50 năm Sài Gòn - TP.HCM - Kỳ 4: Đổi thay lớn lao ở đại lộ Võ Văn Kiệt

Bên kia đại lộ mang tên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là dòng kênh yên ả in bóng những căn nhà, bên này lại là cảnh tấp nập của những chành xe bốc dỡ hàng hóa.

50 năm Sài Gòn - Ảnh 1.

Bên đại lộ Võ Văn Kiệt, những chung cư hiện đại mọc lên thay cho các xóm nhà xập xệ một thời - Ảnh: YẾN TRINH

Người giao hàng nhễ nhại mồ hôi, nhận lấy từng thùng các tông rồi túa đi nhiều địa điểm cho kịp giờ. Hình ảnh ngược xuôi của những "con ong" chăm chỉ ấy minh chứng cho hiệu quả giao thông từ khi đại lộ rộng đẹp này thành hình ở TP.HCM.

Con đường lưu thông hàng hóa

Trong ký ức những người trung niên từng qua lại hay sống ven rạch Bến Nghé - Tàu Hủ vẫn chưa phai hình ảnh dòng nước đen đầy rác rưởi và các dãy "nhà cao cẳng" xập xệ, ô nhiễm. Liền kề lõi trung tâm quận 1, nhưng nơi này từng như một thế giới khác hẳn của cuộc sống tạm bợ, nghèo khó và chịu đựng ô nhiễm.

50 năm Sài Gòn - TP.HCM - Kỳ 2: Mở đường đón con chip đến bưng biền50 năm Sài Gòn - TP.HCM - Kỳ 1: Người lính trận về khai hoang bờ sông Sài Gòn

Tuy nhiên những hình ảnh xám buồn đó đã đổi thay hẳn từ khi đại lộ Võ Văn Kiệt rộng đẹp uốn lượn bên dòng kênh...

Ngày trước các chành xe khu Chợ Lớn nằm rải rác ở các tuyến đường nội ô quận 5, quận 6, 11, xe tải hạn chế ra vào vì bị cấm giờ.

Ngày nay trên đại lộ Võ Văn Kiệt, từ khu vực phường 1, quận 6, kéo dài mấy cây số, những chành xe san sát mọc lên với bảng hiệu giản dị như Duy Sài Gòn - Biên Hòa, Phát Tân An - Mỹ Tho - Bến Tre, Chín Rạch Sỏi - Kiên Giang...

Những người chủ các chành xe cắm cúi ghi thời gian, người gửi, số lượng hàng vào cuốn sổ lớn. Trời nóng hực, những nam nhân viên cởi trần, vác hàng chất lên xe. Xe này chưa xong, xe khác đã trờ tới, í ới gọi nhau.

Vẻ chất phác, chị Nguyễn Bé Hai (50 tuổi, ngụ quận 6) quan sát nhân viên xếp hàng vào góc kho, rồi cho biết chành chuyên nhận gửi hàng đi Long Xuyên, thường khởi hành 22h, chừng 2h sáng tới.

50 năm Sài Gòn - TP.HCM - Kỳ 4: Đổi thay lớn lao ở đại lộ Võ Văn Kiệt - Ảnh 2.

Đại lộ Võ Văn Kiệt hướng ra cầu Ba Son nối liền những con đường xuyên Việt - Ảnh: YẾN TRINH

"Gửi sách vở hả em, chị tính cưng 30.000 đồng/thùng, gửi cỡ 50 thùng bớt còn 25.000 đồng/thùng thôi. Giá chục năm nay không tăng đó", chị niềm nở.

20 năm trong nghề, trước đây vợ chồng chị mở chành xe ở đường An Dương Vương. Bảy năm trước, thấy đại lộ Võ Văn Kiệt nườm nượp người xe, đưa hành khách, hàng hóa ngày đêm xuôi về các tỉnh, chị dồn việc làm ăn vào chành xe trên đường này với 4 chiếc xe tải lớn. "Ở đây gần Chợ Lớn, tiện cho người ta gửi hàng, không phải đi xa", chị nói.

Cách đó mấy chành là chành của anh Mai Hữu Phước dời về khúc này 3 năm nay, chuyên nhận gửi Bà Rịa - Vũng Tàu. "Xe tải 8 tấn nên 22h mới được vô đường này. Hàng gì bên em cũng chở, tầm hai tiếng tới rồi. Có gì chị cứ gọi, chốt giá rồi đem ra", anh cười.

Những chành xe không chỉ làm "con đường tơ lụa" này nhộn nhịp hơn, mà còn giúp quá trình giao thương nhanh chóng. Người giao hàng có thêm thu nhập khi làm trung gian, ghé chành lấy hàng rồi đem giao.

Như với ông Nguyễn Toàn (64 tuổi, ngụ quận 5), sau xe máy chở mấy nải chuối, xoài, phía trước mấy bịch bánh tráng của khách Bến Tre gửi lên. Ông nhanh chóng bắt mối khách mới, lấy số điện thoại "có gì gọi".

Hình ảnh những người như ông Toàn chăm chỉ, tất bật... tạo thêm nét sôi động cho đại lộ mang tên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

50 năm Sài Gòn - Ảnh 3.

Từ khi có đại lộ Võ Văn Kiệt đã giảm tải cho các đường song hành trong nội thành TP.HCM - Ảnh: YẾN TRINH

Những đứa trẻ lớn lên cùng đại lộ

Xa khỏi những chành xe, chúng tôi ghé vào xe nước mía mà bà Xuân (62 tuổi, ngụ phường 7, quận 6) phụ người em bán.

Nghe nhắc lai lịch con đường, bà hào hứng hẳn. Hồi đó bà ở Đắk Lắk, lấy chồng rồi xuống Sài Gòn năm 1982, lần lượt nuôi ba người con bằng quán cơm nhỏ. Khi Nhà nước mở đường lớn, căn nhà 20m2 của bà lòi ra mặt tiền.

"Ra mặt tiền khu này, nhưng em tôi bán giá rẻ thôi, nước từ 7.000 - 10.000 đồng tùy ly nhỏ lớn. Nó bán lai rai đủ sống, còn tôi giờ thảnh thơi rồi", bà kể về người em bán nước.

Gần đó, ông Nguyễn Văn Bông (71 tuổi, anh rể bà Xuân) ngồi hóng gió từ bên kia kênh thổi từng hồi. Con gái ông tưới mấy chậu tắc, sống đời, vừa la chừng chừng chú chó đang chạy giỡn.

Hơn 17h, cháu ngoại bà Xuân là Phan Văn Tuấn Sang (17 tuổi) đi học về, phụ việc lặt vặt. Sang là một trong những đứa trẻ lớn lên cùng con đường này, ngày ngày ra khỏi cửa là nhìn thấy đường lớn thênh thang, khiến chúng tôi chợt nhớ lời nhạc rap thịnh hành "Em vào đời bằng mây trắng. Em vào đời bằng đại lộ".

Ngày nhỏ Sang và các bạn chung xóm được cha mẹ chở đi học trên con đường này. Lúc rảnh rỗi, bạn bè thường ghé rủ đi chơi trong các quán xá ở khu vực lân cận, có khi vào Vạn Hạnh Mall quận 10 xem phim. Em học nghề quản trị mạng với mong muốn làm trong ngành công nghệ thông tin.

50 năm Sài Gòn - Ảnh 4.

Đại lộ Võ Văn Kiệt rộng đẹp thơ mộng khi chiều về - Ảnh: YẾN TRINH

Đại lộ mới, trang đời mới

Những hàng cây xanh yên bình, mát mẻ và uốn lượn tuyệt đẹp bên kênh Tàu Hủ đã tạo cho Võ Văn Kiệt là đại lộ đẹp nhất nhì thành phố.

Khi hoàng hôn dần buông, đứng trên cầu đi bộ nhìn xuống dòng xe cộ, con kênh lững lờ, cha mẹ đón con trẻ về nhà, vài người đạp xe thể dục... người ta mới cảm nhận được phần nào nét thi vị giữa chốn đô thị sầm uất này.

Cạnh những tòa chung cư, nhà phố, vẫn còn đó những ngôi nhà cổ vàng nhạt soi bóng dòng kênh. Rẽ vào những đường giao đại lộ, thị dân hay khách thập phương có thể chọn cho mình chốn muốn đến, như ngược lên phía trên là trung tâm quận 1, hầm Thủ Thiêm, đoạn giữa là rẽ vào hướng quận 10, rồi quận 5, quận 6, Bình Tân, Bình Chánh...

Nơi đây vừa có cảnh trên bến dưới thuyền, vừa dẫn dắt người ta vào những khu chợ đầu mối như Bình Điền, chợ sầm uất như Bình Tây, đến khu ẩm thực người Hoa, phố thuốc bắc gia truyền.

Nét đẹp đi đôi sự hữu dụng, đại lộ Võ Văn Kiệt hội tụ cả hai điều này, khiến những kẻ không thường xuyên đi qua nơi này như chúng tôi nhưng trong một chiều nắng gió chan hòa cũng thấy lưu luyến, huống gì là những ai đã gắn bó truyền đời.

Khoảng 10 năm trở lại đây, TP.HCM hoàn thành, nâng cấp nhiều tuyến giao thông, công trình hạ tầng quan trọng, cải thiện đáng kể việc đi lại và mỹ quan đô thị như:

- Tháng 3-2025: Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên dài gần 20km khai trương.

- Tháng 10-2020: Bến xe Miền Đông mới tại TP Thủ Đức rộng 16ha.

- Tháng 9-2020: Nút giao thông An Sương thuộc quận 12 giáp huyện Hóc Môn giúp giảm kẹt xe cho khu vực cửa ngõ tây bắc của TP.HCM.

- Tháng 4-2022: Cầu Thủ Thiêm 2 (nay là cầu Ba Son) kết nối quận 1 và khu đô thị mới Thủ Thiêm, góp phần hạ nhiệt giao thông khu vực trung tâm.

- Cuối 2022: Khởi công mở rộng quốc lộ 50 qua huyện Bình Chánh dài gần 7km.

- Tháng 1-2021: Cầu Phước Lộc nối hai xã Phước Kiển và Phước Lộc của huyện Nhà Bè thông xe sau nhiều năm ròng rã thi công là tiền đề thúc đẩy kinh tế - xã hội toàn huyện.

- Tháng 2-2015: Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55km thông xe toàn tuyến, hiện đang nghiên cứu mở rộng làn xe...

Đại lộ Võ Văn Kiệt dài 13,428km từ đoạn giao Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi (quận 1) đến cầu vượt quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh). Đây là một phần của 22km đại lộ Đông Tây từ ngã ba Cát Lái (TP Thủ Đức) đến quốc lộ 1 đoạn qua Bình Chánh, khởi công 2005 và hoàn thành năm 2011.

Đại lộ qua 6 quận huyện, tùy đoạn mà từ 8 - 10 làn xe, kết nối TP.HCM với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần nâng cao mỹ quan đô thị, giảm thời gian di chuyển.

-----------------------------------

Trưa nắng như đổ lửa, từng tốp công nhân miệt mài thi công cầu cạn của tuyến đường vành đai 3, có đoạn đi xuyên qua khu đô thị mới Vinhomes Grand Park (TP Thủ Đức, TP.HCM).

Kỳ tới: Giã từ ngô khoai, thành đô thị mới

50 năm Sài Gòn - TP.HCM - Kỳ 4: Đổi thay lớn lao ở đại lộ Võ Văn Kiệt - Ảnh 3.50 năm Sài Gòn - TP.HCM - Kỳ 3: Sức sống ở Khu công nghệ cao

Chiều tan tầm, từ đường Võ Nguyên Giáp rẽ vào đường D1 (TP Thủ Đức, TP.HCM), từng tốp bạn trẻ đi làm, đi học về vui vẻ ghé vào những hàng quán nhộn nhịp nơi các lô chung cư C2, C3... trong lòng Khu công nghệ cao.

Đọc tiếp Về trang Chủ đề

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/50-nam-sai-gon-tphcm-ky-4-doi-thay-lon-lao-o-dai-lo-vo-van-kiet-a233303.html