩnh Xương, Khánh Bình, gắn kết với các tuyến Quốc lộ 80B, Quốc lộ 91, tuyến N1.

Từ đó, hình thành hành lang kinh tế với một đầu là cảng biển nước sâu Trần Đề, qua trung tâm kinh tế vùng tại TP Cần Thơ, kết nối với khu kinh tế cửa khẩu An Giang; phát huy các hành lang kinh tế dọc sông Tiền, sông Hậu, hành lang kinh tế biên giới theo trục N1.

Năm 2024, GRDP của tỉnh An Giang ước tăng 7,16% (so cùng kỳ năm 2023), trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,67%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,73%; khu vực dịch vụ tăng 8,34%...

Tăng trưởng năm 2024 của tỉnh An Giang xếp thứ 5 vùng Đồng bằng sông Cửu Long và xếp thứ 38 cả nước, GRDP đạt 126.771 tỷ đồng, bình quân đầu người đạt 66,28 triệu đồng.

Trong khi đó, Kiên Giang là tỉnh nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc, thuộc vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long; có vị trí chiến lược rất quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh của cả nước và khu vực đồng bằng sông Cửu Long; có nhiều tiềm năng, lợi thế, hội đủ các yếu tố để phát triển cả nông - lâm - ngư nghiệp và dịch vụ, đặc biệt là kinh tế biển, theo Tạp chí Cộng sản.

Cùng đó, bên cạnh hệ sinh thái rừng nhiệt đới đa dạng, phong phú, tỉnh Kiên Giang còn có bờ biển dài hơn 200km, vùng biển rộng hơn 63.000km2, đa dạng về chủng loại hải sản có giá trị kinh tế cao; ngoài ra, còn có nhiều di tích, danh thắng về biển, đảo độc đáo, đặc biệt là Phú Quốc - thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam…

Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Kiên Giang, năm 2024, uớc tính tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) (giá so sánh 2010) của tỉnh này đạt 78.259,75 tỷ đồng, tăng 7,5% so với năm trước, vượt 0,8% kế hoạch. GRDP bình quân đầu người ước đạt 81,84 triệu đồng, vượt 0,18% kế hoạch.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/sau-sap-nhap-day-la-tinh-rong-nhat-dong-dan-nhat-mien-tay-kinh-te-cung-khung-khong-kem-a233274.html